Tâm sự đầu xuân: Để tạo bước phát triển, cần có sự “đột phá”

08:02, 12/02/2013

Năm Nhâm Thìn (2012) vừa kết thúc, năm Quý Tỵ (2013) lại bắt đầu, các địa phương trong tỉnh đã đánh giá tổng kết năm cũ, đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm mới và định hướng cho những năm tiếp theo. Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng nhân dịp đầu năm, một vấn đề chung nhất, mà lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã xác định là: để tạo bước phát triển, cần phải có sự “đột phá”.

Năm Nhâm Thìn (2012) vừa kết thúc, năm Quý Tỵ (2013) lại bắt đầu, các địa phương trong tỉnh đã đánh giá tổng kết năm cũ, đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm mới và định hướng cho những năm tiếp theo. Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng nhân dịp đầu năm, một vấn đề chung nhất, mà lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã xác định là: để tạo bước phát triển, cần phải có sự “đột phá”.

Đ/c Trần Ngọc Hương - TUV, Bí thư Huyện uỷ Đức Trọng:  Thực hiện nhiệm vụ chính trị phải gắn với những chủ trương lớn của Đảng

Kết thúc năm 2012, Đức Trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, KT-XH có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc; quốc phòng, ANCT-TTATXH được đảm bảo ổn định. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến gần trung tuần tháng 11/2012 đạt tỷ lệ rất thấp (68%) nhưng đã có sự “bứt phá” về đích “ngoạn mục” và đạt chỉ tiêu dự toán tỉnh giao 100%. Để làm được việc đó, trước hết phải kể đến sự đồng lòng quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện và phải có phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hợp lòng dân của các cấp, các ngành. Đảng bộ đã có sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với việc thực hiện hai chủ trương lớn của Đảng, đó là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và triển khai thực hiện Nghị quyết  TW4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, xem đây là yếu tố quan trọng hàng đầu khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đối với việc thực hiện Chỉ thị 03, xác định “làm theo” là nhiệm vụ trọng tâm của thực hiện chủ đề năm 2011-2012, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các TCCS Đảng phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đăng ký việc “làm theo” bằng những chương trình hành động, những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ được giao. Trong đó có việc duy trì và phát huy những mô hình điểm, những cách làm hay về việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả, năm 2012, huyện Đức Trọng thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác. Đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 15,7%, tăng khoảng 2,2% KH; tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 2.377 tỷ đồng, vượt 1,2% KH; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,93% (KH dưới 4%), trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm xuống 10,13%; cơ cấu nền kinh tế chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt tiến độ nhanh, bền vững; an ninh, quốc phòng được đảm bảo, ổn định. 

ĐẠI HUYNH


Đ/c  Bùi Thắng - Chủ tịch UBND Tp Bảo Lộc

Để phát triển và trở thành một thành phố công nghiệp và tiệm cận được với các tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2015, trong những năm qua, thành phố đã tập trung cho đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư… Ngoài nguồn vốn ngân sách, chúng tôi cho rằng, đầu tư xã hội và thu hút đầu tư có tác động rất lớn và trực tiếp làm thay đổi diện mạo đô thị.

Để tạo bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mới đây, Thành uỷ Bảo Lộc đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của BTV Tỉnh uỷ về “Phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015” và Nghị quyết 13 của BCH TW khoá XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và ban hành Nghị quyết về “Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013”. Theo đó, thành phố Bảo Lộc phải tiếp tục tạo sự “đột phá” bằng cách tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm, các công trình trọng điểm, mà thành phố đã xác định là: Chương trình thực hiện NQ 07; Chương trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các công trình: đường Phan Đình Phùng, đường vận chuyển bauxite, Dự án Bệnh viện II Lâm Đồng, Dự án hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, Dự án xử lý rác thải, Dự án Công viên hồ Nam Phương II, Khu trung tâm thương mại, các khu dân cư… Trước mắt, thành phố lập qui hoạch điều chỉnh tổng thể qui hoạch chung thành phố Bảo Lộc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Đ/c Nguyễn Canh - Chủ tịch UBND huyện Di Linh

