Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

09:02, 03/02/2016

Trong những năm qua, Lâm Đồng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, tận tụy phục vụ nhân dân; coi đó là khâu then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước, ngày càng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Trong những năm qua, Lâm Đồng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, tận tụy phục vụ nhân dân; coi đó là khâu then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước, ngày càng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
 
Tuyên dương cán bộ, công chức trẻ tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2015
Tuyên dương cán bộ, công chức trẻ tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2015

Những ngày này, nhân dân các dân tộc Nam Tây Nguyên đang chung niềm vui Đại hội XII của Đảng thành công. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ trên cung đường cửa ngõ đến huyện Lạc Dương. Những vườn hoa công nghệ cao đang được bà con dân tộc K’Ho thu hoạch để kịp phục vụ dịp Tết. “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ địa phương, giờ đây cuộc sống bà con mình đã đổi thay đáng kể, nhiều nhà đã có ô-tô” - già làng Krajan Blôm, thị trấn Lạc Dương, chia sẻ.
 
Trong tổng số gần 5 nghìn CBCC của tỉnh, có 280 cán bộ trình độ trên đại học, 3.653 cán bộ đại học, cao đẳng và 743 cán bộ có trình độ trung cấp. Về lý luận chính trị, có 940 cán bộ trình độ cao cấp, cử nhân; 845 cán bộ trình độ trung cấp.
Huyện Lạc Dương có hơn 75% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ một huyện khó khăn của tỉnh Lâm Đồng, giờ đây, hầu hết các cung đường chính của huyện đã được trải nhựa, nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 tăng 24%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4%... “Ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự đầu tư của nhà nước, công tác chăm lo đội ngũ “công bộc” của dân đủ năng lực, trình độ, tận tụy phục vụ nhân dân, đã có tác động rất lớn đến sự phát triển của địa phương” - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho biết. 5 năm qua, gần 1.300 lượt cán bộ, công chức (CBCC) các cấp tại Lạc Dương được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn. Trong đó, có 530 CBCC là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: “Xác định chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là “cái gốc” cho sự phát triển bền vững, đặc biệt là CBCC người dân tộc thiểu số, nên chúng tôi luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo, từng bước đáp ứng việc cải cách hành chính, phục vụ người dân”.
 
Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ tại Lâm Đồng được đổi mới thực sự và đầu tư đúng mức, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, có khát vọng cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước. 5 năm gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho 42 CBCC tham gia các lớp đào tạo, trong đó gần một nửa được đào tạo trình độ cao học, tiến sĩ. “Tạo điều kiện để CBCC đi học nâng cao trình độ, đào tạo đúng và trúng, cùng với việc khen thưởng kịp thời những CBCC đạt kết quả cao trong học tập, tôi tin rằng, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập, phục vụ tốt cho nhân dân” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Viết Vân, chia sẻ.
 
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên ban hành các văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Trong đó, chú trọng công tác đánh giá cán bộ, bởi đây chính là sự khởi đầu các công việc tiếp theo trong công tác tổ chức cán bộ, như quy hoạch, bố trí, sử dụng, khen thưởng cán bộ. Với kỳ vọng thay đổi tư duy cũ về đánh giá cán bộ, Sở Nội vụ Lâm Đồng đang hoàn thiện đề tài khoa học về tiêu chí đánh giá, xếp loại CBCC. Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng Trương Văn Hòa cho biết: “Việc xây dựng đội ngũ CBCC luôn được thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hàng đầu. Chúng tôi đã xây dựng các quy chế phù hợp, tạo môi trường công tác thuận lợi để mỗi CBCC phát huy tốt năng lực, sở trường theo vị trí công tác, tâm huyết với công việc, phục vụ cho sự phát triển địa phương”. 
 
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các đảng bộ; các sở, ngành đã chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2010 đến nay, Lâm Đồng đã đào tạo hơn 2.400 CBCC về lý luận chính trị, hành chính; đào tạo 359 cán bộ trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; hơn 5.500 lượt CBCC được bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, làm thế nào để đội ngũ này hoạt động hiệu quả, thật sự là “công bộc” của dân? Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ CBCC, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, tiếp tục cải cách hành chính, chống quan liêu, hách dịch, tận tụy phục vụ nhân dân. Thời gian qua, Lâm Đồng quan tâm khuyến khích các cơ quan, đơn vị áp dụng các mô hình sáng tạo, gắn bó thiết thực với lợi ích của người dân, như hệ thống một cửa điện tử hiện đại và dịch vụ công trực tuyến, góp phần đắc lực trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp công khai, công bằng, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm, kỷ cương của CBCC thực thi công vụ.
 
Lâm Đồng hiện có 1.551 thôn, tổ dân phố; trong đó có 99,3% thôn, tổ dân phố có chi bộ; hơn 39.200 đảng viên. Xác định đào tạo, bồi dưỡng là khâu then chốt trong công tác cán bộ, ban thường vụ, cấp ủy các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện để CBCC tham gia các lớp nâng cao trình độ có trọng tâm, trọng điểm. Riêng công tác phát triển, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch cho cả nhiệm kỳ. “Căn cứ tình hình thực tiễn để xây dựng các chương trình, phương pháp mới nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, đảng viên và sức chiến đấu của Đảng phù hợp tình hình hiện nay” - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thị Nhạn cho biết.
 
Xác định công tác cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nêu rõ: Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, gần gũi và gắn bó với nhân dân. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, phải thấy tầm quan trọng của công tác cán bộ quyết định đến sự thành bại của cách mạng, đến vận mệnh của Đảng, của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
 
MAI VĂN BẢO