Phấn đấu năm 2025 trên 80% hộ gia đình ở thành thị và 35% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn

05:11, 10/11/2022
(LĐ online) - Tỉnh uỷ Lâm Đồng đặt mục tiêu cụ thể cho từng mốc thời gian nhằm phấn đấu nâng cao tỷ lệ phần trăm hộ gia đình ở thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
 
Cơ quan chức năng đang cảnh báo về tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Cơ quan chức năng đang cảnh báo về tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
 
Tỉnh uỷ Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
 
Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kết luận số 36- KL/TW phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, xác định các nội dung trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kết luận số 36- KL/TW.
 
Về mục tiêu tổng quát, Lâm Đồng sẽ nỗ lực bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là cấp nước sạch cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới. Mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
 
Về mục tiêu cụ thể, kế hoạch đặt ra đến năm 2025: Phấn đấu trên 80% hộ gia đình ở thành thị và 35% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế; xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung để cung cấp nước sạch cho nhân dân.
 
Đến năm 2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; có trên 90% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; bước đầu khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các hồ chứa nước lớn là nguồn cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất.
 
Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất bảo đảm an ninh nguồn nước.
 
Để hoàn thành kế hoạch, Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước;…
 
C.THÀNH