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, huyện Di Linh đã nỗ lực phấn đấu và duy trì mức tăng trưởng GDP trong năm 2012 gần 12% (theo giá cố định 1994) và 18% (theo giá hiện hành); thu ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý được 280 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,47% so với năm 2011 (hiện còn 7,73%)…

Bước sang năm Quý Tỵ (2013), Di Linh phấn đấu giữ mức tăng trưởng GDP khoảng 13 - 14% (theo giá cố định) và 16 - 17% (theo giá hiện hành); thu ngân sách do địa phương quản lý 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 32 - 33 triệu đồng và tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 - 3% so với năm trước. Trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, để tạo bước phát triển, chúng tôi sẽ tập trung tạo bước “đột phá”, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị; tập trung thu hút đầu tư để triển khai các chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm. Huyện sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước trong tất cả các khâu: quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán, đảm bảo việc quản lý và sử dụng vốn một cách công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả công trình; tập trung phát triển giao thông nông thôn và các công trình thuỷ lợi...

Năm Quý Tỵ (2013) và những năm tiếp theo, huyện ưu tiên đầu tư Chương trình phát triển đô thị, nhất là nâng cấp hệ thống giao thông nội thị thị trấn Di Linh. Bằng việc huy động mọi nguồn lực đầu tư để chỉnh trang, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị để thị trấn Di Linh đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại IV và xã Hoà Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2015.

Đ/c Ngô Xuân Hiển - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên

Là một địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, năm 2012, Cát Tiên hoàn thành được các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội, như tốc độ tăng trưởng GDP (tăng 17%), thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (44 tỷ đồng), tổng mức đầu tư toàn xã hội (410 tỷ đồng), giảm được 5,6% tỷ lệ hộ nghèo…

Thành công đó tiếp tục tạo động lực và tiền đề để Cát Tiên vững tin bước vào năm Quý Tỵ (2013) và những năm tiếp theo. Ngoài việc lãnh đạo, tổ chức, điều hành để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và HĐND huyện đã đề ra, huyện Cát Tiên tập trung “đột phá” triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng xã hội gắn với chỉnh trang đô thị; hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất đầu kỳ 2011 - 2015; Quy hoạch hạ tầng theo hướng phục vụ dịch vụ du lịch; điều chỉnh Quy hoạch trung tâm huyện; xây dựng Quy hoạch chi tiết trung tâm huyện; điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường lớp theo Nghị quyết TW 6; tăng cường quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng; hoàn tất các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập thị trấn Cát Tiên (mở rộng thị trấn Đồng Nai và đổi tên là thị trấn Cát Tiên).

Đặc biệt, huyện sẽ ưu tiên đầu tư phát triển Chương trình giao thông nông thôn (cứng hoá 25 km); Chương trình xây dựng nông thôn mới và cải tạo đồng ruộng; đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, như đường Tiên Hoàng vào Đồng Nai Thượng (hoàn thành năm 2013), Quảng trường Trung tâm (hoàn thành giai đoạn 1 trước 27/7/2013), đường ĐH 91, ĐH 92, ĐT 721, hồ chứa nước Tư Nghĩa, khởi động xây dựng Trung tâm Văn hoá huyện…; kêu gọi và thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; chú trọng công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

BÙI TRƯỞNG


TS Phạm Thị Bạch Yến - TUV, Thầy thuốc Ưu tú, Giám đốc Sở Y tế:  Triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp cho phát triển

Ngành y tế nghiêm túc nhìn nhận còn tồn tại một số mặt hạn chế cần được khắc phục trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp sau:

- Trước hết là chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn nội dung Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với quy tắc ứng xử của Bộ Y tế, Chỉ thị số 25 của Thường trực Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao y đức cho đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, quy chế bệnh viện, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Nâng cao chất lượng chuyên môn ở các hệ dự phòng, điều trị, dược, y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1816, xây dựng chuẩn quốc gia về y tế dự phòng, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế giai đoạn 2011 - 2015; đảm bảo đủ cán bộ y tế cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng; chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu, đồng thời đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có kiến thức về y tế cộng đồng để đáp ứng với nhu cầu phát triển y tế phổ cập.

- Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính y tế và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế; xây dựng, củng cố và phát triển ứng dụng tin học trong quản lý y tế. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế theo tinh thần Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 2/12/2011 của HĐND tỉnh. Quan tâm tới các đối tượng chính sách, người nghèo, người cận nghèo và trẻ em.

- Tập trung chỉ đạo điều hành các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các hạng mục công trình đã được phê duyệt và cấp vốn để đưa vào phục vụ người bệnh. Ưu tiên đầu tư phát triển y tế cơ sở, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế cho phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã nhằm làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. 

DIỆU HIỀN


Đ/c Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt:  Phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ xây dựng Đà Lạt văn minh, thân thiện

Năm 2013 là năm “bản lề” triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT – XH thành phố giai đoạn 2011 - 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ X. Đồng thời, thành phố cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển, tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5 và khởi động cho Năm du lịch Việt Nam 2014.

Về nhiệm vụ KT - XH năm 2013, để tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn 2010 - 2015, Đà Lạt phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 16 đến 17%, tăng cường thu hút các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư cho phát triển KT - XH gắn với bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đó là các chỉ tiêu cơ bản: Tăng thu nhập bình quân đầu người 41 - 42 triệu đồng/năm; thu hút 3,3 - 3,5 triệu lượt khách du lịch; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dưới 0,8%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số dưới 2%; tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng phường văn minh đô thị, xã văn hoá nông thôn mới, xây dựng thành phố văn minh, thân thiện.

Năm 2013, thành phố tổ chức kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. Trước sự kiện trọng đại này, toàn thành phố sẽ phát động và triển khai phong trào thi đua với chủ đề “Phát huy mọi nguồn lực,  xây dựng Đà Lạt văn minh, thân thiện; lập thành tích chào mừng Kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển”. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, thiết thực và tiết kiệm gắn với đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường và xây dựng thành phố văn minh, thân thiện. Trong đó, chú trọng đến việc vận động và tổ chức cho nhân dân thực hiện các công trình chào mừng ở cơ sở như các công trình dân sinh, xanh - sạch - đẹp các khu dân cư, các đề tài nghiên cứu, giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và quản lý. Đồng thời, thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện và phối hợp thực hiện hoàn thành các công trình trọng điểm... để những đề tài, công trình này sẽ mãi là dấu ấn tốt đẹp của Đà Lạt nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 vào năm 2013.

M.ĐẠO


Đ/c Trương Ngọc Lý - TUV, Giám đốc Sở LĐ -  TB & XH: Luôn quan tâm an sinh xã hội

Năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành LĐ - TB & XH Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện có kết quả các lĩnh vực công tác của ngành trên cả 3 lĩnh vực: lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện chính sách người có công, chương trình an sinh xã hội và lĩnh vực giảm nghèo. Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành đề ra những định hướng lớn cho năm 2013 với 3 lĩnh vực là tiếp tục tập trung vào an sinh xã hội, người có công và giảm nghèo. Cụ thể, giải quyết việc làm theo hướng cân bằng cung - cầu lao động bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, tập trung vào những thị trường có thu nhập cao đối với XKLĐ. Về lĩnh vực người có công, ngành sẽ hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách với 349 căn, đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ cho 158 hộ nghèo và cận nghèo là gia đình chính sách thoát nghèo. Đối với công tác giảm nghèo, ngành sẽ tiếp tục vận dụng tốt chương trình 30a, trong đó, áp dụng sửa đổi quyết định 23 của UBND tỉnh về hỗ trợ 29 xã nghèo để tăng mức hỗ trợ và thêm đối tượng hỗ trợ là hộ cận nghèo, bên cạnh đó, tiếp tục vận động hộ nghèo tự giác đăng ký thoát nghèo để chương trình giảm nghèo thật sự bền vững.

