Gam màu tươi sáng trong hoạt động tín dụng chính sách ở Đức Trọng

12:06, 30/06/2022
(LĐ online) - Báo Lâm Đồng Online ghi lại những nỗ lực vượt khó thành công từ các mô hình sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả ở Đức Trọng trong thời gian qua…
 
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Đức Trọng đã hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, cũng hoàn thiện phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam; tập trung huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn…
 
Ông Cao Văn Còn - Chủ tịch UBND xã Tà Hine
Ông Cao Văn Còn - Chủ tịch UBND xã Tà Hine
VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH LÀ CHỦ LỰC TRONG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TẠI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Tà Hine là một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với dân số 4.112 khẩu/1.017 hộ; trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% và 95% hộ dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp... 
 
Trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp 2.756 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với số tiền 56.954 triệu đồng. Từ một chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay tại xã đã triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ 24.467 triệu đồng/559 hộ vay vốn. 
 
Theo ông Cao Văn Còn - Chủ tịch UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng: Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND xã đã tham mưu kịp thời cho Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành có liên quan, các trưởng thôn tổ chức triển khai hiện thực đồng bộ các giải pháp củng cố, và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên rõ rệt.
 
Hiện tại, xã không có nợ quá hạn và lãi tồn, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt. Ngoài ra, trong năm 2021 xã Tà Hine được công nhận là xã có Điểm giao dịch xã kiểu mẫu.
 
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã góp phần giúp gần 300 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm cho trên 150 lao động, giúp 127 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 209 hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và làm nhà vệ sinh; 32 hộ nghèo làm nhà ở… 
 
Nhiều hộ gia đình nghèo đã biết tận dụng vốn vay để phát triển kinh tế, làm gia trại kết hợp chăn nuôi trồng trọt; đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, nhiều hộ thoát được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; không còn tình trạng tái nghèo... 
 
Tà Hine từ xã đặc biệt khó khăn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hình thức sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi lớn, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật đã hoàn toàn thay thế các phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu… 
 
Sau 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 47,7% (năm 2002) giảm xuống còn 4,23% (năm 2022). Có được kết quả này, ngoài việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân chính là nhờ sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, thể hiện tính bền vững trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. 
 
Ông Ya Biêng Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Chơ Rung, xã Đa Quyn
Ông Ya Biêng Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Chơ Rung, xã Đa Quyn
VAI TRÒ CỦA TỔ TIẾT KIỆM VÀ VAY VỐN TRONG THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG ỦY NHIỆM VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
 
Năm 2009, khi tách ra từ xã Tà Năng, xã Đa Quyn trở thành xã vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất của huyện Đức Trọng. Chính sách của Nhà nước và các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách và giúp đỡ nhau sản xuất kinh doanh có hiệu quả, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Trải qua quá trình hoạt động và gắn bó với Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Ya Biêng có hơn 10 năm làm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chơ Rung, xã Đa Quyn (thuộc Hội Nông dân xã), cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chơ Rung luôn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và hội đoàn thể các cấp đánh giá cao, là một trong những tổ có dư nợ cao, quản lý nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội chặt chẽ, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ tổ viên nộp lãi và gửi tiết kiệm hàng tháng đạt 100%. 
 
Để đạt được kết quả đó, trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động, Tổ luôn bám sát nội dung hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo cho vay đúng đối tượng và khả năng trả nợ ngân hàng. Những hộ gặp khó khăn trong quá trình vay vốn đều được Tổ báo cáo với hội Nông dân xã, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội để có giải pháp xử lý phù hợp, không để xảy ra nợ quá hạn, lãi tồn đọng. 
 
Đến nay, dư nợ của tổ là 3.436 triệu đồng với 8 chương trình cho vay và 56 tổ viên dư nợ, 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền đạt 204 triệu đồng, chiếm 5,9% so với dư nợ. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ gia đình trong thôn từ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Tiêu biểu như hộ ông Ha Hai, gia đình ông Pi Năng Đôi và nhiều hộ gia đình khác trong thôn, trong xã… 
 
Nhờ được tiếp cận nhiều chương trình tín dụng chính sách, các hộ gia đình, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thoát nghèo bền vững, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, có hộ trở nên khá giả… Không chỉ là Tổ đứng đầu trong xã về dư nợ và chất lượng tín dụng, các tổ viên trong tổ luôn đoàn kết, thống nhất, tương trợ, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương…
 
Tuy nhiên, từ tháng 6 năm 2021, nguồn vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn người dân sinh sống tại xã Đa Quyn không còn được thụ hưởng nữa do Đạ Quyn được công nhận xã nông thôn mới, nên đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội các cấp quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để nhiều người dân địa phương được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo công ăn việc làm tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và không bị tái nghèo... 
 
