Đồng hành với học sinh vùng khó

06:10, 31/10/2022
Thấu hiểu những thiệt thòi, thiếu thốn của các em học sinh vùng sâu, vùng xa, cô giáo Nguyễn Đỗ Diệu An (31 tuổi), Trường Tiểu học Chu Văn An, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đã luôn tạo điều kiện, truyền cảm hứng với môn Tin học cho học sinh. 
 
Cô Nguyễn Đỗ Diệu An luôn mong muốn học sinh có thêm nhiều điều kiện tiếp xúc với máy tính và môn Tin học
Cô Nguyễn Đỗ Diệu An luôn mong muốn học sinh có thêm nhiều điều kiện tiếp xúc với máy tính và môn Tin học
 
Là giáo viên Tin học ở một địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô giáo Diệu An luôn tâm niệm giảng dạy bằng tất cả tình yêu nghề, mến trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy, chủ động xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
 
Từ việc đồng hành, thấu hiểu về điều kiện của học sinh, cô Diệu An đã nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác chuyên môn, giảng dạy. Cụ thể, năm học 2020 - 2021, giải pháp “Một số biện pháp giúp học sinh vẽ tốt các hình trang trí trong phần mềm logo cho học sinh lớp 5 - Trường Tiểu học Chu Văn An” của cô Diệu An đã được công nhận có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp huyện. Sau khi thực hiện, 100% học sinh biết sử dụng phần mềm để vẽ trong các tiết thực hành tin học, giúp giờ học sinh động, khơi dậy tính sáng tạo khoa học trong học sinh. 
 
Năm học 2021-2022, cô thực hiện giải pháp “Sáng kiến dạy học sinh lớp 4, 5 giải toán dãy số trong Scratch ở Trường Tiểu học Chu Văn An”. Sau khi thực hiện giải pháp, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, hứng thú trong học tập cũng như các hoạt động tập thể cùng giáo viên và các bạn, tạo cho trẻ niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo.
 
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động sáng tạo trong học tập, cô giáo Nguyễn Đỗ Diệu An cũng đã thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với những hoạt động của nhà trường. 
 
Bước vào năm thứ 10 gắn bó với sự nghiệp trồng người cũng là chừng đó thời gian cô giáo Nguyễn Đỗ Diệu An đồng hành cùng công tác ôn thi học sinh giỏi. Từ năm 2013-2017, năm nào cũng có học sinh của cô An đoạt giải nhất cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2015-2016, cô Diệu An ôn luyện cho 7 em thi Toán Violympic thì 7 em đều đoạt giải cao, có 1 em đoạt giải Nhất, 3 em đoạt giải Nhì và 3 em đoạt giải Ba, điều đặc biệt hơn nữa khi tất cả các em đều là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Từ năm học 2019-2020, cô Diệu An được phân công ôn thi Tin học trẻ, và danh sách học sinh đoạt giải của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An cũng được nối dài thêm với những cái tên cùng thành tích nổi bật, như em Nguyễn Nhân Sinh đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh năm học 2019-2020; em Nguyễn Thành Trung đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia năm học 2020-2021; em Âu Gia Hân đoạt giải Ba cấp tỉnh, và em Tăng Chấn Hưng đoạt giải Khuyến khích năm học 2021-2022.
 
Để có được thành tích như ngày hôm nay, cô Nguyễn Đỗ Diệu An đã cố gắng vượt lên trong mọi hoàn cảnh. Bố mất sớm khi cô còn chưa biết đi, mẹ ở vậy nuôi các con đi học. Chính vì vậy mà cô Diệu An luôn không ngừng nỗ lực, biến ước mơ được làm cô giáo thành sự thật. “Khi đứng trên bục giảng, tôi không chỉ dạy kiến thức cho các em, mà còn nói chuyện nhỏ to, hỏi thăm hoàn cảnh sống, động viên các em hãy ước mơ và biến nó thành sự thật. Chúng ta có ước mơ, thì mới có mục tiêu phấn đấu”, cô chia sẻ.
 
Bản thân cô giáo Nguyễn Đỗ Diệu An đã có 2 con nhỏ, trong đó cháu nhỏ bị chậm phát triển và tự kỷ. Cô tâm sự: “Có con bị bệnh như vậy, mình mới thật sự hiểu, thông cảm và càng quan tâm đến các học sinh bị bệnh đến trường học, sao cho các em hòa đồng hơn. Mặc dù con bị bệnh nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp việc trường và việc nhà một cách tốt nhất, để con mình có thể phát triển tốt, mà không ảnh hưởng đến công việc nhà trường giao”.
 
Động lực để cô Diệu An luôn nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm các em có tiềm năng về Tin học, thành lập đội tuyển tham gia thi Tin học trẻ là để khẳng định rằng, dù các em học sinh ở vùng khó khăn nhưng nếu cố gắng, các em cũng giỏi không thua kém các bạn ở thành phố. Đối với cô, học sinh đoạt giải đã là một niềm vui lớn. Và vui hơn nữa khi ngoài nỗ lực của chính bản thân giáo viên và học sinh, cô còn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ cơ sở vật chất, tinh thần từ Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông và cả những thầy cô đam mê Tin học trong toàn tỉnh. “Tôi có những học sinh hiếu học, có những phụ huynh hết lòng vì con. Và mong rằng những năm học sau, tôi vẫn luôn nhận được những sự ưu ái và quan tâm đó để bản thân vững bước, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà nói riêng và cả nước nói chung”, cô Diệu An chia sẻ.
 
Cô Thiều Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An nhận xét, ở một trường học có đến 60% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại một địa phương còn quá nhiều khó khăn, nhưng cô Diệu An cùng những nỗ lực của mình đã truyền thêm động lực, cảm hứng cho học sinh nhà trường không ngại ngần tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.
 
VIỆT QUỲNH