Nhạc sĩ Thu Hường: Phải có tâm hồn của trẻ thơ

06:03, 18/03/2021

Một vài năm trở lại đây, nhạc sĩ Trần Thu Hường gặt hái khá nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi khi liên tục có những tác phẩm đoạt những giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Một vài năm trở lại đây, nhạc sĩ Trần Thu Hường gặt hái khá nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi khi liên tục có những tác phẩm đoạt những giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chị còn có ca khúc Em yêu giờ học hát được đưa vào sách giáo khoa Tập bài hát 1 (theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018). Phóng viên Báo Lâm Đồng đã trò chuyện với nhạc sĩ Trần Thu Hường xung quanh vấn đề này. 
 
Nhạc sĩ Trần Thu Hường
Nhạc sĩ Trần Thu Hường
 
PV: Nhiều người cho rằng, mảng ca khúc thiếu nhi đang có những khoảng trống nhất định. Bởi hiện nay rất ít nhạc sĩ chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi. Chị có đồng ý với nhận định này?
 
Nhạc sĩ Trần Thu Hường: Cá nhân tôi thì nghĩ ngược lại, không phải ít mà rất nhiều nhạc sĩ đang sáng tác các tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi. Minh chứng cho nhận định này, là trong những năm qua, mảng ca khúc thiếu nhi luôn được các nhạc sĩ đầu tư sáng tác, cũng như tích cực tham dự Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và có nhiều tác phẩm đoạt nhiều giải cao. Tại Lễ trao giải Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020, PGS - TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đã ghi nhận và dành nhiều lời khen ngợi các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi.
 
Tuy vậy, phải thừa nhận một thực tế đáng buồn, nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi gặp không ít khó khăn, là cát-xê quá thấp, thậm chí không có cả cát-xê. Tôi có một ca khúc được chọn đưa vào sách giáo khoa nhưng tiền nhuận bút là 100 ngàn đồng. Cũng ca khúc đó, nếu đăng tải trên các tạp chí văn học nghệ thuật, mức thù lao cho tác giả là vài trăm ngàn đồng. Chưa kể, các giải thưởng của các cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi cũng rất khiêm tốn... Đây là một trong những lý do không kích thích được sự sáng tạo nơi người nhạc sĩ. Một lý do nữa khiến cho các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi khó tiếp cận khán, thính, độc giả, là vì thời lượng mà các kênh truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng dành cho việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi còn ít. Trong khi đó, để phổ biến rộng rãi các tác phẩm âm nhạc tốn rất nhiều kinh phí: thuê nhạc sĩ hòa âm phối khí, thuê ca sĩ, thuê phòng thu, thuê quay MV... Vì thế, một mình nhạc sĩ sẽ khó có điều kiện để phổ biến các tác phẩm của mình, cần có sự chung tay của xã hội thì mới giải quyết được vấn đề.
 
PV: Để âm nhạc thiếu nhi trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp khẩu vị thiếu nhi hơn, người nhạc sĩ cần phải làm gì, thưa chị?
 
Nhạc sĩ Trần Thu Hường: Trước tiên, người nhạc sĩ phải có tâm hồn trẻ thơ. Từ cách nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống và những điều xung quanh cũng phải được “thiếu nhi hóa”. Nhạc sĩ phải viết những lời ca dễ hiểu, gần gũi với thế giới trẻ thơ, đồng thời phải giàu chất thơ, giàu hình ảnh đẹp, mang tính khái quát và đặc trưng thẩm mỹ cao. Nhạc sĩ không nên cầu kỳ quá trong cách chọn tiết tấu, khúc thức. Giai điệu càng đơn giản càng dễ hát, dễ phổ biến và các em càng dễ tiếp cận. Tuy nhiên, giai điệu đơn giản không có nghĩa là đơn điệu, ngược lại, nhạc sĩ phải tinh tế chọn lựa ý tưởng, cách phát triển ý tưởng sao cho tự nhiên, cho phù hợp với thế giới trẻ thơ, chứ không phải khom lưng xuống để làm trẻ thơ. Bên cạnh đó, nhạc sĩ cũng cần tận dụng thành quả của thời đại 4.0 để tiếp cận, linh hoạt tìm kiếm các nhà đầu tư, các ca sĩ nhí, các kênh truyền hình để có thể quảng bá, phổ biến tác phẩm của mình.
 
PV: Chị nghĩ sao về ý kiến các hội nghề nghiệp nên khích lệ các tác giả có những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi xuất sắc bằng một giải thưởng hay một nguồn quỹ hỗ trợ?
 
Nhạc sĩ Trần Thu Hường: Theo tôi, nên có sự hỗ trợ. Hiện tại, các nhạc sĩ khá là thiệt thòi khi ít có điều kiện tiếp cận với truyền thông, với các nhà tài trợ để phổ biến tác phẩm của mình. Trẻ em là tương lai của đất nước, nên việc giáo dục nhân cách cho các em thông qua nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là cần thiết. Nếu có một nguồn quỹ hay một giải thưởng cho các nhạc sĩ có những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi xuất sắc, tôi nghĩ nó không chỉ động viên mà còn giúp nhạc sĩ có kinh phí để phục vụ sáng tác, phổ biến tác phẩm, góp phần cùng xã hội giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho thế hệ tương lai của nước nhà.
 
PV: Trân trọng cảm ơn chị. Chúc chị ngày càng có những tác phẩm âm nhạc hay, phù hợp với trẻ thơ.
 
TRIỀU KA (Thực hiện)