Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

01:07, 29/07/2022
Thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, trong những năm qua, công tác ATVSLĐ luôn được các cấp công đoàn trong toàn tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ đó, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
 
Công tác đảm bảo ATVSLĐ được chú trọng thực hiện ở Công ty Sợi Đà Lạt
Công tác đảm bảo ATVSLĐ được chú trọng thực hiện ở Công ty Sợi Đà Lạt
 
Nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ, các công đoàn cơ sở (CĐCS) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ phù hợp tại đơn vị mình. Trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên; trang bị và sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng chủng loại và đảm bảo chất lượng, phù hợp. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ độc hại, chế độ làm đêm, làm thêm giờ... theo đúng quy định của Luật ATVSLĐ, pháp luật lao động. 
 
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật an toàn, tổ chức tốt các lực lượng, phương án phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, xử lý sự cố... để các thành viên thường xuyên được tập duyệt, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Tổ chức chu đáo việc khám sức khỏe định kỳ và tiến hành phân loại sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động.
 
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; phân định rõ trách nhiệm của các bộ phận trong công tác ATVSLĐ. Các giải pháp phòng ngừa được chủ động thực hiện, trên cơ sở đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động. 
 
Hiện, toàn tỉnh có 365 đơn vị cơ sở thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với tổng số 2.196 người; 365 đơn vị hưởng ứng các Phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”. 
 
Theo ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đặc biệt đề cao ý thức thường xuyên tự kiểm tra của cơ sở để chủ động phát hiện những nguy cơ mất an toàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất. 
 
Tại Công ty Sợi Đà Lạt (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), người lao động khi mới vào công ty sẽ được đào tạo nội bộ về VSATLĐ, các tai nạn thường gặp, cách phòng ngừa, hình ảnh nhận diện rủi ro... Bên cạnh đó, với trên dưới 250 người lao động (NLĐ), việc huấn luyện về VSATLĐ được công ty tổ chức định kỳ hằng năm theo từng vị trí công tác chuyên môn. Ông Bùi Viết Hưng - Chủ tịch CĐCS Công ty Sợi Đà Lạt cho biết: “Vấn đề đảm bảo ATVSLĐ không chỉ là tuân thủ theo quy định của pháp luật, đây còn là một trong những chứng chỉ hàng đầu mà các đơn vị khách hàng bắt buộc chúng tôi phải có để đủ tiêu chuẩn xuất hàng cho họ”. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ năm 2017 đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tổng số 51 vụ tai nạn lao động, trong đó có 47 vụ tai nạn lao động có người chết. 100% các vụ tai nạn lao động đã được các cơ quan, đơn vị tiến hành điều tra, lập biên bản để làm cơ sở pháp lý giải quyết chế độ cho người bị nạn. Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan, từ đó đề ra và thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động tái diễn.
 
Trong giai đoạn 2017-2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 68.047 lượt lao động làm các nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, đã phát hiện 176 người mắc bệnh nghề nghiệp. Các cấp công đoàn đã phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại 55 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và công trình xây dựng. Qua thanh, kiểm tra, đã yêu cầu các đơn vị thực hiện hơn 81 nội dung kiến nghị.
 
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ cũng được đổi mới hình thức thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pano,... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATVSLĐ cho cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 15.000 đối tượng làm việc trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
 
Trong giai đoạn 2017-2022, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chi hơn 111 tỷ đồng cho việc đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động để cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động cũng như trang thiết bị bảo hộ lao động.
 
“Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, NSDLĐ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sự phát triển của doanh nghiệp và hạnh phúc của người lao động. Do đó, NSDLĐ đã có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe cho NLĐ. NLĐ cũng nhận thức rõ hậu quả và hệ lụy do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra nên từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy trình đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc”, ông Phạm Văn Được nhấn mạnh. 
 
VIỆT QUỲNH