Đẩy mạnh phát triển Phong trào Thể dục thể thao quần chúng

02:10, 14/10/2022
Nhiều mục tiêu đã được Lâm Đồng đặt ra cho thể dục thể thao (TDTT) trong những năm đến, trọng tâm vẫn tiếp tục duy trì và phát triển Phong trào TDTT quần chúng, phấn đấu đến năm 2025 số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt từ 38% tổng dân số. 
 
Thi đấu bóng chuyền nam Giải Đại hội TDTT cấp huyện 2022 tại Đức Trọng
Thi đấu bóng chuyền nam Giải Đại hội TDTT cấp huyện 2022 tại Đức Trọng
 
•  BƯỚC PHÁT TRIỂN
 
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự quyết tâm, đoàn kết của cán bộ công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phong trào TDTT tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT của người dân trong tỉnh.
 
Cho đến nay, Phong trào TDTT quần chúng luôn được quan tâm duy trì và phát triển, hàng năm ngành tổ chức tổ chức từ 40-50 giải thể thao cấp tỉnh, 850-950 giải thể thao các cấp từ xã đến huyện phục vụ người dân, công nhân, cán bộ, công chức viên chức trên toàn tỉnh với khoảng 20 môn, thu hút khoảng 75 ngàn lượt VĐV tham dự, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên trong tỉnh đạt 35,9%, (tăng 3,9% so với năm 2018), số gia đình thể thao đạt 28,7% (tăng 3,7% so với năm 2018). Nhiều loại hình thể thao được phát triển như câu lạc bộ, liên đoàn, hội, chi hội thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 12 Liên đoàn (gồm các Liên đoàn Cờ, Bóng đá, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Võ cổ truyền, Taekwondo, Karate, Vovinam, Aikido, Yoga, và Liên đoàn TDTT Người cao tuổi tỉnh); 4 Hội thể thao cấp tỉnh (gồm Hội Boxing, Golf, Kickboxing, Judo) và 1.185 câu lạc bộ TDTT cơ sở hoạt động hiệu quả.
 
Thể thao thành tích cao của tỉnh cũng được quan tâm, đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp hoá; nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện. Hàng năm Lâm Đồng đăng cai từ 7-9 giải thể thao quốc gia, quốc tế; tham gia từ 50-60 giải quốc gia, quốc tế. Tính đến hết tháng 9/2022, Lâm Đồng tham gia 47 giải thể thao quốc gia, quốc tế đoạt được 222 huy chương (57 HCV, 66 HCB, 99 HCĐ), tăng 20 huy chương so với năm 2018. Đặc biệt, năm 2022 các VĐV Lâm Đồng đoạt 10 huy chương tại giải quốc tế (6 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ).
 
•  TỔ CHỨC TỐT ĐẠI HỘI TDTT CÁC CẤP 
 
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT các cấp làm căn cứ để 12/12 huyện, thành phố và 3 ngành (Giáo dục và Đào tạo, Công an và Quân đội) lên kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT của đơn vị, địa phương mình. 
 
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức mới, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt của đời sống xã hội; tuy nhiên các cấp, các ngành trong tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt, chủ động khắc phục khó khăn trong tổ chức Đại hội.
 
Tính đến hết quý II năm 2022, toàn tỉnh đã có 139/142 xã, phường, thị trấn tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp xã. Trung bình có 6 môn được các địa phương đưa vào tổ chức thi đấu gồm bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng. Tổng cộng có trên 700 giải trong Đại hội TDTT cấp xã diễn ra, thu hút hơn 175 nghìn lượt người tham gia thi đấu và cổ vũ. Toàn bộ 12/12 huyện, thành phố và 3 ngành, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Quân đôi tổ chức xong Đại hội TDTT cấp huyện, bình quân mỗi huyện, thành phố tổ chức thi đấu 10 môn với sự tham gia trên 30 nghìn vận động viên tham gia thi đấu, thu hút hơn 150 nghìn người dân đến cổ vũ. 
 
 
Với cấp tỉnh, Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX năm 2022 được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2022 với 18 nội dung thi đấu của 15 môn và được chia làm 2 giai đoạn: Ở giai đoạn 1 (thi đấu trước thời gian khai mạc) gồm 11 môn: bóng đá nam (vòng loại), bóng bàn, bóng chuyền (nam, nữ), thể dục thể hình, cầu lông, quần vợt, Karate, Taekwondo, thể dục dưỡng sinh, Vovinam và cờ tướng. Còn giai đoạn 2 (thi đấu sau khai mạc Đại hội và kết thúc) gồm 4 môn: Võ cổ truyền, việt dã, đẩy gậy (nam, nữ) và kéo co (nam, nữ).
 
Tính chung, Đại hội cấp tỉnh đã thu hút trên 2 nghìn VĐV với khoảng 550 VĐV nữ tham gia thi đấu ở các bộ môn. 
 
