Phòng chống tai nạn đuối nước - tai nạn thương tích ở trẻ cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị

06:11, 14/11/2022
(LĐ online) - Được vui chơi an toàn, được sống trong tình yêu thương; đó là một trong số những quyền cơ bản của trẻ em. Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều kế hoạch và chương trình hành động hướng đến mục tiêu tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Nhưng trong thực tế, đó đây vẫn xảy ra những vụ đuối nước thương tâm để lại nỗi đau cho người thân và toàn xã hội. Để bảo vệ trẻ em toàn trong tình yêu thương, cần lắm sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
 
Giải bơi học sinh tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất năm 2022
Giải bơi học sinh tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất năm 2022
 
TIẾNG CHUÔNG CẢNH BÁO VÀ NHỮNG CON SỐ ĐAU LÒNG
 
Những ngày qua, dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin cháu N.X.Đ.T, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Trãi thành phố Đà Lạt bị đuối nước tử vong. Một nỗi đau không gì bù đắp được với những đấng sinh thành cũng một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về thực trạng đuối nước ở trẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo con số thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 264 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó số vụ đuối nước ở trẻ dẫn đến tử vong là 32 vụ. Tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 13,63%. Nguyên nhân dẫn đến tử vong do tai nạn thương tích trong đó có đuối nước ở trẻ là khá nhiều. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ thực tế đời sống sinh hoạt ở vùng nông thôn. Lâm Đồng hiện có hơn 14.000 hồ tưới do người dân tự đào để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các hồ chứa này đều được đào múc khá sâu, thiếu hệ thống che chắn và cảnh báo nguy hiểm, nằm sát vườn rẫy và tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa nên rất khó quản lý. Đây chính là những “chiếc bẫy tử thần” đối với trẻ em ở vùng nông thôn vốn hiếu động, tò mò, thích nghịch nước nhưng bản thân chưa đủ kỹ năng tự phòng vệ. Bên cạnh đó, sự bất cẩn, chủ quan, thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm về tai nạn, thương tích và kỹ năng phòng, chống  tai nạn, thương tích của trẻ và của những người chăm sóc, trông nom trẻ nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này. 
 
Trao giải cho các học sinh có thành tích bơi lứa tuổi thiếu nhi
Trao giải cho các học sinh có thành tích bơi lứa tuổi thiếu nhi
 
VẪN CHƯA HẾT KHÓ KHĂN
 
Để hạn chế các vụ tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ, trong nhiều năm qua, các ngành các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ban hành những chương trình hành động cụ thể. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyên truyền vận động, kêu gọi sức mạnh của cả cộng đồng nhất là cấp cơ sở cùng chung tay bảo vệ trẻ em trước những tác động của môi trường sống. Nhiều mô hình nhiều cách làm hay bước đầu đã giúp trẻ trang bị kỹ năng sống như chương trình dạy bơi cho trẻ trong học đường của ngành giáo dục; truyên truyền tập huấn cho người giữ trẻ kỹ năng chăm sóc trẻ em an toàn; ra quân nhân Tháng hành động vì trẻ em.v.v. nhằm kêu gọi toàn xã hội thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với trẻ.v.v. Những nỗ lực ấy bước đầu đã tạo được sự lan toả tích cực nhưng vẫn chưa hẳn đã hết những khó khăn. Ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, đã có 62 hồ bơi được đầu tư trong học đường nhằm triển khai rộng rãi với chương trình dạy bơi cho trẻ nhằm phòng chống đuối nước một cách chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn như chi phí đầu tư hồ bơi lớn, việc vận hành hồ bơi còn nhiều lúng túng, số hồ bơi đầu tư trong học đường còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của trẻ...  Tuy các cấp các ngành đã có sự quan tâm đến công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, nhưng một bộ phận xã hội chưa thật sự quan tâm nhiều đến trẻ em; các hoạt động trợ giúp chưa thật sự mang tính xã hội hóa cao, mới chỉ tập trung ở những sự vụ, sự việc đã xảy ra. Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn gây tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em là do môi trường cộng đồng còn thiếu kiến thức về phòng, chống; sự bất cẩn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội còn tiềm ẩn gây tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; một số địa phương còn hạn chế về công tác truyền thông trong phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Mặc dù, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến tại gia đình và trẻ em được kịp thời, nhưng về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cũng như gia đình, trẻ em vẫn phần nào còn hạn chế. Một số bộ phận gia đình nhất là ở vùng nông thôn còn khó khăn, tập trung lo kinh tế gia đình, ít dành thời gian cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; do mâu thuẫn gia đình, nhiều thói quen, tập quán làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
 
Cảnh báo đề phòng đuối nước
Cảnh báo đề phòng đuối nước
 
TÌM GIẢI PHÁP CĂN CƠ
 
Trẻ em như búp trên cành, trẻ em là tương lai của cả dân tộc; Vì thế chăm sóc trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đây phải  được xem là nghĩa vụ, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sự góp sức của cơ quan chủ quản, sự cộng đồng trách nhiệm từ gia đình đến nhà trường sẽ tạo nên thế chân kiềng vững chắc trong hành trình bảo vệ, chăm sóc và nuôi dạy trẻ; Cần tăng cường hơn nửa công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các Quyền cơ bản của trẻ em. Ngoài ra, phải quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác vận động tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cán bộ các tại địa phương, gia đình, trẻ em được tiếp cận, nắm bắt công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em. Phải có cơ chế xã hội hóa nhằm xây dựng các mô hình mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương đạt hiệu quả lấy đó làm điểm tựa để nhân ra trên phạm vi rộng. Có như thế mới hy vọng công tác phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn Lâm Đồng trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn./.
 
DIỆP QUỲNH