Cô giáo trẻ truyền lửa môn Tin học cho học trò

06:03, 11/03/2021

Mặc dù, môn Tin học được xem là phụ, nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu môn học, qua những bài giảng của cô giáo Lương Thị Lý, ngọn lửa đam mê học Tin học luôn được vun đắp trong mỗi em học sinh Trường Tiểu học Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông.

Mặc dù, môn Tin học được xem là phụ, nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu môn học, qua những bài giảng của cô giáo Lương Thị Lý, ngọn lửa đam mê học Tin học luôn được vun đắp trong mỗi em học sinh Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông.
 
Tại Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, mỗi giờ lên lớp môn Tin học của cô Lý đều được học sinh mong đợi
Tại Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, mỗi giờ lên lớp môn Tin học của cô Lý đều được học sinh mong đợi
 
Học sư phạm và trở thành một cô giáo là ước mơ từ nhỏ của cô gái trẻ Lương Thị Lý (sinh năm 1989). Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Lý nộp hồ sơ và thi đỗ vào ngành Sư phạm Tin, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. 
 
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, cô Lý được phân về công tác tại Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Trải qua hơn 10 năm công tác, giảng dạy, với tinh thần yêu nghề, yêu môn học cùng với tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết dâng tràn, cô Lý đã say mê nghiên cứu các tiện ích và phần mềm tin học để phục vụ dạy học, nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tin học. Cô cũng là người truyền cảm hứng yêu thích môn học này tới các em học sinh tiểu học nơi vùng xa Đạ K’Nàng.
 
Nhớ về những ngày đầu đưa môn Tin học tiếp cận với học sinh, cho đến bây giờ cô Lý chưa quên. “Lần đầu tiên được làm quen với máy vi tính, với bàn phím, con chuột, hầu hết các em học sinh ở Đạ K’Nàng rất ngỡ ngàng và rụt rè, không dám sử dụng, nhưng cũng rất thích thú, hào hứng với bài học làm quen. Lúc đó tôi phải hướng dẫn cách khởi động máy, gọi tên những thiết bị liên quan và làm quen với đánh máy văn bản, vẽ hình, xem hình ảnh, phim, nghe nhạc... Chỉ sau một thời gian ngắn được hướng dẫn, các em đã làm quen và thao tác thành thạo được trên máy tính. Để rồi lần lượt những dòng chữ, những đoạn văn, khổ thơ đầu tiên được các bạn học sinh hoàn thành”, cô giáo Lương Thị Lý cho biết.
 
Từ thực tế lên lớp, cô Lý cho rằng: Với môn Tin học, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin là rất cần thiết. Chính vì vậy, đối với học sinh bậc tiểu học, nhất là các em thuộc diện dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa như Đạ K’Nàng, khi truyền đạt kiến thức cho các em, cô luôn cố gắng chuyển tải tối đa bằng hình thức trực quan sinh động, cụ thể ở đây là tăng cường thực hành, hạn chế lý thuyết, để học sinh có thời gian thực hành nhiều hơn sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn.
 
Đơn cử như việc hướng dẫn học sinh thực hành bài tập vẽ tranh trên máy tính, thay vì theo những khuôn khổ đã định sẵn, cô Lý sẽ cho các em vẽ tranh theo các chủ đề như: giao thông, giáng sinh, gia đình, vườn cây... để học sinh tự sáng tạo. Ngoài ra, việc khơi gợi và trợ giúp các em viết những phần mềm lập trình đơn giản, sẽ tạo hứng thú rất lớn đối với học sinh. Chính vì vậy, từ một bộ môn được xem là phụ, nhưng tại Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, mỗi giờ lên lớp của cô Lý đều được học sinh mong đợi.
 
Cô Lý cũng luôn xác định cho mình, cho dù môn Tin học chỉ là một môn học trong hoạt động ngoài giờ chính khóa của nhà trường, nhưng đừng vì vậy mà vơi đi những nhiệt huyết với nghề. Niềm tin yêu nghề giáo cùng bộ môn Tin học là hành trang để cô Lý không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là những kiến thức về Tin học để truyền dạy cho học sinh. 
 
Qua đó, nhiều năm liền cô luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện. Riêng năm 2019, cô Lý đã đoạt giải Ba cấp tỉnh về bài giảng E-learning. Cô cũng được nhà trường tin tưởng chọn lựa để tham gia bồi dưỡng tin học cho học sinh nhà trường tham gia các hội thi như tin học trẻ cấp huyện. Nhiều học sinh của cô Lý đã đoạt được giải thưởng cao ở các cuộc thi.
 
Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ K’Nàng chia sẻ: Đối với một ngôi trường đóng chân trên xã vùng sâu, vùng xa Đạ K’Nàng, các em hầu như chưa bao giờ được tiếp cận với máy tính, màn hình chiếu... Tuy nhiên, với sự tận tâm với nghề, cô Lý đã nỗ lực không ngừng để đưa những tri thức môn Tin học lần đầu tiên được truyền đạt đến các em, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số ở đây được mở mang kiến thức. 
 
Về phía nhà trường, chúng tôi cũng không ngừng quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị với một phòng thực hành hiện đại, quy mô 30 máy tính để đáp ứng nhu cầu dạy và học môn Tin học của giáo viên và học sinh nhà trường. 
 
“Cô Lý là một giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết, hết lòng chăm lo cho học trò. Nhiều năm liền cô là nữ giáo viên dạy giỏi các cấp. Hơn 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều thành tích của bộ môn Tin học, thành tích chung của trường” - Cô Thủy cho hay.
 
HOÀNG SA