Có thể nói, Đại hội TDTT các cấp đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về lợi ích, vai trò của TDTT; góp phần xây dựng phát triển Phong trào TDTT quần chúng, giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc truyền thống, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Qua đó tỉnh cũng tuyển chọn, bổ sung các VĐV xuất sắc tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
 
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác ở phía Bắc. Từ đầu năm nay, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch tham gia Đại hội gồm 14 môn với 111 huấn luyện viên, VĐV trong các môn võ cổ truyền, Kick- Boxing, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, Boxing, Taekwondo, điền kinh, đẩy gậy, cử tạ, vật, thể hình, khiêu vũ Thể thao, Billiards Carom 3 băng. 
 
Hiện một số môn đã được cử đi tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia như: Cử tạ, cầu lông, bóng bàn, đẩy gậy... Thể thao Lâm Đồng đang nỗ lực hết sức để nâng cao thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc năm nay.
 
• NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH CHO 4 NĂM ĐẾN
 
Mục tiêu chính của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm đến vẫn là tiếp tục đẩy mạnh Phong trào TDTT quần chúng, nâng cao thể lực tầm vóc người dân trong tỉnh; phát huy các môn thể thao thế mạnh của tỉnh, nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao; từng bước khẳng định vị thế trên toàn quốc, thu hút và tổ chức tốt các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế. 
 
Lâm Đồng cũng nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT, trong đó tiếp tục đầu tư và hoàn thành các hạng mục của Khu Liên hợp thể thao, đặc biệt là sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi thuộc Dự án đầu tư Khu Văn hóa, Thể thao tỉnh Lâm Đồng tại Phường 7, Đà Lạt; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực TDTT ở các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thành lập các liên đoàn, hội thể thao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các bộ môn có thế mạnh của địa phương.
 
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt từ 38% tổng dân số, số gia đình thể thao đạt 29,5% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh. Mỗi năm tỉnh tổ chức khoảng trên 40 giải thể thao cấp tỉnh, khoảng 1 nghìn giải thể thao các cấp từ xã đến huyện phục vụ người dân, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh trong khoảng 20 môn, thu hút khoảng 80 nghìn lượt VĐV tham dự; phát triển từ 2-3 môn thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm trên địa bàn.
 
Trong thể thao thành tích cao giai đoạn 2022-2025, bình quân mỗi năm tỉnh sẽ tập trung đào tạo từ 200 đến 250 VĐV của 15 môn thể thao; cử VĐV tham gia trên 60 giải thể thao quốc tế, quốc gia, khu vực và mở rộng; phấn đấu đến năm 2025 số huy chương tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế đạt 250 huy chương các loại, trong đó số huy chương tại các giải vô địch quốc gia và quốc tế đạt được từ 60 đến 70 huy chương; số VĐV đạt đẳng cấp quốc gia tăng theo từng năm từ 30 VĐV trở lên. Hàng năm đăng cai từ 7 đến 10 hoạt động thể thao quốc gia, khu vực, mở rộng và quốc tế.
 
Ngành cũng chú ý đào tạo nguồn nhân lực phục vụ TDTT, trong đó số cán bộ được đào tạo phục vụ cho công tác phát triển ngành từ đại học đến sau đại học vào khoảng 120 người; cán bộ chuyên môn về TDTT khoảng 70-80 người, chủ yếu là huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ quản lý TDTT. 
 
Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, Lâm Đồng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể đối với sự nghiệp phát triển TDTT. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò phát triển sự nghiệp TDTT, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần.
 
Đặc biệt, để duy trì, phát triển Phong trào TDTT quần chúng, tỉnh yêu cầu ngành cần tăng cường vận động, phổ biến, hướng dẫn mọi đối tượng quần chúng tập luyện, tham gia thi đấu các giải thể thao, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng chất lượng hệ thống các giải thể thao quần chúng từ cơ sở đến cấp tỉnh; tuyển chọn, bổ sung lực lượng VĐV vào tuyển năng khiếu của tỉnh.
 
Tỉnh cũng yêu cầu cần chú ý nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao, tập trung đào tạo, huấn luyện đối với các đội tuyển tỉnh và tuyến trẻ của các môn có thế mạnh, cử VĐV tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc, khu vực, quốc tế và mở rộng; tiếp tục đăng cai các giải khu vực, quốc gia, quốc tế tại tỉnh để xây dựng phong trào và nâng cao thành tích thể thao; đầu tư có trọng điểm những môn thể thao thế mạnh của Lâm Đồng.
 
Lâm Đồng cũng sẽ nỗ lực phát triển các môn thể thao giải trí và thể thao mạo hiểm, đa dạng các sản phẩm thể thao, gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương; thu hút và tổ chức tốt các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong thể thao, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu.
 
Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực TDTT trên địa bàn, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị tập luyện và thi đấu các môn thể thao từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục củng cố kiện toàn và phát triển các Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh, hoạt động có hiệu quả; gắn Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư.
 
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng cam kết phối hợp tốt với ngành Giáo dục và Đào tạo để đưa môn võ cổ truyền vào trường học; triển khai tốt Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em và phát triển bóng đá học đường. 
 
Đồng thời sẽ tiếp tục vận động các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ tổ chức các hoạt động TDTT và phát triển Phong trào TDTT tại địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thành lập các liên đoàn, hội thể thao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các bộ môn có thế mạnh của địa phương; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nhằm thu hút đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động TDTT, đồng thời tổ chức tốt các hoạt động TDTT nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương.
 
VIẾT TRỌNG