Năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ

LINH NHÂN 10:51, 17/01/2023

(LĐ online) - Năm 2022, thế giới đứng trước những khó khăn, thách thức lớn do tác động của nhiều biến động phức tạp và phải đối mặt với đa khủng hoảng, nhưng Việt Nam đã nỗ lực vượt lên để đạt được những kết quả vượt ngoài mong đợi. Năm 2003 dự báo còn khó khăn hơn nhưng với đà tăng trưởng đã đạt được, hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
KINH TẾ PHỤC HỒI NGOẠN MỤC SAU ĐẠI DỊCH 
Năm 2022, thế giới phải đương đầu với những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những bất lợi nhưng đã cơ bản vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng. Sau 2 năm tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Đây là sự  phục hồi tích cực với những tiến triển tốt đẹp và đồng đều trên cả 3 khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%... Trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 đầy ảm đạm, kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng nhanh hơn dự đoán. 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục, trên 730 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%, cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư 11,2 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó có tới 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. 
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến vượt xa dự toán hơn 20% đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, tạo nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. 
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2022 tuy giảm về vốn nhưng số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh tăng so với năm 2021; đặc biệt giải ngân vốn FDI đạt con số kỷ lục (22,4 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm 2021 và là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua (năm 2019 là năm có vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ở mức cao nhưng cũng chỉ đạt hơn 20 tỷ USD). Điều này cho thấy niềm tin lớn của các doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Sau hơn 2 năm ảm đạm do dịch COVID-19, tiêu dùng nội địa đã bật tăng trở lại nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước đã phát huy hiệu quả. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tiêu dùng nội địa phục hồi đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng được xem là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, kịp thời đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế… 
Năm 2022, lạm phát ở Việt Nam đi ngược với lạm phát cao của toàn cầu, được kiểm soát ở mức thấp 3,15% (đạt mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%) nhờ chính sách tài chính, tiền tệ theo sát thị trường, nhanh nhạy, quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả đã giúp giảm đáng kể áp lực lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đời sống của nhân dân.
TIẾP TỤC ĐÀ TĂNG TRƯỞNG NHƯNG VẪN TIỀM ẨN RỦI RO
Hầu hết các dự báo cho năm 2023 đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Do đó, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng vẫn là một trong những nước giữ được tốc độ tăng trưởng tốt nhất. IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng 6,1%, WB đưa ra mức tăng trưởng 6,4% và ADB dự báo tăng 6,7%. Mức tăng trưởng như vậy sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Sở dĩ tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thể trụ vững trong khó khăn và có triển vọng tiếp tục tăng trưởng cao bởi các lợi thế: Việt Nam có thị trường nội địa quy mô 100 triệu dân, thuộc vào hàng thị trường lớn trên thế giới, đồng thời có sự thâm nhập khá tốt các thị trường quốc tế. Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bởi sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng có thế mạnh như nông sản, thủy sản,… nên khi thế giới suy thoái tuy mức tiêu thụ có giảm nhưng vẫn tiêu thụ được, nhất là khi chúng ta gỡ được khá nhiều rào cản từ việc tham gia ký kết các hiệp định FTA. Hơn nữa, đặc điểm Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên khi kinh tế khó khăn đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ. Các dự án FDI ký kết trong năm 2022 được triển khai trong 2023 sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế; bên cạnh đó quỹ đầu tư công còn tồn đọng tới 900.000 tỉ, nếu kênh dẫn vốn đầu tư đúng, trúng sẽ tạo được sự đột phá. Thị trường bất động sản sẽ gỡ được một số dự án quan trọng để triển khai nhằm tăng nguồn cung, kích thích ngành xây dựng cùng một số ngành khác phát triển.
Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh, hạn chế được mặt khó khăn, các tổ chức, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế, trong đó cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu.
Trước hết, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút đầu tư; giữ được lạm phát thấp nhằm không tăng giá cả hàng hóa gây áp lực lên yếu tố đầu vào của các nhà sản xuất, góp phần ổn định được các chỉ tiêu khác của kinh tế vĩ mô như: ổn định tỷ giá, kiểm soát nợ công, không làm tăng bội chi, ổn định an sinh xã hội và hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, với số vốn đầu tư công được tăng lên trong năm 2023, nếu đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng; ngược lại, đầu tư công dàn trải, không hiệu quả có thể gây những bất ổn. Vì vậy, đầu tư công phải tập trung vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.và tránh lãng phí nguồn lực. 
Thứ hai, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sự đột phá, bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Đây chính là một trong những “điểm nghẽn”, rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần sớm được tháo gỡ. 
Thứ ba, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, cần tập trung khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa. Thị trường nội địa, với khoảng 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu phát triển, nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao là một tiềm năng cực kỳ to lớn, được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. 
Thứ tư, Việt Nam với nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu, rộng; cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực đã làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh mà các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến. Để đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics thuận tiện; xây dựng các khu - cụm ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng; chủ động chọn dòng vốn phù hợp, thay vì ngồi đợi vốn đến; tạo nguồn lao động có tay nghề, môi trường pháp lý linh hoạt và kinh tế vĩ mô ổn định….
Thứ năm, tiếp tục ưu tiên và đi sâu vào cải cách các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là công việc trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển trong dài hạn. Thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều thành công về về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh. Nếu tháo gỡ được nút thắt thể chế sẽ là yếu tố quan trọng tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, rủi ro có thể xẩy ra trong năm 2023, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp,… cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc 4 Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành trong tháng 12 năm 2022, về chỉ đạo xử lý các vấn đề: Ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; Cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 
Với nhiều giải pháp tổng thể và sự chủ động, linh hoạt trong điều hành nền kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức sắp tới để kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao.