Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động

01:11, 28/11/2022
Những năm qua, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, phải kể đến lĩnh vực kinh tế, lao động.
 
Một tiểu phẩm tuyên truyền về bình đẳng giới của Hội Phụ nữ xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng
Một tiểu phẩm tuyên truyền về bình đẳng giới của Hội Phụ nữ xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng
 
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và cho chị em phụ nữ nói riêng luôn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên quan tâm, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Chị em đã được tiếp cận các nguồn vốn, giống cây trồng, phân bón, vật nuôi, cũng như được tiếp cận khoa học - công nghệ... để hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập. Công tác vay vốn, hỗ trợ việc làm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh... luôn được chính quyền địa phương quan tâm.
 
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội thường xuyên phối hợp kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, tình hình quan hệ lao động, đời sống việc làm, thu nhập, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.
 
Phong trào nữ công nhân viên chức, lao động giúp nhau làm kinh tế gia đình luôn được nhân rộng; nhiều ban nữ công công đoàn cơ sở đã tổ chức các hình thức như: Quỹ Xoay vòng vốn, Quỹ Trợ vốn giúp nhau giải quyết khó khăn. 
 
Liên đoàn Lao động tỉnh hiện đang quản lý “Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo” với tổng tiền vốn trên 10,8 tỷ đồng, hàng năm giải quyết cho hơn 1.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống của chị em đã ổn định hơn, giúp chị em yên tâm công tác, lao động sản xuất.
 
Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề nhằm cung cấp, hỗ trợ phụ nữ về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình với 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”... đến khoảng 90% hội viên, phụ nữ. Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp, lồng ghép tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống buôn bán ma túy. Đồng thời, phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ đúng quy định của pháp luật.
 
Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, góp phần đưa kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá. Tổng nguồn vốn do phụ nữ các cấp huy động đến nay đạt trên 1.800 tỷ đồng, cho gần 40.000 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo vay; phong trào tiết kiệm, giúp nhau trong hội viên phụ nữ luôn được quản lý chặt chẽ, đã có 100% chi, tổ hội với gần 1.800 tổ, nhóm tiết kiệm, tham gia đóng góp, hỗ trợ kịp thời cho trên 27 ngàn chị em có hoàn cảnh khó khăn vay.
 
Các cấp Hội cũng phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình khuyến công, khuyến nông, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng các mô hình điểm, hội thảo đầu bờ, phối hợp mở các lớp dạy nghề cho lao động nữ; tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, giúp chị em phụ nữ từng bước tiếp cận với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi hình thức làm kinh tế. Hưởng ứng và tham gia hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Vận động chị em đưa con em đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động tại các thị trường như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
 
Đặc biệt, trong 3 năm, từ 2020 - 2022, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người dân Lâm Đồng đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19…
 
Nhìn chung, thời gian qua, công tác thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh đã gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, số lượng nữ lao động được giải quyết việc làm sau học nghề ngày càng tăng, góp phần cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.
 
NHẬT MINH