Ấn tượng Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên

03:12, 22/12/2022
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 không chỉ có ngàn hoa khoe sắc, mà còn có vẻ đẹp mang chiều sâu văn hóa của một miền đất. “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” dưới rừng thông Bảo tàng Lâm Đồng với sự phối hợp tổ chức của Bảo tàng Tây Nguyên sẽ đưa du khách đến một không gian của sử thi, của huyền thoại với những tượng gỗ được tô điểm bởi hoa.
 
Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên tại Bảo tàng Lâm Đồng thu hút đông đảo khách tham quan.
Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên tại Bảo tàng Lâm Đồng thu hút đông đảo khách tham quan.
 
“Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” giới thiệu với công chúng hơn 1.000 chậu hoa với các loài hoa đặc trưng tiêu biểu của Đà Lạt: hoa mua, đỗ quyên, ngũ sắc, cúc, phong lữ, ngọc thảo và trên 100 tượng gỗ được tuyển chọn từ các nghệ nhân, các nhà điêu khắc, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hoa và tượng gỗ tô điểm cho nhau trong không gian nghệ thuật sắp đặt dưới rừng thông lãng mạn, trữ tình. Màu sắc rực rỡ mềm mại của hoa làm tôn lên đường nét rắn rỏi, cứng cáp, thô của tượng. Ngược lại, chất thô ráp, mộc mạc của tượng gỗ làm tăng thêm vẻ đẹp yêu kiều, quý phái của các loài hoa. 
 
Tượng gỗ Tây Nguyên là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, một nét đặc trưng văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên. Qua bàn tay sáng tạo giàu cảm xúc của các nghệ nhân, tượng gỗ đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và là sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh, mang tính xã hội, tính cộng đồng sâu sắc. Các tượng gỗ dân gian thường được dùng để trang trí, tô điểm cho các ngôi nhà chung (nhà rông) của các buôn làng hay ngôi nhà ở (nhà sàn) của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chúng còn được dùng để trang trí cho ngôi nhà mồ - kiến trúc dành cho người đã qua đời. 
 
Hai nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ trong không gian triển lãm.
Hai nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ trong không gian triển lãm.
 
Trên 100 tượng gỗ tại “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” được phân chia thành các nhóm: tượng nghệ thuật, tượng dân gian, tượng mang yếu tố tâm linh dùng trong các nghi lễ, tượng lễ hội, tượng phản ánh đời sống sinh hoạt. Trong đó, tượng nghệ thuật do các nhà điêu khắc, các nghệ nhân dân tộc thiểu số Tây Nguyên tác tạo nên bằng thân cây gỗ tự nhiên cùng với những dụng cụ thô sơ: dao, rựa, rìu, xà gạc, đục… 
 
Tượng thường được chế tác từ nhiều loại gỗ quý như: Sến đỏ (cà chít), cẩm lai, hương, gụ, long não, pơmu… Sau khi tìm được gỗ phù hợp, nghệ nhân dựa trên kích thước, hình dáng của gỗ để xác định sẽ làm tượng gì cho phù hợp. Vừa đẽo, gọt, đục, người Tây Nguyên vừa lồng cảm xúc, thổi hồn, thả trí tưởng tượng vào gỗ. Từng nhát rìu, rựa, dao, xà gạc, đục thô ráp, hồn nhiên để tạo ra những bức tượng chân phương, mộc mạc, gần gũi với đời sống, nhưng rất sinh động hấp dẫn, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào.
 
Các bức tượng nghệ thuật thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, quê hương thanh bình, no ấm. Một số tượng dân gian mô tả cảnh lao động sản xuất như chàng trai cô gái lên nương, phát rẫy, trỉa hạt, phụ nữ xúc cá, giã gạo. Ngoài ra, các bức tượng còn thể hiện tình cảm gắn bó gia đình, cộng đồng và hình ảnh sinh hoạt đời sống thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như tình mẫu tử, tình cảm vợ chồng, chị bồng em, thiếu nữ mời rượu, chàng trai suy tư. Bên cạnh đó, tượng còn có các con vật gần gũi thân thương như trẻ chăn trâu, con chó giữ nhà, gà trống, chim công, con khỉ, con nai. Đặc biệt, nhiều tượng dân gian phản ánh kiến trúc, nhà rông, nhà sàn, cầu thang, cột nhà rông hình quả bầu, các họa tiết hoa văn sống động, hấp dẫn. Tượng phản ánh về đời sống tinh thần khá phong phú, đa dạng như lễ hội mừng lúa mới, biểu diễn cồng chiêng, già làng đánh trống, chàng trai thổi khèn bầu… đưa người xem về một vùng đất huyền thoại.
 