Bà Lê Thị Châu - Thôn Thái Sơn, xã N’thôn Hạ
Bà Lê Thị Châu - Thôn Thái Sơn, xã N’thôn Hạ
THOÁT NGHÈO TỪ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
 
Trước đây, gia đình bà Lê Thị Châu (cư trú tại thôn Thái Sơn, xã N’thôn Hạ) có 4 khẩu gồm hai vợ chồng và 2 con, với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào 0,3 ha cà phê, sau khi trừ đi các khoản chi phí như thuốc trừ sâu, phân bón… thì phần thu nhập còn lại không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, cho nên hai vợ chồng phải đi làm thuê để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình... 
 
Là hộ nghèo của xã, năm 2015 khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi cháu lớn thi đậu vào trường cao đẳng và cháu nhỏ vào năm học mới. Nhờ biết được nguồn vốn tín dụng chính sách cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sự giới thiệu của Hội LHPN xã N’thôn Hạ, bà Châu tự nguyện xin gia nhập vào tổ tiết kiệm và vay vốn, được tham gia họp bình xét vay vốn, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Trọng duyệt cho vay với số tiền 33 triệu đồng cho con học 3 năm. 
 
Năm 2016, gia đình bà tiếp tục được vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng chính sách hộ nghèo, để mua phân, thuốc trừ sâu, giống ghép cà phê cao sản để vườn cà phê cho năng suất ngày cao hơn… Nhờ đầu tư có hiệu quả sau 2 năm gia đình bà đã thoát hộ nghèo và trả nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 30 triệu đồng, gởi tiền tiết kiệm được là 3.963.000 đồng.
 
Năm 2018, gia đình bà Châu tiếp tục được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để trồng 0,3 sào ớt. Nhờ được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt mà các vụ ớt thành công, giúp gia đình ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm từ sản xuất. 
 
Năm 2021, gia đình bà đã trả 33 triệu đồng cho món vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và 50 triệu đồng món vay hộ cận nghèo và vay 80 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng vườn cà phê lên 1,5 ha, dự kiến sản lượng năm nay sẽ thu được 4 tấn nhân, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình cũng đã tiết kiệm được 50 triệu đồng…
 
Bà Đỗ Thị Tiếp - Thôn Phú Trung, xã Phú Hội
Bà Đỗ Thị Tiếp - Thôn Phú Trung, xã Phú Hội
CHỈ CẦN HỌC TỐT, CHI PHÍ ĐÃ CÓ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI LO…
 
Vất vả hơn bà Châu, bà Đỗ Thị Tiếp ở thôn Phú Trung, xã Phú Hội có chồng mất sớm để lại 5 người con thơ dại, gia đình không có đất sản xuất… Bà Tiếp phải vất vả làm thuê để nuôi 5 con ăn học. 
 
Năm 2005, con gái lớn thi đậu vào trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, bà Tiếp được chi hội phụ nữ xã giới thiệu chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập cho sinh viên đi học và được giải ngân số tiền 27 triệu đồng giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho con học tập. Sau khi con ra trường và có việc làm, cháu đã trả nợ được toàn bộ nợ vay gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Trọng. 
 
Bà Tiếp tâm sự: Nhận thấy lợi ích thiết thực từ chương trình tín dụng chính sách trên, tôi động viên tất cả các con phải cố gắng học tốt, thi đậu đại học, chi phí học tập đã có Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ cho vay với mức lãi suất thấp, vì chỉ có con đường học tập thì các con mới có kiến thức, áp dụng trong cuộc sống, gia đình từ đó mới thoát được cái khó, cái nghèo… 
 
Thương mẹ vất vả, các con tôi đều cố gắng học tập và đều thi đỗ đại học. Đến nay, tôi đã được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 4 đứa con đi học đại học tại TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền 157 triệu đồng, đã trả nợ 108 triệu đồng. 2 cháu lớn đã ra trường, có việc làm ổn định và đang giúp mẹ trả nợ vay. Còn 2 đứa đang học, mỗi năm được giải ngân khoảng 50 triệu đồng trang trải chi phí trong học tập. 
 
Nhớ lại chặng đường nghèo khó của mình đã trải qua, bà Châu và bà Tiếp đều khẳng định rằng: Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với quyết tâm thoát nghèo, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và không nản chí nên gia đình đã gặt hái được thành quả như ngày hôm nay. 
 
Những món tiền vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội có ý nghĩa rất lớn và kịp thời hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát cảnh nghèo, để nuôi sống chính bản thân, con cái được tiếp tục đến trường để theo đuổi giấc mơ và thoát khỏi cái khó, cái nghèo… Có kinh tế vững vàng cũng là góp phần xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh…
 
LÊ HOA - THU HIỀN