Lan tỏa Phong trào Đền ơn đáp nghĩa

12:07, 27/07/2022
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, mỗi người dân lại có dịp để thể hiện tình cảm, sự sẻ chia và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với nước, đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Tự (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh). Ảnh: Khánh Phúc
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Tự (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh). Ảnh: Khánh Phúc
 
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 40 ngàn đối tượng chính sách, trong đó có gần 9 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng; chi trả định suất và trợ cấp khác trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, 100% đối tượng người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với địa bàn cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
 
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là thường trực Ban Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã tham mưu UBND tỉnh phát động phong trào vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh; đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố vận động ủng hộ quỹ này ở cấp huyện để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa nhằm giải quyết tốt nhu cầu nhà ở của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, phong trào xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2017 đến năm 2021 xây dựng và sửa chữa được hơn 1.000 căn nhà. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh huy động, vận động cán bộ công chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp 1,9 tỷ đồng để xây dựng khoảng 60 căn nhà tình nghĩa.
 
Tuổi trẻ Đoàn Khối Doanh nghiệp dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Bình An
Tuổi trẻ Đoàn Khối Doanh nghiệp dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Bình An
 
Mặt khác, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, các chế độ chính sách người có công được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Lâm Đồng là một trong những tỉnh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao về thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. 
 
Các phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thường xuyên quan tâm, chăm sóc. Tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Các chế độ ưu đãi về giáo dục, y tế… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với các đối tượng người có công với cách mạng. Hàng năm, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho người có công, nhằm động viên sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống đối với đối tượng người có công với cách mạng. Trung bình mỗi năm giải quyết hơn 800 hồ sơ các loại, trong đó, giải quyết trợ cấp hằng tháng và giải quyết trợ cấp một lần cho thân nhân người có công và người có công với cách mạng.
 
Đoàn Thanh niên Công an huyện Đạ Tẻh tổ chức sửa chữa, làm sân, cổng... cho gia đình bà Triệu Thị Viền là vợ của liệt sĩ, gia đình khó khăn. Ảnh: Thân Thu Hiền
Đoàn Thanh niên Công an huyện Đạ Tẻh tổ chức sửa chữa, làm sân, cổng... cho gia đình bà Triệu Thị Viền là vợ của liệt sĩ, gia đình khó khăn. Ảnh: Thân Thu Hiền
 
5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định điều dưỡng cho 3.749 đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng, nhằm chăm sóc sức khỏe người có công ngày một tốt hơn. Phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh xác lập hồ sơ truy tặng danh hiệu cho 39 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công ở các cấp, các ngành, địa phương cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo đúng chủ trương, chế độ chính sách của nhà nước đã ban hành.
 
Hằng năm vào các ngày lễ, tết, ngoài kinh phí của Trung ương, tỉnh đã dành một phần ngân sách của địa phương để thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ và người có công. Qua thăm hỏi, động viên đã thể hiện tình cảm tri ân, trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với đất nước.
 
Bác sĩ Trung đoàn Bộ binh 994 khám sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Có. Ảnh: Triều Ka
Bác sĩ Trung đoàn Bộ binh 994 khám sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Có. Ảnh: Triều Ka
 
Các công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, đài tưởng niệm ở các địa phương trong tỉnh luôn được đầu tư tôn tạo, nâng cấp ngày càng đẹp hơn để thân nhân và Nhân dân đến thăm viếng các Anh hùng liệt sĩ; là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ học tập, noi gương. Hiện nay, tỉnh đang đầu tư nâng cấp xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Lạt và các nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Và trong những ngày tháng 7 lịch sử này, Phong trào Đền ơn đáp nghĩa càng thêm sôi nổi với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đã và đang được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, như: thăm hỏi, tổ chức gặp mặt người có công tiêu biểu, tặng quà các gia đình chính sách; tặng sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách khó khăn; thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ... Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đang chung sức thực hiện. Qua đó, sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, động viên họ vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Đến nay, 100% đối tượng người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với địa bàn cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

 
NHẬT MINH