Người chinh phục đất

08:02, 12/02/2013

Một công trình kiến trúc làm bằng đất đỏ ba-zan hiện hữu giữa Tuyền Lâm hữu tình, còn nhiều hoang sơ như làm “thức giấc” cả một triền đồi bấy lâu yên lặng. Công trình này vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là công trình kiến trúc độc đáo...

Một công trình kiến trúc làm bằng đất đỏ ba-zan hiện hữu giữa Tuyền Lâm hữu tình, còn nhiều hoang sơ như làm “thức giấc” cả một triền đồi bấy lâu yên lặng. Công trình này vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là công trình kiến trúc độc đáo. Chủ nhân của ngôi nhà “có một không hai” này đã dành trọn tâm sức để “kể chuyện” bằng chất liệu là đất đỏ trên cao nguyên…

Ngôi nhà bằng đất đỏ ba-zan với hình bản đồ Tổ quốc
Ngôi nhà bằng đất đỏ ba-zan với hình bản đồ Tổ quốc


Đi trong đất đỏ Ba-zan

Khu du lịch hồ Tuyền Lâm phía nhánh phải vẫn còn hoang sơ, trải dài là những bụi cỏ lau xoà ra hai bên đường, những gốc hồng lâu năm phủ lên thân cây một màu xám lốm đốm. Bốn năm về trước, anh Trịnh Bá Dũng, một ông chủ ở thành phố Hồ Chí Minh bỏ lại sau lưng những dự án, công trình thuộc nhiều lĩnh vực để đến với rừng. Nhiều năm liền theo đuổi ước mơ được làm nên công trình bằng đất đỏ ba-zan không nung đã thôi thúc anh bắt đầu từ con số “0”: không đường, không điện, không nước tại Dự án Dalat Star phía nhánh phải Khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Nhưng anh tự tin bởi mình có tấm lòng và công nghệ pha đất mà anh đã đánh đổi bằng nhiều công sức, thời gian, tiền bạc…

Người đàn ông mà bạn bè, thậm chí rất nhiều người thân cho là “khùng” ấy lúi húi thử nghiệm các công thức anh đã mày mò trước đó, giờ đây đang được thoả sức với hiện thực bằng chính bàn tay của mình. Công nghệ đất đỏ ba-zan không nung đã được một số nước trên thế giới như: Pháp, Anh… sử dụng để làm đường, còn xây dựng công trình kiến trúc thì vẫn còn quá mới mẻ.

Giữa 15ha rừng được giao, anh Trịnh Bá Dũng giam mình trong triền đất đỏ. Tuyền Lâm hữu tình với thông, mênh mang với nước, lồng lộng gió và hương rừng nhưng không thể cứ sống trên của “trời cho”! Bản thân Trịnh Bá Dũng đã có những năm tháng đi du học ngành Quản trị Kinh doanh tại Đức, sau đó về làm một công chức tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm, thành lập công ty về nội thất, về nông nghiệp và có những chuyến đi công tác tại nhiều quốc gia. Anh mê mẩn các công trình kiến trúc cổ châu Âu đẹp như cổ tích nên đã phác thảo về một tác phẩm của chính mình. Với công nghệ, kể từ khi xác định sẽ xây “ngôi nhà mơ ước” bằng đất đỏ của Đà Lạt, anh tự đầu tư nghiêm túc bằng những chuyến đi liên tục đến Hà Lan, Áo, Pháp, Ba Lan… để tìm hiểu, Trịnh Bá Dũng tự nhận “đôi khi càng đi càng thấy mông lung, không biết mình sẽ thành công hay thất bại”. Nhiều nhà cửa, tài sản đã ra đi cùng các hành trình tìm tòi đó. Chất chứa và tích luỹ, mày mò và sáng chế, rất nhiều lần giữa đêm khuya, ông chủ của đất Sài thành ngày nào cứ mẩn mê, lấm lem với từng khối đất đỏ giữa sương và đêm Tuyền Lâm hun hút. Công ty anh có 4 cổ đông đầu tư tại khu vực này nhưng 2 cổ đông vì quá chán nản với hành trình dài của đất đỏ đã bỏ cuộc, Trịnh Bá Dũng quyết tâm mua lại cổ phần để duy trì con đường mình đã chọn. Để rồi công nghệ pha trộn giữa đất đỏ và một số hoá chất sau nhiều thất bại đã thành công trong sự vỡ oà của anh và gia đình. Tìm tòi lâu nhưng thực hiện nhanh, công trình được xây dựng trong 6 tháng như một “khu vườn cổ tích” với dải ta luy không làm bằng đá cứng nhắc như thường thấy mà được tận dụng đất đỏ để dựng nên dải “tường thành” vững chắc. Hơn nữa, dải taluy lại là một tác phẩm cầu kỳ, mềm mại với những hình ảnh thanh bình trên cao nguyên: ngôi nhà tranh nép mình dưới tán cây cổ thụ,  nai và hươu nhởn nhơ trên đồng cỏ bên dòng suối chảy dài… Dẫn lối vào phía trong, một ngôi nhà bằng đất đặc biệt đã thể hiện cả tấm lòng, niềm trân trọng, sự sáng tạo đầy công phu của chủ nhân…

Ngôi nhà của tình yêu Tổ quốc, tình yêu cuộc đời

Dành trọn vẹn tâm huyết cho ngôi nhà, bởi vậy, những đường nét, bố cục của công trình này được anh Bá Dũng dày công thể hiện. Đã có những tấm bản đồ hình đất nước Việt Nam làm bằng nhiều chất liệu khác nhau ra đời, với riêng anh Bá Dũng, Tổ quốc thiêng liêng phải được đặt lên vị trí cao nhất. Từ đó, một tấm bản đồ hình chữ S làm bằng đất đỏ bazan đắp nổi đã được chủ nhân công trình đặt lên trên mái nhà, nhìn từ các góc độ, hình tượng này nổi bật như tượng trưng cho tấm lòng hướng về nguồn cội tại công trình đặc biệt nhất Việt Nam.

