Nam Tây Nguyên hòa vào ngày hội non sông

09:05, 23/05/2016

22/5 là một ngày đặc biệt - Ngày hội của non sông. Cùng với cử tri cả nước, "Lá phiếu và niềm tin" là những gì mà người dân Nam Tây Nguyên đặt kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiêu biểu...

22/5, không phải là một ngày Chủ nhật bình thường như những ngày nghỉ cuối tuần khác, đó là một ngày đặc biệt - Ngày hội của non sông. Ngày mà hàng triệu con dân Việt Nam, những người đến tuổi trưởng thành mang theo tấm thẻ cử tri, thông qua những lá phiếu để thực hiện quyền chọn lựa những đại biểu ưu tú, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng với cử tri cả nước, “Lá phiếu và niềm tin” là những gì mà người dân Nam Tây Nguyên đặt kỳ vọng vào các ứng cử viên tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến là người đầu tiên bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 3, phường 1, TP. Đà Lạt - Ảnh: VĂN BÁU
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến là người đầu tiên bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 3, phường 1,
TP. Đà Lạt - Ảnh: VĂN BÁU

7 giờ sáng
 
Lễ chào cờ tại khu vực bỏ phiếu số 74, khu phố Nguyễn Du, phường 9, TP. Đà Lạt được diễn ra với những nghi thức trang trọng nhất, trước khi tiến hành các thủ tục cần thiết để cuộc bầu cử tại khu phố có thể diễn ra, sân hội trường đã đông kín người. 
 
Ông Khuất Minh Phương - một đảng viên, cán bộ lãnh đạo về hưu đã vinh dự được chọn là người đầu tiên bỏ lá phiếu vào thùng, trước khi 600 cử tri tại khu phố này đến thực hiện quyền cử tri của mình. Đã trải qua rất nhiều lần đi bầu, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một người công dân, nhưng với ông cảm xúc trong lần này vẫn vẹn nguyên và đầy hứng khởi. 
 
Cũng như ông Phương, rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng của khu phố Nguyễn Du, ngay từ sáng sớm đã cùng gia đình mình đến hội trường văn hóa khu phố để bỏ phiếu. Họ đều có chung một quan điểm: Luôn mong muốn và đặt trọn niềm tin vào các đại biểu trúng cử khóa tới, sẽ đại diện cho nhân dân, phát huy hết trách nhiệm, đạt được nguyện vọng của người dân, thay người dân nói lên tiếng nói, cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói chung và địa phương Lâm Đồng nói riêng đưa ra những quyết sách quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 
8 giờ
 
Tại khu vực Thánh Mẫu, phường 7, TP. Đà Lạt, việc đi bầu cử tại đây, được các gia đình chia thành 2 ca. Một nửa, như thường lệ vẫn ra vườn để sản xuất, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Người già và lớp trẻ được đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân trước, sau đó về cơm nước để các thành viên khác trong gia đình đi bầu. 
 
Bác Nguyễn Văn Sơn - một lão nông gần như cả đời đã gắn bó với rau và đất cho biết: Ngày hôm nay không khí sinh hoạt trong gia đình có một chút thay đổi. Buổi sáng, như thường lệ tôi vẫn đun ấm nước trà xanh để đám nhỏ trong nhà có nước uống trong ngày, thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên và cùng bà xã đến hội trường khu phố để bỏ phiếu. Tôi tin rằng những người mà mình lựa chọn sẽ đủ năng lực, trình độ, đủ tâm và tầm để nói lên tiếng nói của người dân, đặc biệt là giúp cho những người làm nông tại Đà Lạt như chúng tôi có được sự thay đổi về đời sống nhiều hơn nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tham gia bầu cử tại tổ bầu cử số 36 - tổ dân phố Vườn Ươm (P.5, TP. Đà Lạt). Ảnh: VÕ TRANG
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tham gia bầu cử tại tổ bầu cử số 36 - tổ dân phố Vườn Ươm
(P.5, TP. Đà Lạt). Ảnh: VÕ TRANG

8 giờ 15 phút 
 
Ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết, tính đến 21h ngày 22/5, về cơ bản công tác triển khai bầu cử đạt kết quả rất khả quan, đúng tiến độ với tỷ lệ 99,69%, tương đương 909.659 cử tri đi bầu trên tổng số 912.437 cử tri toàn tỉnh; riêng huyện Cát Tiên đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu. Công tác an ninh trật tự tại 1.183 điểm bầu cử cơ bản được đảm bảo, không có diễn biến bất thường xảy ra. Buổi chiều, mặc dù khắp các địa phương trong tỉnh có mưa vừa và mưa nhỏ nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tiến độ bầu cử. Phía Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử tỉnh chúng tôi đã cử 4 phó giám đốc - mỗi người đảm trách 3 địa phương và 15 chuyên viên bám trụ tại 12 huyện, thành phố để kịp thời hỗ trợ công tác bầu cử tại các địa phương. Mọi thông tin, số liệu đều được đảm bảo chính xác, kịp thời và có báo cáo gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử tỉnh, lãnh đạo tỉnh theo đúng tiến độ, quy trình đã đề ra.
                                          NGUYỆT THU
Khu phố nhỏ Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) nằm khép mình bên hồ dưới chân khu du lịch nổi tiếng Langbiang, sáng 22/5 không gian dường như chộn rộn hơn. Việc đi lễ nhà thờ của bà con người Lạch nơi đây cũng có nhiều xáo trộn. Lễ nhà thờ cũng được chia thành 2 ca, một nửa tập trung về trường tiểu học để tiến hành việc bỏ phiếu; nửa còn lại, sau lễ nhà thờ lại đổ về phía điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân của mình. “Tôi và con trai năm nay cũng vừa 18 tuổi đến bỏ phiếu trước, bà xã dắt theo đứa nhỏ đến nhà thờ làm lễ trước, sau đó mới đến đây thực hiện quyền cử tri. Mình rất vui vì trong các ứng cử viên của HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội cũng có rất nhiều đại biểu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Rất hy vọng họ sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con”; đó là lời chia sẻ của Da Guot Krơng - cử tri của khu phố Đan Kia.
 
