Gieo mầm thiện trên đất lành

03:02, 07/02/2019

Ở mảnh đất Ðà Lạt thiện lành, có những con người Hàn Quốc đã đến, ở lại và làm nên những điều ý nghĩa cho thật nhiều trẻ em kém may mắn nơi đây. Ðó là câu chuyện của tiến sĩ Choi Young Sook và chồng bà, ông Kwon Jang Soo - những người đã gieo "mầm thiện" trên đất lành, cho những mùa đông thêm ấm, mùa xuân thêm vui và những phận đời thêm đẹp.

Ở mảnh đất Ðà Lạt thiện lành, có những con người Hàn Quốc đã đến, ở lại và làm nên những điều ý nghĩa cho thật nhiều trẻ em kém may mắn nơi đây. Ðó là câu chuyện của tiến sĩ Choi Young Sook và chồng bà, ông Kwon Jang Soo - những người đã gieo “mầm thiện” trên đất lành, cho những mùa đông thêm ấm, mùa xuân thêm vui và những phận đời thêm đẹp.
 
Với vợ chồng tiến sĩ Choi Young Sook và Kwon Jang Soo, Đà Lạt đã trở thành quê hương thứ hai của họ
Với vợ chồng tiến sĩ Choi Young Sook và Kwon Jang Soo, Đà Lạt đã trở thành quê hương thứ hai của họ

Mùa xuân về trên những ngón tay
 
“Bàn tay của các con không chỉ giúp các con nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà còn làm được nhiều điều hơn thế!” - cô Choi đã bảo vậy với các học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng ngay từ những ngày đầu cô đến đây. Và đúng như lời cô nói, bây giờ, đôi bàn tay của những cô cậu học trò đã khuấy bột, nướng bánh, thêu hoa, pha trà thuần thục, và tỉ mỉ làm nên những chậu hoa, chậu cây xinh xắn mà cô Choi vẫn hay khen rằng: “Các em làm còn giỏi hơn các cô giáo!”.
 
Vì làm được, nên các em thấy mình có ích, và tự tin hẳn lên. Lương Quang (học sinh lớp 7) vừa tỉ mỉ chiết từng chồi sen đá vào chậu theo hướng dẫn của cô Choi, vừa nói bằng ngôn ngữ ký hiệu, rằng: “Em làm được nhiều chậu cây được nhiều người thích lắm. Còn đây là những món quà tết mà em sẽ mang về cho bố mẹ ở Di Linh”.
 
Còn Ngần, cô học sinh lớp 6 xinh xắn, hiền lành khoe rằng, tết này em sẽ tự tay làm bánh nướng để bố mẹ mời khách. Bố mẹ sẽ khoe với hàng xóm rằng đây là bánh do tự tay cô con gái làm, nên em mong rằng mình sẽ làm thật ngon.
 
Cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính khoe rằng: “Các em học sinh làm được nhiều việc như vậy, công lớn thuộc về cô Choi. Cô không chỉ dạy các em làm, mà còn giúp các em có niềm tin rằng mình làm được, và truyền cả năng lượng tích cực sang cho các em”.
 
Không mấy ai thân thiết gọi cô Choi Young Sook bằng danh xưng tiến sĩ. Người ngoài gọi tiến sĩ Choi là bà, học sinh gọi là cô, còn các giáo viên gọi cô là mẹ. Người phụ nữ Hàn Quốc cảm động mỗi lần được gọi “Mẹ ơi!”, bởi cô biết rằng đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải người phụ nữ ngoại quốc nào cũng có được.
 
Tiếng Việt chưa sành sõi, cô Choi diễn tả ý của mình cả bằng lời nói và bằng ngôn ngữ hình thể. Đó là câu chuyện về cách đây 7 năm, khi lần đầu tiên tiến sĩ Choi có cơ hội đến Đà Lạt, ghé thăm Trường Khiếm thính Lâm Đồng và nảy sinh ý định đến Việt Nam để mang chương trình giáo dục đặc biệt đến với trẻ em khiếm thính nơi đây.
 
Năm 2009, nhân kỷ niệm 100 năm ngành giáo dục đặc biệt ở Hàn Quốc, cô Choi mời đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo và Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Trường Hoa Phong Lan Đà Lạt đến làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố Busan và Đại học Daegu - một trung tâm quan trọng nhất về giáo dục đặc biệt ở Hàn Quốc. Quyết định về việc đưa giáo dục đặc biệt về với Trường Khiếm thính Lâm Đồng được thống nhất. Và năm 2011, cô Choi nghỉ hưu sớm, cùng chồng đến với Đà Lạt với mong muốn thay đổi một điều gì đó cho trẻ em khuyết tật nơi đây, dù chỉ là một sự thay đổi nhỏ nhoi.
 
Vượt qua những giới hạn
 
Hơn một năm nay, đều đặn mỗi tuần 1 buổi, chị Đặng Thị Nhã (huyện Lâm Hà) lại chở cô con gái 4 tuổi đến Trường Khiếm thính để bé được học lớp Can thiệp sớm. Cô bé Nhã Uyên rụt rè, nhưng vào giờ học lại sôi nổi và vui vẻ hơn hẳn, bởi cô Choi cho bé khoe nhật ký hàng ngày của mình bằng tranh vẽ, cho bé thổi đàn để tập lấy hơi. Giờ học trở thành giờ chơi, có cô Choi, có mẹ cùng chơi với bé. Sự tiến bộ cùng tiếng cười trong mỗi giờ học của Uyên là động lực khiến chị Nhã vượt hơn 60 km mỗi tuần.
 
Đó là cách dạy mới mà cô Choi mang đến Trường Khiếm thính. Thời gian đầu, không mấy giáo viên tin tưởng vào cách dạy của cô Choi. Và họ nghĩ rằng chắc cô cũng chỉ ở lại 1 - 2 năm rồi sẽ lại rời đi và bỏ ngỏ phương pháp dạy mới ở đó. Thế nhưng, 1 năm, 2 năm, rồi 7 năm trôi qua, cách dạy mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Và cô Choi thì vẫn ở đó, thậm chí trở thành người thân của mỗi giáo viên và học sinh trong trường.
 
Cô Choi Young Sook cố gắng dạy nhiều nghề cho các em học sinh khiếm thính, để các em biết được thế mạnh của mình
Cô Choi Young Sook cố gắng dạy nhiều nghề cho các em học sinh khiếm thính,
để các em biết được thế mạnh của mình

Quan niệm của cô Choi là: Sự thay đổi trước tiên phải từ ngay chính bản thân người dạy. Vậy là cô gửi giáo viên sang Hàn Quốc, đồng thời mời những chuyên gia giáo dục đặc biệt Hàn Quốc đến Việt Nam và tiến hành các buổi tập huấn.
 
Những buổi học nhàm chán được thay bằng những hình ảnh sinh động, âm nhạc, trò chơi, hướng các bé hoạt động về trí não và thể lực nhiều hơn, giúp học sinh thích thú hơn khi tham gia tiết học. 
 
Học sinh được bắt đầu đeo máy trợ thính, bắt đầu tập các phương pháp kích thích giao tiếp, làm quen việc nghe phản ứng với ngôn ngữ, nghe nhạc... để các em có thể dần giao tiếp nhiều hơn. Cô Choi tập thêm cho trẻ làm món ăn, cho trẻ học quay phim, chụp hình, vẽ lại những hoạt động hàng ngày của mình vào nhật ký rồi cho trẻ mang đến khoe với giáo viên để kích thích tập nói. 
 
Thay vì chỉ dạy chữ, cô Choi bắt đầu dạy thêm nghề cho học sinh. Làm bánh, làm trà, trồng cây, thêu thùa,... Cái gì không làm được, cô đi học để về dạy lại cho các em. Thế là Trường Khiếm thính bắt đầu có những sản phẩm đặc biệt. Và quán cà phê “Lặng” - một không gian thơm lừng mùi trà và bánh ra đời để trưng bày và bán cho du khách những sản phẩm ấy.
 
Yêu Ðà Lạt như quê hương của mình
 
Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm của vợ chồng cô Choi tất bật hơn bình thường, bởi ông bà phải chuẩn bị hàng trăm suất quà cho các em khuyết tật đón một mùa xuân ấm. Đó là những món quà từ sự ủng hộ của những nhà hảo tâm ở Hàn Quốc do vợ chồng cô Choi vận động mỗi năm, mà như cô nói là “nối gần khoảng cách và kéo thêm tình cảm giữa Hàn Quốc và Việt Nam”.
 
Tiến sĩ Choi Young Sook hướng dẫn phụ huynh cùng học với trẻ khiếm thính
Tiến sĩ Choi Young Sook hướng dẫn phụ huynh cùng học với trẻ khiếm thính

7 năm ở Việt Nam, cô Choi hiểu rằng ở những vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng, vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ bị khuyết tật, hoặc may mắn sinh ra lành lặn, nhưng lại bị cái nghèo ám ảnh cả tuổi thơ. Biết được điều đấy, vợ chồng cô bắt đầu kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm ở Hàn Quốc hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí cho những học sinh khuyết tật hoặc con cái của những gia đình nghèo biết vượt khó học giỏi. Số tiền 500 nghìn đồng mỗi tháng không nhiều, nhưng đủ để giúp cho 53 em được nhận hỗ trợ hay 419 em học sinh vùng sâu, vùng xa được nhận xe đạp trong 4 năm nay có thêm động lực, niềm hy vọng và niềm tin vươn lên trong học tập. Rồi đến 13 căn nhà và 269 chiếc xe lăn đã được trao, cũng là đến từ những tình cảm thân thương ấy.
 
“Chúng tôi là người Đà Lạt. Sẽ sống đến cuối đời” - vợ chồng tiến sĩ Choi Young Sook đã nói ngay lập tức như vậy, khi tôi hỏi rằng ông bà muốn mình sẽ ở lại Đà Lạt trong bao lâu.
 
Cô Choi đến đây để làm nên những điều thay đổi. Và những sự thay đổi đó đang dần hiện hữu, ngày một rõ hơn. Cô Choi bảo rằng, mình hạnh phúc trong từng phút giây khi được sống ở mảnh đất cô đã yêu ngay từ lần đặt chân đến, và làm những điều mà cô đã dành cả cuộc đời mình để đặt tất cả tâm huyết. 
 
 “Với sự nỗ lực của mình, chúng tôi luôn mong muốn những học sinh khuyết tật của chúng tôi cũng có thể nhận được một nền giáo dục hạnh phúc.” - cô Choi chia sẻ. Với cô Choi, có lẽ “hạnh phúc” là mục đích cuối cùng mà cô hướng đến.
 
Mùa xuân này, lại có thêm nhiều hơn những nụ cười hạnh phúc đến từ gia đình của trẻ khiếm thính bởi các con đã biết nói nhiều hơn, làm được nhiều việc hơn. Và trên mảnh đất lành Đà Lạt những ngày xuân mới, những “mầm thiện” lại tiếp tục nảy mầm và trổ hoa.
 
VIỆT QUỲNH