Không phát triển công nghiệp bằng mọi giá

08:07, 25/07/2016

Ngày 22/7, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. 

Ngày 22/7, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX của tỉnh xác định, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một trong năm khâu đột phá trong định hướng phát triển của địa phương. Cụ thể hóa mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. Qua 5 năm triển khai thực hiện, với quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đã đạt kế hoạch đề ra.
 
Cụ thể, ngành công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng bình quân 22,5%, chiếm tỷ trọng 26,6% trong cơ cấu kinh tế, với các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra như đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.310 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010, tăng gần 3 lần so với mục tiêu của Nghị quyết. 98,4% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện, trong khi đó mục tiêu của Nghị quyết là 98%. Tỷ lệ lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Lộc Sơn đạt trên 64% và Khu công nghiệp Phú Hội đạt 89%; Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú đang lập thủ tục thống nhất ranh giới quy hoạch để thu hút đầu tư. Riêng đối với đề án dạy nghề, tạo việc làm  trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, đã có 10.300  học viên được đào tạo nghề mỗi năm, so với mục tiêu của Nghị quyết từ 7.500 - 8.000 người/năm... 
 
Cùng với việc đánh giá những kết quả đạt được, hội nghị cũng dành thời gian để nêu lên những tồn tại, hạn chế còn gặp phải trong thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, như Lâm Đồng là địa phương có khoảng cách khá xa về địa lý với các cảng biển và thị trường tiêu thụ nên chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ khá cao, ít có lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Việc khủng hoảng tài chính và biến động giá cả của thị trường, thời tiết không thuận lợi… đã tác động lớn đến các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất. 
 
Kết thúc cuộc họp trực tuyến, đồng chí Trần Đức Quận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo hoạt động về hiện trạng và định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Lâm Đồng. Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nền công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Lâm Đồng vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết như tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp, hệ thống xử lý rác thải, nước thải chưa hoàn thiện, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa làm dứt điểm dẫn tới chậm trễ trong phát triển khu, cụm công nghiệp. Hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết doanh nghiệp, nhất là tại thị trường nước ngoài còn chưa hiệu quả. Công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư của nhà nước cho công nghiệp còn hạn chế và thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp, khiến doanh nghiệp ngần ngại.
 
Với mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh, phù hợp với các ngành du lịch, dịch vụ, phát triển nông thôn; trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh cải cách hành chính. Quan điểm nhất quán của Lâm Đồng là không phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bằng mọi giá, phát triển phải đi đôi với giữ gìn môi trường, bảo vệ chất lượng sống cho nhân dân.    
 
D.Q