Tiếp thêm động lực cho người lao động

06:05, 09/05/2022
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thông tin này nhanh chóng trở thành đề tài được nhiều người lao động và doanh nghiệp quan tâm chia sẻ.
 
Người lao động sắp được tăng lương tối thiểu. Ảnh: Khánh Phúc
Người lao động sắp được tăng lương tối thiểu. Ảnh: Khánh Phúc
 
•  CÔNG NHÂN VUI NHƯNG CÒN NHIỀU LO LẮNG!
 
Với mức tiền lương tối thiểu vùng hiện nay (lần tăng gần nhất từ ngày 1/1/2020) vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. 
 
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng I sẽ tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. Đây là mức lương do Nhà nước quy định, làm cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình giao kết hợp đồng lao động.
 
Anh Nguyễn Văn Năm, công nhân chăm sóc cây xanh đô thị ở TP Bảo Lộc cho biết, việc tăng lương là mong đợi của nhiều công nhân trong suốt hơn 2 năm qua. Với anh Năm, lương tối thiểu vùng tăng thêm 240 ngàn đồng một tháng thì không nhiều, nhưng cũng là nguồn động viên và bù đắp thêm để trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
 
"Tôi nghĩ, dù sao thì đây cũng là niềm vui. Thời gian qua, vì dịch bệnh nên doanh nghiệp cũng rất khó khăn, mình cũng cần chia sẻ. Nếu mỗi tháng có thêm 240 ngàn đồng dù ít, nhưng vẫn hơn là không có thêm đồng nào" - anh Năm nói.
 
Chị Bùi Thị Hạnh, Công ty TNHH Thông Đức, TP Đà Lạt thì nhận xét, việc chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 6% sau 2 năm rưỡi là không được như mong đợi của người lao động. “Thực tế, hiện nay giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng cao. Mà đến tháng 7 mới được tăng lương, chưa biết chừng giá cả hàng hóa khi đó còn tăng nữa. Tất cả chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, học hành của con cái đều trông chờ vào đồng lương, mà tăng chỉ hơn 200 ngàn đồng mỗi tháng thì cũng chẳng thấm vào đâu” - chị Hạnh băn khoăn chia sẻ.
 
•  DOANH NGHIỆP ĐÃ SẴN SÀNG?
 
Theo chia sẻ của chị Bùi Thị Quỳnh Lê, Phó Chủ nhiệm nhân sự Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam, Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, để phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, công ty đã có những chính sách tăng mức tiền lương, thưởng và phụ cấp để tuyển dụng thêm công nhân, thu hút công nhân chuyên nghiệp. Với hơn 1.700 công nhân, nếu tính cả tiền tăng lương và đóng bảo hiểm xã hội, thì mỗi tháng công ty sẽ phát sinh chi phí gần 1 tỷ đồng. 
 
“Lãnh đạo công ty đang tính toán phương án phù hợp để thực hiện tăng lương cho công nhân theo quy định của Nhà nước, và cũng là để phù hợp với thị trường lao động hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là gánh nặng tăng thêm, nhất là ngay sau đại dịch COVID-19, sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh và các chỉ số của công ty để hài hòa” - chị Lê khẳng định.
 
Anh Ngô Hải Đăng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nghệ Xanh Lộc Châu, Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc bày tỏ, thực tế hiện nay đơn vị này đã trả lương cho công nhân cao hơn mức lương dự kiến sẽ tăng, ngoài ra còn một số phụ cấp khác. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để anh có cơ sở đề xuất Hội đồng Quản trị công ty tiếp tục tăng lương, có như vậy mới giữ chân công nhân gắn bó lâu dài với công ty.
 
Giám đốc Công ty TNHH SunFell Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hội - doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, ông Lý Xuân cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công ty cũng đã lên kế hoạch sẽ nâng lương cho người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
“Cùng với tăng tiền lương cho công nhân, sẽ là tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Chúng tôi sẽ phải tổ chức lại quy trình sản xuất hiệu quả hơn, và cắt giảm lợi nhuận của công ty để cân bằng. Chỉ mong công nhân chung lòng, tăng năng xuất lao động để cùng phát triển công ty” - ông Lý Xuân nói.
 
Còn ông Lưu Văn Lợi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng thì bày tỏ: “Hiện nay, phần lớn công nhân lao động phải tăng ca để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Công nhân thì mong muốn tăng lương cao hơn nữa, nhưng doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn, nên mức tăng lần này là tương đối phù hợp. Cũng là sự chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước".
 
ĐỨC THIỆM