Đ/c Trần Văn Tự - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà:  Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân

Năm  2013 được Huyện uỷ Lâm Hà xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn. Huyện xác định chủ đề năm là “Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đoàn kết, đổi mới, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng huyện ngày càng phát triển”. Với mục tiêu hướng đến nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh. Từ đó, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội… Phấn đấu trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt từ 14% trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt trên 310 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn dưới 4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 10%; phấn đấu mỗi xã đạt thêm từ 2 - 3 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ và chính quyền huyện Lâm Hà cũng đã xác định một số giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn việc nâng cao chất lượng quán triệt học tập các nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân với việc xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết ở địa phương, đơn vị. Mặt khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Ngoài ra, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng hành chính hoá, hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, nâng cao vai trò giám sát các hoạt động của chính quyền… 

HỮU TÚC


Đ/c Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Bộ mặt nông thôn đã khởi sắc

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, nổi bật trên một số lĩnh vực sau: Duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt 21,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 48,4 tỷ đồng, đạt 127% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ… Đặc biệt, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và từng bước được người dân đồng tình ủng hộ. Huyện đã lồng ghép bằng nhiều nguồn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho xã Đạ Nhim (xã điểm) và xã Lát (xã ưu tiên). Trong năm 2012, các xã đã đạt thêm từ 2 - 4 tiêu chí mới, bộ mặt nông thôn được khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên. Lạc Dương cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, với mục tiêu chung là phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng khoảng 20,5%... Chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời, lồng ghép bằng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


TS Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH & CN: Xây dựng Lâm Đồng thành Trung tâm phát triển NNCNC của quốc gia

Hoạt động khoa học công nghệ năm 2012 tương đối sôi nổi và đã  triển khai hàng loạt đề tài góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Sự gắn kết giữa nghiên cứu với nhu cầu của thực tiễn được chú trọng, đồng thời, việc triển khai các đề tài và dự án ở cấp sở, ban, ngành mang tính ứng dụng. Trong đó, phải kể đến việc chuyển giao khoa học công nghệ cao với hiệu quả đáng ghi nhận như giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần cả nước; những đột phá về rau, hoa công nghệ cao với số đề tài, dự án về lĩnh vực này chiếm 50% mức đầu tư khoa học công nghệ tỉnh. Từ đó, đưa đến hiệu quả nâng cao năng suất và sản lượng cây cà phê và cây chè, hiện nay, cà phê của Lâm Đồng đạt năng suất cao nhất và sản lượng đứng thứ hai cả nước, cây chè đứng đầu cả nước, đóng góp trên 65% giá trị sản xuất nông nghiệp. Các đề tài này đều tập trung vào quá trình tối ưu hoá nên nhiều nhãn hiệu được chứng nhận đánh giá thương hiệu như rau hoa Đà Lạt, cà phê Di Linh, trà B’lao, lúa gạo Cát Tiên, nấm Đơn Dương. Đối với du lịch - thế mạnh của Đà Lạt, các đề tài đã có sự đầu tư đi vào chiều sâu để nâng cao chất lượng du lịch. Riêng với chăn nuôi, hiện nay, Lâm Đồng đã làm chủ được công nghệ sinh sản cá hồi và cá tầm để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản có tính ưu thế của địa phương... Trên cơ sở đó, phương hướng và nhiệm vụ KH & CN năm 2013 được đề ra với phương châm “đầu tư cho KH & CN là đầu tư cho phát triển”. Trong đó, tập trung tạo bước đột phá trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KHCN, phấn đấu xây dựng Lâm Đồng thành Trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của quốc gia.

TUẤN HƯƠNG