Ngôi nhà rộng 100m2 dựng lên chủ yếu bằng đất đỏ, nhà tựa lưng vào núi, hướng mặt ra hồ. Bốn mặt tường phía ngoài là những hình ảnh gửi gắm cái nhìn về văn hoá, về nhân sinh, về tình yêu Đà Lạt. Phía trong công trình, bàn tay tài hoa đã biến những khối đất đỏ thành một dạng ngôn ngữ đầy ngọt ngào, biểu cảm để đất thay lòng người nói lên tình yêu với cuộc đời. Đó là: hình khối to lớn của chiếc ấm tích nấu nước làm bằng đất, bộ bàn ghế hình chum vại, những quyển sách như sắp xếp cả nguồn tri thức, lò sưởi, chiếc giường đất được thiết kế đặt giữa nguồn nước suối chảy vào với chung quanh là những đàn cá quẫy đuôi bơi lội… Và ở đó, tủ áo quần cũng bằng đất, công trình phụ bằng đất, chậu rửa mặt là khối đất cách điệu hình ảnh con ốc. Công trình vừa đầy chất thơ mà lại mộc mạc. Màu sắc của đất đi từ độ vàng sáng, đỏ sẫm đến những gam màu trầm như đỏ nâu. Trở về với đất để đất ru ấm hồn người!

Hướng về lễ kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, anh Bá Dũng đã làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để thực hiện chiếc ghế sofa bằng đất dài kỷ lục là 1,2km; từ cột mốc số 0m kéo đến số 120m sẽ tái hiện lịch sử Đà Lạt với những diễn biến lịch sử, văn hoá, kinh tế, kiến trúc, là sự xuất hiện của các sản phẩm đặc thù về Đà Lạt.

Cùng với những hình ảnh có chiều sâu chiêm nghiệm, công trình cũng không kém bay bổng, lả lướt với nhiều cách điệu, đó là hình ảnh chiếc giày khổng lồ bằng đất, ghế sofa, bình rượu, hình ảnh các loại côn trùng… Khi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi nhà bằng đất đỏ bazan có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất” vào cuối tháng 12 năm 2012, đối với anh Trịnh Bá Dũng, những thử thách đã được giải mã.

Từng cùng đoàn công tác của Chính phủ sang Hungary để học hỏi về kỹ thuật nuôi cá tầm và cá hồi, đặc biệt là cá hồi trắng, ông chủ của “khu vườn cổ tích” này đang ươm giống và nuôi những loại cá được đánh giá là cao cấp này. Anh bắt tay thực hiện với ước muốn rằng có thể phổ biến du lịch ở chốn “sơn thuỷ hữu tình” cho thật nhiều du khách, bất kể đó là du khách có điều kiện kinh tế hay người nghèo, người già, trung niên và các nhóm bạn trẻ đều có thể vào với Tuyền Lâm tuyệt đẹp để ngắm cảnh ven hồ trên cuốc xe cổ, vào với ngôi nhà độc đáo, thưởng thức bát cháo cá nóng hổi với mức phí dịch vụ bình dân nhất. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhận xét rằng đây là khu du lịch có nhiều điểm độc đáo, mới mẻ và như một “cú hích” để Khu du lịch hồ Tuyền Lâm bừng dậy.

Dải taluy là một tác phẩm nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ
Dải taluy là một tác phẩm nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ


Chinh phục đất thành công, người đàn ông này già hơn so với tuổi 40, tóc lấm chấm bạc. Giờ này, được toạ lạc trên công trình đã mong mỏi nhiều năm, được bon bon chạy xe trên con đường rải nhựa vào tới nơi mình đã chọn để lập nghiệp, được sống trong ánh sáng điện và liên lạc điện thoại bằng sóng 3G, anh vẫn miệt mài với những dự tính mới như: tìm cộng sự để dựng vườn lan trong rừng, xây dựng vườn tượng, mở vườn dâu tây... Chị Hương Giang, người bạn đời của anh Dũng như cùng thấm thía tình yêu Đà Lạt của chồng nên cũng đã bỏ phố lên rừng. Cả gia đình anh sống trong không gian Tuyền Lâm, để tiện cho việc học của con, anh và vợ cho một cháu ở lại TPHCM với ông bà, một cháu ra trung tâm thành phố Đà Lạt học nội trú rồi cuối tuần vào rừng cùng bố mẹ. “Rôbinxơn” của rừng cách đây hơn 4 năm nay vẫn lùi sùi, từng ngón tay đen màu đất, không còn vương chút hình ảnh hào hoa của chàng sinh viên đi du học một thời. Niềm tin về việc làm du lịch tại cao nguyên đang được khẳng định, anh tin Đà Lạt sẽ là mảnh đất lành để nhà đầu tư gắn bó bởi cũng như đất đỏ bazan của thành phố trên cao này, anh đã từng mày mò gian khổ để có được thành công!

Ký sự: HẢI YẾN