Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023): Người vẽ cờ giải phóng

QUỲNH UYỂN 16:25, 14/02/2023

(LĐ online) - “Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam vàng của lòng người hôm nay/ Càng nhìn ta lại càng say/ Biển Đông lồng lộng gió bay ngọn cờ” (Trích Nước non ngàn dặm - Tố Hữu).

Cờ Giải phóng được treo trước rạp Hòa Bình trong ngày giải phóng Đà Lạt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng
Cờ Giải phóng được treo trước rạp Hòa Bình trong ngày giải phóng Đà Lạt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng

Năm 1960, lá cờ nửa đỏ nửa xanh dương, giữa có ngôi sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong một mái lá nằm sâu trong rừng nguyên sinh Tây Ninh, rồi lần lượt hiện diện suốt dọc miền Nam. Đến ngày 30/4/1975, trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập mang theo lá cờ tung bay đã bắt đầu những ngày hòa bình, thống nhất, cờ phấp phới khắp miền Nam trong niềm hân hoan khi non sông liền một dải. Đó là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được nhiều người gọi là Cờ Giải phóng. Người vẽ nên lá cờ đầy ý nghĩa đó là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Lấy khuôn mẫu của quốc kỳ, và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh – màu của hòa bình, tượng trưng cho khát vọng một đất nước hòa bình, thống nhất.  
Từ cuối năm 1959 - 1960, phong trào Đồng khởi bắt đầu lan rộng, đã hình thành nhiều lõm, vùng giải phóng ở nhiều tỉnh miền Nam và cả miền Trung, Tây Nguyên. Thực tiễn cách mạng miền Nam đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức để quản lý, liên kết, tổ chức phong trào trong vùng giải phóng, không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tiến tới giải phóng toàn miền Nam. 
Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định là đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo: “Xứ ủy đã thống nhất đặt tên cho tổ chức mới là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn phải có một lá cờ riêng. Cờ phải thể hiện được sự thống nhất với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng nhất định phải có thêm màu xanh. Màu xanh của hòa bình, trung lập sẽ tập hợp được đông đảo lực lượng các giới ủng hộ”.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lúc ấy là thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phụ trách dân vận đã sử dụng khả năng thiết kế tài hoa của một kiến trúc sư để vẽ nên lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa. Đơn giản, đẹp, ý nghĩa.
Tháng 7/1960, trong tổng số 49 xã toàn tỉnh Tây Ninh, đã có 24 xã giải phóng hoàn toàn, 19 xã giải phóng cơ bản. Vùng căn cứ Xứ ủy Nam bộ ở Tây Ninh được củng cố, mở rộng thành nơi tập hợp và xây dựng thực lực cho cách mạng. Giữa tháng 12/1960, các nhân sĩ trí thức từ các địa phương miền Nam lần lượt được mời và tổ chức rời vùng tạm chiếm vào căn cứ cách mạng tại Tây Ninh.
Ngày 19/12/1960, tại Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc toàn miền Nam đã họp hội nghị. Cuộc họp thâu đêm kéo dài đến tận 2 giờ sáng 20/12/1960 mới kết thúc với lời tuyên bố long trọng: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được thành lập.
Trong lễ ra mắt trang trọng ấy, lá cờ của Mặt trận cũng đã tung bay ở những căn nhà mái lá trung quân của Trung ương cục miền Nam. Để suốt 15 năm, lá cờ mang lời hiệu triệu, tập hợp các lực lượng quần chúng Nhân dân cùng nhau “vai sát vai chung một bóng cờ” tạo nên sức mạnh, đưa đất nước đến ngày độc lập, thống nhất.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989) người vẽ nên lá cờ cao đẹp ấy sinh ra tại làng Tân Hưng, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tuổi thơ thông minh, học giỏi, năm 1938 ông tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông mở văn phòng kiến trúc sư, tạo danh tiếng khắp Sài Gòn. Với khả năng sáng tạo tuyệt vời, tư duy thông tuệ của một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn hóa lớn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã thiết kế nhiều công trình kiến trúc được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt... thể hiện tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, vừa hiện đại, nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam, đã gây nên một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.
 Nhưng đã sớm nung nấu ông chí ý đấu tranh cách mạng theo con đường của Đảng. Năm 1944, ông là Trưởng ban Cổ động Hội truyền bá Quốc ngữ ở Nam Kỳ. Đầu năm 1945, Huỳnh Tấn Phát dùng văn phòng làm việc của mình mở lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Ngày 5/3/1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ông đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả nhất để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.
Từng giữ các chức vụ: Năm 1945, Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ Bí thư Tân Dân chủ Đảng công tác tuyên truyền và huấn luyện thanh niên trí thức, công nhân, học sinh. Cuối năm 1950, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 1/1951, được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. 
Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, ông được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đất nước thống nhất, Quốc hội khóa VI cử ông làm Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, Quốc hội khóa VII cử ông làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.
Vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, kiến trúc sưu Huỳnh Tấn Phát đã sống trọn vẹn và cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. 
44 năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, người trí thức trẻ, người đảng viên trung kiên, bất khuất, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian nguy, khổ cực, biến nhà tù của giặc thành trường học lớn, động viên gia đình trở thành những người đồng chí, đồng đội xả thân quên mình vì Tổ quốc. Vợ ông và 6 người con cùng chọn con đường theo cách mạng đều trở thành đồng chí, đồng đội của ông. Càng xúc động khi người con gái thứ 2 của ông là Huỳnh Lan Khanh đã từ chối cơ hội ra miền Bắc học tập để đã ở lại miền Nam chiến đấu, chẳng may sa vào ổ phục kích của Mỹ và anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi (ngày 4/1/1968).
Sau ngày đất nước thống nhất, ông thiết kế nhiều công trình, bản quy hoạch: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình TP Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra, đồng chí còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội... đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Là một nhà kiến trúc tinh hoa mà cả nước và thế giới mến mộ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát không chỉ kiến trúc các công trình hiện đại bằng nhiều loại chất liệu. Càng đặc biệt hơn trong sự đặc biệt đó là ông cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã kiến trúc một đường lối, sách lược, một cơ cấu tổ chức cụ thể hóa tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Trên con đường đó, ông đã vẽ nên lá cờ Giải phóng để người người đồng lòng “vai sát vai chung một bóng cờ” tạo nên sức mạnh, thống nhất đất nước.
Đà Lạt là nơi ghi dấu cuộc gặp gỡ tình cờ làm nên mối tình đẹp thủy chung son sắt giữa kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và vợ của ông vào năm 1943. Con đường mới mở nối từ bùng binh Tự Phước (quốc lộ 20) tới bùng binh đi Đạ Sar, Đạ Nhim – Lạc Dương (quốc lộ 27c) băng qua cánh đồng hoa Thái Phiên dài 6,9 km đã được đặt tên đường Huỳnh Tấn Phát như một sự tri ân của Nhân dân Đà Lạt – Lâm Đồng dành cho ông.