Tạo nền tảng vững chắc để bứt phá

08:28, 20/01/2023

LTS: Năm 2022, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, cùng với đó là những biến động về tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhưng cả hệ thống chính trị và Nhân dân Lâm Đồng đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào, nhất là trên các lĩnh vực: thu ngân sách, kiểm soát dịch bệnh, thu hút khách du lịch, chuyển đổi số… Đây chính là nền tảng vững chắc để vùng đất Nam Tây Nguyên tạo bước bứt phá trong năm bản lề 2023. Nhân dịp Tết Quý Mão, Báo Lâm Đồng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số ngành về những kết quả đạt được trong năm qua và định hướng năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.

BÀ PHẠM THỊ TƯỜNG VÂN - Giám đốc Sở Tài chính: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách

 

Ngành Tài chính trong năm qua có những bước phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công đã tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, nên trong năm 2022, mặc dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, nhưng tỉnh vẫn chủ động nguồn xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, ngành Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại, phát triển nền kinh tế, hội nhập quốc tế; cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Về thu NSNN, ngành Tài chính đã xây dựng được hệ thống chính sách thu ngân sách, động viên hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bao quát các nguồn thu, chống chuyển giá, công khai, minh bạch; chuyển phương thức quản lý thu từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa công tác quản lý thu; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nhờ vậy, nên mặc dù liên tục cắt giảm thuế quan theo các nghị định hỗ trợ người dân sau đại dịch COVID-19, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp, nhưng tổng thu NSNN vẫn đạt và vượt dự toán ấn tượng.
Ngành cũng đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách, triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách... Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tăng hiệu quả và thực hiện cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính- ngân sách; củng cố dư địa tài khóa.

DIỄM THƯƠNG (ghi)

 

ÔNG NGUYỄN VIẾT VÂN - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Ðịnh vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Lâm Ðồng

 

Sau 2 năm “đóng băng” vì đại dịch COVID-19, năm 2022, du lịch Lâm Đồng đã sôi động trở lại. Nỗ lực hành động phục hồi hoạt động du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022; Ngày hội Văn hóa, Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022…
Cùng với đó, ngành đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm, đào tào bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch “an toàn, văn minh, thân thiện”… góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, giúp ngành Du lịch của tỉnh phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 7.500.000 lượt (tăng 3,4 lần so với năm 2021, đạt 136,4% kế hoạch); trong đó, khách quốc tế ước đạt 150.000 lượt (tăng 8,1 lần so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch).
Để ngành Du lịch tiếp tục phục hồi và tăng trưởng theo hướng bền vững, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở sẽ tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch để thu hút khách; tăng cường quảng bá xúc tiến, liên kết du lịch, đầu tư các loại hình sản phẩm dịch vụ mới, cao cấp, các dịch vụ du lịch gắn với kinh tế ban đêm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của du khách; chuyển đổi số trong ngành Du lịch, phát triển các tiện ích du lịch thông minh, quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch và tài nguyên du lịch, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng... 
Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước; xúc tiến du lịch, nghiên cứu mở thị trường trọng điểm như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

QUỲNH UYỂN (ghi)

 

ÔNG HUỲNH MINH HẢI - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Ðẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

 

Năm 2022 là năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Hoà nhịp với sự phát triển của tỉnh, ngành Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số - nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh trên phạm vi toàn tỉnh, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Bởi vì, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính quyền số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Lâm Đồng đặt ra.

DIỄM THƯƠNG (ghi) 

 

 

ÔNG NGUYỄN ÐỨC THUẬN - Giám đốc Sở Y tế: Chủ động phòng, chống dịch linh hoạt theo trạng thái “bình thường mới”

 

Các biện pháp phòng, chống dịch đã bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch; trong tình hình hiện nay, dịch đang được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh.
Về cấp độ dịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 142/142 xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 (100%). Để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội; ban hành Quyết định tạm dừng hoạt động của 49/54 cơ sở thu dung điều trị COVID-19. Các trường hợp mắc COVID-19 tại các huyện, thành phố sẽ được đưa về khu điều trị của các bệnh viện đóng trên địa bàn. 
Để chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trở lại, ngành Y tế sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với ngành Y tế khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể như: Các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt như cách ly điều trị, điều tra truy vết, xét nghiệm… sẽ được nhanh chóng áp dụng trở lại để kịp thời khống chế, không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân. Chủ động mọi mặt như nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, cơ sở thu dung điều trị (tham mưu UBND tỉnh khởi động lại các khu điều trị đã tạm dừng nếu cần thiết) khi dịch bùng phát lan rộng.
 Tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo nguyên tắc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch, tăng cường tạo miễn dịch cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch…

DIỆU HIỀN (ghi)