Ghi nhận từ việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú

09:04, 13/04/2016

Đến nay, tất cả các địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với 16 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 152 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 838 ứng cử viên cấp huyện và 8.036 ứng cử viên cấp xã. Số phiếu tín nhiệm của người được giới thiệu ứng cử đều đạt khá cao từ 90 - 100%.

Việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành ngay sau khi hiệp thương lần 2, từ 20/3 - 10/4/2016 theo đúng quy định của Luật bầu cử. Đến nay, tất cả các địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với 16 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 152 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 838 ứng cử viên cấp huyện và 8.036 ứng cử viên cấp xã. Số phiếu tín nhiệm của người được giới thiệu ứng cử đều đạt khá cao từ 90 - 100%. 
 
Cử tri đóng góp ý kiến cho người được giới thiệu ứng cử
Cử tri đóng góp ý kiến cho người được giới thiệu ứng cử

Ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh cho biết: Theo các biên bản gửi về, chỉ có 1 ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội là ông Bùi Minh Quốc cho kết quả 100% cử tri nơi cư trú tại địa bàn không tín nhiệm để ông tham gia ứng cử ĐBQH khóa 14, còn lại các ứng cử viên đều đạt kết quả tín nhiệm khá cao từ 90 - 100%, đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn để ứng cử. 
 
Đơn cử tại địa bàn thành phố Đà Lạt, qua hiệp thương lần 2, đã thực hiện việc hướng dẫn lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên trong thời gian từ 23/3 đến 7/4/2016. Đến nay, 16 phường, xã trong thành phố đã tiến hành xong việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm tại 249 tổ dân phố. Về cơ bản, các tổ dân phố đều tiến hành đảm bảo đúng theo quy định, số lượng cử tri tham dự hội nghị  đạt trên 50%. Kết quả tín nhiệm đạt cao từ 90% trở lên. Dự kiến đến 15/4/2016, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố tiến hành hiệp thương lần 3 theo quy định. Cử tri Đà Lạt đã căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn của đại biểu HĐND để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng cho các ứng cử viên (sau khi thư ký hội nghị đọc xong phần tiểu sử). Nội dung góp ý chủ yếu về tác phong đạo đức, năng lực, trình độ, mối quan hệ gắn bó gần gũi với nhân dân tại nơi cư trú của các ứng cử viên. Nhiều cử tri bày tỏ mong muốn, kỳ vọng nếu trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thì đại biểu hãy nói lên tiếng nói của nhân dân, nhất là những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, kiến nghị (ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ thành phố Đà Lạt trao đổi với phóng viên).
 
Tham dự và chủ trì hội nghị tại nhiều tổ dân phố của phường, Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ tịch UBMTTQ phường 4 cho biết: Hiện nay, phường 4 đã hoàn tất việc triển khai hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri tại 23 tổ dân phố trong toàn phường theo đúng tiến độ trước ngày 7/4/2016. Các hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đều được cấp ủy, chính quyền, hệ thống MTTQ cơ sở thực hiện khá tốt, với tinh thần trách nhiệm rất cao và đạt chất lượng.
 
Đánh giá sơ bộ về kết quả bầu cử từ khi triển khai đến nay, theo UBMTTQ tỉnh: Tại các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai của MTTQ ở cấp huyện, cấp xã đều được thực hiện đúng thời gian yêu cầu và phương pháp tiến hành đảm bảo quyền và trách nhiệm trong hiệp thương, phân bổ, lựa chọn người ứng cử. Qua kiểm tra, phần lớn các huyện, thành phố đều đảm bảo gấp hai lần theo quy định của trung ương. Các địa phương đều thể hiện tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt các nội dung bầu cử, điển hình như phường B’Lao tuy chưa được cấp kinh phí nhưng phường đã chủ động đứng ra tổ chức và được triển khai rất tốt trên tinh thần tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả. 
 
Riêng về công tác giám sát, kiểm tra bầu cử, bà Hoàng Thị Khiêm - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đã báo cáo với Ủy ban bầu cử tỉnh tại cuộc họp gần đây nhất: Từ ngày 28 - 31/3, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan như Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị thành viên đi giám sát tại 6 huyện, thành phố và 12 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc một số ít cơ sở còn lúng túng trong triển khai các bước bầu cử, việc tuyên truyền phát hành băng đĩa về bầu cử đến từng người dân, từng hộ dân một số nơi còn chậm trễ; thì cơ bản các địa phương đều thực hiện đúng tiến độ và lịch trình quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử tỉnh. Đa số tại các địa phương đều có sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan. Các tổ chức bầu cử như Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử đều được thành lập, phân công trách nhiệm, thành viên cụ thể.
 
Đến thời điểm này, mọi công tác triển khai bầu cử đều được đảm bảo đúng quy trình để hội nghị hiệp thương lần ba được tiến hành trong thời gian sớm nhất và thông qua danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.
 
Nguyệt Thu