Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng

08:12, 29/12/2016

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị khẳng định: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức có vị trí, vai trò như thế nào trong xã hội và đời sống của mỗi người? 
 
Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, nếu không có đạo đức làm nền tảng, làm cái căn bản thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vai trò sức mạnh của đạo đức được Bác nhìn nhận trên các bình diện: Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Sự nghiệp cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, làm cho người Việt Nam từ nghèo đói trở nên đủ ăn, từ đủ ăn trở nên khá, từ khá trở nên giàu có và giàu thì càng giàu thêm. Sự nghiệp đó rất cao cả và nhân văn, đòi hỏi phải có những phẩm chất tương ứng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là tiêu chí đánh giá sự văn minh, cao thượng của xã hội, con người. Người có đạo đức là người cao thượng; một dân tộc, mặc dù kinh tế còn lạc hậu, nhưng có được đạo đức cần, kiệm, liêm, chính thì vẫn xứng đáng là một dân tộc văn minh. Đạo đức giúp cho con người luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh làm người trong mọi hoàn cảnh, không dễ bị thay đổi trước những xoay vần, biến thiên của thời cuộc. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc sống. Trong mối quan hệ giữa đạo đức và trí tuệ, đức và tài, Người đã nêu một quan điểm lớn: Phải có đức để đi đến cái trí. Khi đã có cái trí, thì cái đức chính là cái đảm bảo cho người cách mạng giữ vững chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã chấp nhận và đã đi theo. 
 
Trong quan niệm của Bác, cấu trúc nhân cách bao gồm hai mặt: đạo đức và tài năng, phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên. Trong đó, Người xác định đạo đức, phẩm chất, hồng là gốc, là nền tảng, nhưng điều đó không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phải đi đôi, không thể có mặt này, thiếu mặt kia. Về vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”, “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”.
 
Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng thật trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Bác thường nhắc lại ý của V.I. Lênin: Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. 
 
Vấn đề đạo đức được Người đề cập đến một cách toàn diện. Bác nêu yêu cầu đạo đức đối với giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội, trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong mọi phạm vi, từ gia đình đến xã hội, trong cả ba mối quan hệ của con người: đối với mình, đối với người, đối với việc. Tư tưởng của Hồ Chí Minh đặc biệt được mở rộng trong lĩnh vực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Trong Di chúc bất hủ, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”!
 
LAN HỒ