Một số tượng gỗ tiêu biểu tại triển lãm
Một số tượng gỗ tiêu biểu tại triển lãm
 
Bức tượng “Bác Hồ với Tây Nguyên” được làm từ gỗ Pơmu, mô tả Bác Hồ với già làng Tây Nguyên (K’Minh Tuấn) thể hiện sự quan tâm của Bác với các dân tộc Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ. Bức tượng đạt giải thưởng Đặc biệt tại Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Đông Nam Bộ năm 2001 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
 
Những hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên như: cụ già uống rượu; chàng trai cô gái giã gạo; mẹ cho con bú, mẹ địu con, cha cõng con… được các nghệ nhân dân gian phản ánh sinh động qua hệ thống tượng đa dạng về kiểu dáng và tư thế. Bức tượng cụ già đang ngồi uống rượu cần với hình ảnh cụ già đang cởi trần, đóng khố, một tay ôm ghè rượu, một tay cầm cá. Tượng được đặt ở nhà rông, thể hiện nét đẹp trong phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. 
 
Các bức tượng thể hiện tình cảm gia đình như tình bà cháu, tình mẫu tử thiêng liêng, các nghệ nhân dân gian muốn ca ngợi tình cảm gia đình và giáo dục thế hệ trẻ về sự thiêng liêng của tình cảm gia đình. Những bức tượng phản ánh về hoạt động lao động sản xuất của các đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên như hoạt động đi phát rẫy, lên nương, đi săn… Hình ảnh những người đàn ông cởi trần đóng khố cầm những vật dụng quen thuộc như rìu, dao, xà gạc để đi phát rẫy, đi săn, người phụ nữ mang gùi lên nương hái lượm như tái hiện cuộc sống của đồng bào. Tượng được để ở nhà Rông vừa để trang trí vừa mang yếu tố tâm linh với ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, luôn no đủ, gửi gắm ước nguyện không bao giờ thiếu đói của đồng bào. 
 
Bên cạnh những hoạt động lao động sản xuất trong đời sống hàng ngày, tượng hình các con vật gấu, khỉ, chó, voi, rắn, chim công, chim tích gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc cũng là một đề tài thú vị của các nghệ nhân. Bức tượng Gấu bẻ măng đoạt giải Nhất trong Hội thi Tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại Đắk Lắk năm 2017. Bên cạnh là tượng con chó đực - được quan niệm là con vật trung thành luôn mang may mắn đến với chủ nhân. Các bức tượng con vật như khỉ rình ngô, con chim tích, chim công… thường được dùng làm cột hay làm hàng rào ở nhà mồ dành cho người đã khuất. 
 
Tượng mô tả các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội của đồng bào dân tộc Tây Nguyên: Tượng thầy cúng mô tả hình ảnh một thầy cúng đang ngồi bên ché rượu cần để cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu và cầu cho con người sức khỏe. Bức tượng thể hiện bối cảnh sinh hoạt lễ hội và vai trò không thể thiếu của người thầy cúng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Bức tượng đánh trống mô tả hình ảnh người đàn ông đang dùng hai tay vỗ vào mặt trống hòa âm với tiếng cồng mà cụ già bên cạnh đang đánh… có sức gợi về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể nhân loại.
 
Tượng già làng đang uống rượu cần và tượng cây nêu, nghệ nhân dân gian đã khắc họa vai trò của già làng trong cộng đồng và sự kính trọng của mọi người đối với già làng. Tượng cây nêu được đặt bên cạnh là một biểu tượng tâm linh, mang ý nghĩa linh thiêng, giúp gắn kết con người với đất trời, với các vị thần linh… 
 
Tại không gian, nghệ sĩ K’Minh Tuấn (Lâm Đồng) và nghệ nhân Y Thái (Đắk Lắk) đã trình diễn tạc 2 bức tượng gỗ “Múa xoang” và “Chàng trai đi rẫy” làm cho đông đảo du khách được tìm hiểu quá trình tạc tượng một cách trực quan, sống động.
 
“Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” đã đưa người xem vào không gian cổ tích, về miền huyền thoại để không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa Đà Lạt, mà còn cảm nhận vẻ đẹp hồn nhiên, phóng khoáng của con người Tây Nguyên được thể hiện sinh động, chân thật qua các tượng gỗ. Không gian còn có ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các anh em sinh sống bao đời giữa đại ngàn Tây Nguyên. Không gian mang đến cho du khách những trải nghiệm quý báu, những xúc cảm ấn tượng, khó quên cho du khách trong và ngoài nước đến với Festival Hoa Đà Lạt lần này. 
 
QUỲNH UYỂN