Con đường mới mở từ thị trấn Lạc Dương vắt sang Đạ Sar đẹp như một bức tranh, từ thị trấn sang xã chỉ mất 20 phút chạy xe, không gian tĩnh lặng của con đường xuyên qua cửa rừng ấy dường như bị phá vỡ của rất nhiều tiếng động cơ. Xe gắn máy chở nông sản đi lại nhiều hơn, rất nhiều người từ Đạ Sar chở rau củ thương phẩm về thị trấn để nhập cho vựa và lái thương, họ đi sớm hơn ngày thường để kịp về cho việc bầu cử. Mới hơn 9h, nhưng khu vực bỏ phiếu tại Trường Tiểu học Đạ Sar chỉ còn lại những người trong tổ bầu cử, công an và đội ngũ dân quân làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, bởi 100% cử tri nơi đây đã thực hiện xong việc bỏ phiếu.
 
9 giờ
 
100% cử tri (438 cử tri) tại khu vực bỏ phiếu số 16 thuộc phường 2, TP. Đà Lạt thuộc cơ quan Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS TP. Đà Lạt, các đại đội trực thuộc, công nhân Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng đang thi công trụ sở làm việc của Bộ CHQS tỉnh đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước đó, tại tổ bầu cử thuộc Trung đoàn Bộ binh 994 - Bộ CHQS tỉnh, 100% cử tri đã hoàn thành xong việc bỏ phiếu. Lê Quốc Thắng và Đào Văn Lợi là hai chiến sĩ trẻ, lần đầu đi bầu cử đã có chung cảm xúc: Chúng tôi tin vào sự lựa chọn của bản thân mình bởi đã có thời gian nghiên cứu kỹ tiểu sử và kế hoạch hành động của các ứng cử viên.
 
11 giờ 30 phút
 
Khác với các điểm bỏ phiếu tại khu vực thành phố, đô thị, nơi người dân vẫn phải sắp xếp thời gian để việc buôn bán, kinh doanh được diễn ra theo thông lệ, đồng thời tranh thủ đến các điểm bỏ phiếu để hoàn thành quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người công dân. Người dân tại các vùng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại “rất biết cách” sắp xếp thời gian để hoàn thành việc đồng áng cũng như việc đi bỏ phiếu. 12h30, nếu như tại điểm bỏ phiếu số 79, khu vực chợ Chi Lăng, phường 9, TP. Đà Lạt cử tri vẫn tranh thủ thời gian buổi trưa xếp hàng dài đến thực hiện việc bỏ phiếu; thì trước đó 30 phút, 100% cử tri của xã nghèo Đạ P’Loa, nơi huyện cửa ngõ phía nam Đạ Huoai đã hoàn thành xong nghĩa vụ. Cùng thời điểm, cử tri tại hai xã 30a khác là Phước Lộc, Đoàn Kết của huyện Đạ Huoai cũng đã đạt đến 98% việc cử tri tham gia bầu cử. Công tác bầu cử của những xã nghèo này đã diễn ra nghiêm túc, trật tự đúng theo trình tự của Luật Bầu cử, không có ai đi bầu hộ... vượt ngoài mong đợi của những người trách nhiệm.
 
Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt nô nức tham gia bỏ phiếu - Ảnh: DUY DANH
Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt nô nức tham gia bỏ phiếu - Ảnh: DUY DANH
 
Mong mỏi phía sau ngày hội
 
Chờ đợi, mong mỏi và kỳ vọng là những gì ngắn nhất để nói lên tâm tư của người dân Lâm Đồng trong và sau ngày bầu cử. Không phải là những gì vĩ mô, những trượt giá, những suy thoái, biến động kinh tế toàn cầu..., mà điều người dân cần là những gì rất gần, gần với cuộc sống cơm áo của họ. “Tôi mong những người trúng cử sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của bà con người đồng bào DTTS. Đó là, việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường của các em sinh viên; là vấn đề giá cả nông sản hiện nay, việc đầu tư con giống, phân bón ngày càng tăng nhưng giá cả lại bấp bênh nên đời sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; thêm vào đó, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của những người cao tuổi, tàn tật, qua đó giúp họ có được cuộc sống ổn định hơn”, bà Nai Lim - thôn Labouye (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) tâm sự trong ngày đi bỏ phiếu.
 
Xa hơn nữa, dưới chân đỉnh Bù Xa Lu Xiên, anh hùng Điểu Thị Năm Lôi - thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên chia sẻ thẳng thắn: “Tôi cũng như nhiều người dân khác, mong muốn những người trúng cử sẽ đem hết năng lực và trí tuệ của mình để phục vụ bà con, quan tâm đến đời sống bà con nhiều hơn nữa, nhất là bà con DTTS vùng sâu, vùng xa”.
 
“Lá phiếu và niềm tin”, đó là mong muốn, gửi gắm của người dân trong ngày bầu cử, ngày hội của non sông. Hay gần hơn như ước nguyện của anh Phạm Ngọc Nguyên - một nông dân, một cử tri tận cuối thôn Kala Tân Gu (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh): Tôi và bà con muốn gì ở các ứng cử viên ư? Tôi muốn họ xem cử tri, những người đi bầu cho họ là người thân trong gia đình. Đơn giản chỉ là vậy, họ sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân.
 
ĐẶNG TUẤN LINH