Triển vọng từ mẻ alumin đầu tiên

08:02, 11/02/2013

Ngày 25/12/2012, mẻ alumin đầu tiên từ Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng (Tân Rai, Bảo Lâm) đã chính thức ra lò. Thời khắc lịch sử này là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thành của Tổ hợp sau 4 năm xây dựng, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế -  xã hội của địa phương và cả nước.

Ngày 25/12/2012, mẻ alumin đầu tiên từ Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng (Tân Rai, Bảo Lâm) đã chính thức ra lò. Thời khắc lịch sử này là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thành của Tổ hợp sau 4 năm xây dựng, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế -  xã hội của địa phương và cả nước.

Một góc Nhà máy Alumin
Một góc Nhà máy Alumin


Ông Phan Bội Lợi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng, cho biết: Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu cho ra sản phẩm đều đặn. Tuy nhiên, do vừa vận hành vừa phải hiệu chỉnh những trục trặc phát sinh, nên Nhà máy Alumin chỉ hoạt động khoảng 40% công suất. Với công suất này, mỗi ngày nhà máy cho ra khoảng 700 - 800kg alumin. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng dần công suất lên và dự kiến đến cuối tháng 1/2013 công suất sẽ đạt 90 – 95% (khoảng 2.000 tấn alumin/ngày). Cũng trong thời gian này, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra các thông số vận hành mà nhà thầu cam kết thực hiện như chất lượng sản phẩm, công suất, bảo vệ môi trường… Dù chưa có kết quả chính thức về chất lượng sản phẩm, nhưng theo các chuyên gia đầu ngành, alumin sản xuất tại Nhà máy Tân Rai đạt chất lượng khá cao do nguồn nguyên liệu rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: Dự án Tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng khi đi vào hoạt động sẽ tạo một bước chuyển lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hiện, toàn Dự án giải quyết việc làm được hơn 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động tại địa phương. Ngoài ra, thông qua các dịch vụ đi kèm phục vụ Dự án, có cả ngàn lao động tại địa phương cũng được giải quyết việc làm một cách gián tiếp. Khi Dự án đi vào hoạt động và kinh doanh có hiệu quả thì sẽ tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước rất lớn. Đặc biệt, việc chi trả phí môi trường sẽ giúp địa phương ngoài việc hoàn nguyên môi trường còn có thể đầu tư các công trình, cơ sở vật chất phục vụ dân sinh.

Sau thời gian nỗ lực xây dựng và đối diện với rất nhiều khó khăn, nay một công trình mang tầm vóc quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 11 ngàn tỷ đồng đã trở thành hiện thực. Còn nhớ, những ngày đầu Dự án được triển khai, vấn đề gây “đau đầu” nhất (không chỉ cho Ban quản lý Dự án mà còn cho chính quyền địa phương) chính là công tác giải phóng mặt bằng. Hàng ngàn héc ta đất gắn với cuộc sống của hàng trăm hộ dân không thể giải phóng trong một sớm một chiều. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi phục vụ cho Dự án tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng gần 1.700ha cho 20 hạng mục chính. Gần 540 tỷ đồng đã được chi trả cho hơn 2.000 lượt hộ dân. Đó là những con số khá lớn, mà nếu thiếu sự đồng nhất, hỗ trợ từ trung ương đến địa phương thì khó thể đạt được. Hiện, vẫn còn một phần diện tích và một số hộ dân chưa nhận tiền giải toả đền bù. Chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động bà con nhanh chóng bàn giao mặt bằng để triển khai các hạng mục còn lại của Dự án trong thời gian tới.

Sau mẻ alumin đầu tiên, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo kết quả với các cấp, ngành để tiến hành các thủ tục xuất bán alumin trong thời gian tới. Đã có một số đối tác trong nước và một số nước trên thế giới (như Nhật Bản, Trung Quốc…) đặt vấn đề với TKV để mua sản phẩm. Việc tính toán phương án kinh doanh, lựa chọn đối tác và tính toán lợi nhuận đang được TKV đặt lên “bàn cân”. Tuy nhiên, với chính quyền sở tại và người dân địa phương thì những lợi ích bước đầu mà Dự án đem lại đã bắt đầu được phát huy. Trong suốt quá trình triển khai Dự án, huyện đã phối hợp với Ban quản lý Dự án để tuyên truyền vận động người dân giải phóng mặt bằng. Công tác này đã được tiến hành chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đại đa số người dân có đất trong vùng Dự án. Bên cạnh đó, Ban quản lý và TKV cũng hỗ trợ địa phương rất nhiều trong việc làm nhà cho bà con ở khu tái định cư, xây dựng đường dân sinh và một số trường học.

 Vẫn còn đó một số băn khoăn, lo ngại, như yếu tố môi trường khi nhà máy vận hành, mật độ xe chở alumin trên tuyến đường dân sinh… Liên quan đến nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 725 (dài 18 km, địa phận tỉnh Lâm Đồng) và tỉnh lộ 769 (dài 33 km, địa phận tỉnh Đồng Nai) để phục vụ vận chuyển alumin, TKV cho biết, đã bố trí nguồn vốn 480 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo 2 tuyến đường này. Trong năm 2012, đã bố trí nguồn vốn 300 tỷ đồng (trong đó Lâm Đồng là 146 tỷ và Đồng Nai là 154 tỷ). Số còn lại sẽ được bố trí trong năm 2013. Về lâu dài, TKV đang lập phương án xây dựng tuyến đường vận chuyển alumin về cảng Kê Gà (Bình Thuận) để phục vụ tốt hơn cho cả 2 dự án Bauxit Tân Rai và Nhân Cơ (Đắc Nông).

Mẻ alumin đầu tiên ra lò, mở ra nhiều triển vọng. Đó không chỉ là cơ hội khởi sắc về kinh tế của địa phương, mà còn là “nấc thang” quan trọng để nền công nghiệp khai khoáng của Tây Nguyên và cả nước được tạo đà vươn tới.

HỮU SANG