Cậu học trò rửa chén thuê và giấc mơ vào đại học

10:08, 13/08/2015

Cha qua đời sau một vụ tai nạn, sức khỏe của mẹ thì mỗi ngày một sụt giảm, nhưng không vì thế mà em cam chịu sống trong nghịch cảnh. Trái lại, những khó khăn, thử thách, chính là động lực để em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Đó là hoàn cảnh của em Phạm Hồng Duy (ở thôn Cát Lâm II, xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên).

Cha qua đời sau một vụ tai nạn, sức khỏe của mẹ thì mỗi ngày một sụt giảm, nhưng không vì thế mà em cam chịu sống trong nghịch cảnh. Trái lại, những khó khăn, thử thách, chính là động lực để em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Đó là hoàn cảnh của em Phạm Hồng Duy (ở thôn Cát Lâm II, xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên).
 
Phạm Hồng Duy
Phạm Hồng Duy
 
Phạm Hồng Duy là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Trong căn nhà với diện tích chưa đầy 100m2, vật dụng có giá trị nhất là bộ bàn ghế gỗ đơn sơ vừa dùng để tiếp khách vừa là nơi học tập của Duy. Năm 2009, cha Duy không may qua đời. Trước đó, năm 2002, mẹ Duy đã bị gãy xương mặt sau một vụ tai nạn. Tuy vậy, từ đó đến nay, ngày ngày mẹ Duy vẫn tảo tần với công việc bán hột vịt lộn và giúp việc tại các quán ăn để lấy tiền nuôi các con ăn học. Thương mẹ, Duy thường động viên mẹ bằng chính thành tích học tập của mình. Từ lớp 1 đến lớp 12, Duy đều là học sinh giỏi. Bà Huỳnh Thị Hạnh nói đầy tự hào về đứa con của mình: “Duy là chỗ dựa tinh thần và là động lực để tôi cố gắng làm việc dù có khó khăn đến mấy. Thương mẹ, từ nhỏ đến giờ Duy đều tự giác học, không phải đợi mẹ nhắc nhở hoặc khiến mẹ phải bận tâm”. 
 
Ngoài việc học tập, Duy còn đỡ đần mẹ hầu như mọi việc trong nhà. Trong suốt thời gian học cấp III, Duy thường đi rửa chén thuê cho quán ăn vào những lúc rảnh rỗi. Nói về thành tích học tập của Phạm Hồng Duy, các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp 12 A1 (Trường THPT Quang Trung, huyện Cát Tiên) luôn dành những lời khen ngợi và sự nể phục. 
 
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp Quốc gia, cuối tháng 3/2015, Duy đã truy cập vào diễn đàn học tập, chia sẻ hoàn cảnh và ước mơ của mình, với mong muốn sẽ tìm được người giúp đỡ về mặt kiến thức. Với số điện thoại để lại trên mạng, Duy đã được nhiều người quan tâm giúp đỡ. Giữa tháng 4/2015, Duy lại nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1986, ở Mỹ Lạc, Long An) đề nghị giúp đỡ Duy. Vì mồ côi từ nhỏ, nên Thanh đã được một người nhận nuôi và cho ăn học. Hiện, anh đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Do đó, khi nghe Duy tâm sự về hoàn cảnh và ước mơ của mình, anh đã liên lạc rồi tìm đến nhà Duy với hy vọng sẽ giúp đỡ được Duy phần nào. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của anh Thanh, Duy và 5 người bạn học khác đã nắm chắc kiến thức và tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Kết quả, tại kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Duy được 21 điểm và cả 5 bạn học đều thi đỗ tốt nghiệp. Sau đó, Duy đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Kinh tế (TP Hồ Chí Minh), với tổng điểm 3 môn là 22,5 điểm. Phạm Hồng Duy tâm sự: “Sở dĩ em chọn ngành kinh tế vì nó là ước mơ của em từ nhỏ. Em mong mình sẽ trở thành một nhà kinh tế giỏi, để kiếm thật nhiều tiền cho mẹ em đỡ vất vả!”.
 
Song, khi biết chắc mình trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế, Duy đã rất lo lắng. “Trước đây, em được Chương trình hỗ trợ học tập từ Làng trẻ em SOS của tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ mỗi ngày 10.000 đồng và mỗi quý nhận một lần. Nhưng giờ vào đại học, không biết Chương trình này sẽ hỗ trợ như thế nào nữa” - Phạm Hồng Duy cho biết. 
 
Theo ông Phạm Hữu Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát I, chị gái của Duy cũng vừa mới tốt nghiệp đại học ngành Y, nhưng chưa xin được việc làm. Còn anh trai Duy thì đang là công nhân lao động tại TP Hồ Chí Minh. “Có được một học sinh giàu ý chí, nghị lực, vượt qua nghịch cảnh để học giỏi như Duy là một điều đáng quý, nhưng với gia cảnh của em hiện nay, chặng đường mấy năm trời ăn học phía trước của em còn lắm gian nan và thử thách”, Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát I chia sẻ.
 
TRỊNH CHU - THANH HUYỀN