Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

03:06, 20/06/2013

Hồ Chí Minh coi hoạt động báo chí như một vũ khí sắc bén để tấn công kẻ thù của dân tộc, để hoạt động và tuyên truyền tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa...

[links()](Tiếp theo) - Hồ Chí Minh coi hoạt động báo chí như một vũ khí sắc bén để tấn công kẻ thù của dân tộc, để hoạt động và tuyên truyền tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Về nội dung viết mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí như vậy đó”.

Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu


Với quan điểm: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, Hồ Chí Minh dạy: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? (bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam). Xác định báo chí trước hết là phục vụ nhân dân, Bác khuyên những người làm báo: “Tuyên truyền là đem một cái gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”! Trong hoạt động báo chí, Bác rất chú trọng việc phát hiện, nêu gương tốt, nhân rộng điển hình: “Mấy chục năm nay, nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa. Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất (Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”)… Tuy nhiên, Người cũng lưu ý bên cạnh “xây” phải có “chống”. “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy… Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”…

 Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…. Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phó chính trừ tà”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Người yêu cầu cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ngay từ năm 1958, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề với người làm báo “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

88 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam khai sinh ra tờ báo Thanh Niên, dưới sự dìu dắt, hướng dẫn và tiếp thu tư tưởng của Người, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần to lớn vào thành quả công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong hoàn cảnh cách mạng mới hiện nay - giai đoạn hội nhập toàn cầu, báo chí cách mạng nước nhà đang giữ những trọng trách to lớn đòi hỏi người làm báo không ngừng tự trau dồi, học tập và nâng cao bản lĩnh chính trị, đổi mới trình độ nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Về báo chí cũng có nhiều cách hiểu, tuy nhiên cách chung nhất được mọi người xưa nay chấp nhận là thông điệp. Thông điệp mang tin tức, tư tưởng, quan điểm, thái độ của người, thể hiện bằng lời, chữ, tiếng, hình… hoặc riêng rẽ hoặc liên kết bằng công nghệ. Nhà báo chuyển thông điệp đến công chúng bằng phương tiện truyền thông. Truyền thông không chỉ là phương tiện vật chất, là công nghệ; truyền thông trước hết là người. Thông điệp báo chí vì vậy có thể cao quý, nhân văn, phục vụ lợi ích cộng đồng, cũng có thể thông tục, phi văn hóa, phi đạo đức, phục vụ các lợi ích nhóm và tham vọng chính trị - kinh tế của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều yếu tố đan xen, làm cho ranh giới trong nội dung thông điệp không rõ nét như trước song không bao giờ biến mất hoàn toàn (Phan Quang: Báo chí và văn hóa).

Báo chí là một binh chủng sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Hồ Chí Minh từng dạy: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thức sâu sắc: Trước hết báo chí là tấm gương phản ánh bộ mặt xã hội. Báo chí thực sự là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu cung cấp và phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, giúp cho các cá nhân, tổ chức có thể được cập nhật và nắm bắt các thông tin, sự kiện trong và ngoài nước đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ,

Báo chí cách mạng có vai trò giám sát, phản biện xã hội và định hướng dư luận xã hội. Báo chí khẳng định ngày càng rõ hơn vai trò là tiếng nói của Đảng, là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Cơ quan báo chí là đại diện cho quyền lợi hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm lợi ích của toàn xã hội và yêu cầu của đất nước. Báo chí có vai trò không thể thoái thác là nắm bắt, tạo dựng và định hướng dư luận xã hội. Báo chí là chủ thể khơi nguồn dư luận xã hội, dư luận xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí.

Báo chí cũng là một động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Những thông tin, sự kiện được cập nhật kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, trung thực và khách quan có ý nghĩa và giá trị thực tiễn lớn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước hiện nay.

Mục đích của truyền thông là làm cho người tiếp nhận hiểu được nội dung thông tin, từ đó thay đổi, chuyển biến nhận thức, hành vi của mình. Quá trình truyền thông là quá trình hai chiều; phản hồi của công chúng cho biết hiệu quả truyền thông. Nếu phản hồi của công chúng báo chí đúng đắn, mang tính xây dựng thì sẽ góp phần giúp cho cơ quan báo chí và người làm báo phát huy mặt tích cực, điều chỉnh sai sót, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông. “Sự chính xác là anh em sinh đôi của sự chân thật. Còn sự sai lệch là anh em song sinh của sự bất lương” (C.Simmons)

Nghị quyết TW 5 khóa VIII chỉ rõ: Do vai trò cung cấp thông tin, định hướng dư luận, nâng cao tri thức toàn diện, hướng dẫn thị hiếu rất quan trọng của thông tin đại chúng, cần nâng cao chất lượng báo chí lên ngang tầm sự phát triển văn hóa. Chống xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, thương mại hóa báo chí, chạy theo thị hiếu giật gân, câu khách, tuyên truyền cho văn hóa đồi trụy, xa lạ với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, hạ thấp thị hiếu của quần chúng.

Như chúng ta đã nhận thức: Thế kỷ XXI là một thế kỷ mà mọi sinh hoạt xã hội đều bị chi phối bởi khoa học kỹ thuật. Alvin Toffler trong “Đợt sóng thứ ba” cho rằng lịch sử nhân loại có ba nền văn minh kế tiếp nhau: Nền văn minh nông nghiệp, nền văn minh công nghiệp và nền văn minh hậu công nghiệp. Mỗi nền văn minh được gọi là một “đợt sóng”. Đặc biệt trong kỷ nguyên “đợt sóng thứ ba”, con người lại có một môi trường thông minh, do chúng ta đưa vào trong môi trường chết xung quanh không phải là sự sống mà là trí tuệ. Đó là máy tính và bộ nhớ điện tử. Chính điều này đã đem lại một biến đổi căn bản và đầy ý nghĩa mới mẻ của thông tin quyển đợt sóng thứ ba… Đáp ứng yêu cầu thông tin trong kỷ nguyên toàn cầu, hội nhập, người làm báo cần nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, làm chủ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền… thế nhưng tâm điểm hướng tới của nhà báo vẫn phải là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, lợi ích chính đáng của nhân dân.

BÌNH NGUYÊN