Xây dựng phong cách nữ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ

08:01, 16/01/2018

Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ" trong phụ nữ CAND Lâm Ðồng đã được triển khai sâu rộng góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ CAND trong việc xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế, tác phong chuẩn mực, ứng xử văn hóa, văn minh.

Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân (CAND) bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ” trong phụ nữ CAND Lâm Ðồng đã được triển khai sâu rộng góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ CAND trong việc xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế, tác phong chuẩn mực, ứng xử văn hóa, văn minh.
 
Nữ cán bộ, chiến sĩ - hội viên phụ nữ Công an tỉnh tổ chức khui heo đất sau 1 năm tiết kiệm để giúp các hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: D.Hiền
Nữ cán bộ, chiến sĩ - hội viên phụ nữ Công an tỉnh tổ chức khui heo đất sau 1 năm tiết kiệm để giúp
các hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: D.Hiền

Chị Nguyễn Thị Hải Tú, công tác ở Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA 72) cho biết: “Trước khi vào ngành Công an, tôi đã làm việc qua 4 công ty và 15 năm làm công việc chăm sóc khách hàng. Tôi nhận thấy đối tượng khách hàng của mỗi công ty khác nhau nhưng có một điểm chung là trách nhiệm của tôi phải làm sao đem đến sự hài lòng cho khách hàng và tạo được uy tín của công ty trên thị trường. Khi về công tác ở  Phòng PA 72, thông qua việc tiếp xúc với nhân dân, người nước ngoài, càng ngày tôi càng nhận thấy việc phục vụ nhân dân khi là một nữ CAND khác hẳn một nhân viên ngoài ngành. Công việc ở đây đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đặt lợi ích nhân dân trên hết và rộng hơn là giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đầu năm 2017, Cuộc vận động Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ được triển khai trong toàn ngành. Qua tìm hiểu nội dung của cuộc vận động và áp dụng thực tiễn vào công việc, tôi nhận ra được nhiều điều bổ ích”.
 
Cũng theo chị Nguyễn Thị Hải Tú, trong công tác tiếp dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đều có thái độ làm việc nghiêm túc, lịch sự, lễ phép với nhân dân, với các cơ quan, ban, ngành, người nước ngoài đến liên hệ công tác đều được phục vụ chu đáo, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế. Qua quá trình công tác, chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh tích cực của một số trường hợp người dân và người nước ngoài khen ngợi về phong cách làm việc của CBCS Phòng PA 72. 
 
Việc đặt hòm thư góp ý, công khai danh sách, số điện thoại của lãnh đạo đơn vị để tiếp nhận thông tin, kịp thời giải đáp thắc mắc, kiến nghị của nhân dân, công khai các thủ tục hành chính, các quy định của Chính phủ, Bộ Công an trong lĩnh vực xuất nhập cảnh (XNC), các trang Web về thủ tục hành chính tại Bộ Công an, Cục Quản lý XNC, Bộ Ngoại giao… tại trụ sở làm việc được thực hiện nghiêm túc và không ngừng cập nhật, đảm bảo tính minh bạch và dân chủ, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện việc giám sát, phản ánh và góp ý. Việc giải quyết thủ tục XNC cho người nước ngoài tại sân bay Liên Khương là công việc mới, đòi hỏi CBCS phải cố gắng gấp đôi bình thường do phải di chuyển xa hàng ngày, thức đêm liên tục, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng CBCS vẫn đang cố gắng làm việc hiệu quả, không ngừng cải thiện quy trình để cho khách du lịch đến địa phương qua cửa khẩu được nhanh chóng và thuận tiện. Từ thời gian giải quyết 2 giờ đồng hồ cho một chuyến bay, nay đã giảm còn 45 phút thủ tục cho một chuyến bay. 
 
Hưởng ứng cuộc vận động, CBCS Hội phụ nữ cơ sở Cảnh sát nhân dân 6 (PNCS CSND 6) không ngừng rèn luyện bản lĩnh để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thụ lý điều tra các vụ án về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo báo cáo của Hội PNCS CSND 6, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chủ yếu là huy động vốn qua hình thức chơi huê, hụi hay vay mượn dưới dạng hợp đồng, thế chấp… sau đó dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Có những vụ thiệt hại lên đến vài chục tỷ gây chú ý trong dư luận, tạo tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này rất phức tạp và khó khăn, đối tượng phạm tội phần lớn là nữ giới (chiếm 70%) với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Mặt khác, các quy định của pháp luật hình sự hiện nay quy định về yếu tố cấu thành đối với loại tội phạm này có những kẽ hở lớn, ranh giới giữa dân sự và hình sự rất mong manh, khó phân định, dễ nhầm lẫn… Quá trình giải quyết tin báo cũng như điều tra các vụ án loại này, điều tra viên (nhất là nữ) thường dễ bị tác động từ nhiều phía vì các đối tượng có nhiều mối quan hệ, liên quan đến tài sản. Hơn nữa, do những bất cập, khó khăn, vướng mắc đó, nếu điều tra viên không giữ vững bản lĩnh, đạo đức, vững vàng về nghiệp vụ thì dễ bị các đối tượng dùng lợi ích vật chất để mua chuộc, tha hóa, biến chất, từ đó làm sai lệch hồ sơ vụ án, “hình sự hóa” quan hệ dân sự hoặc “dân sự hóa” quan hệ hình sự làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và tài sản của công dân. 
 
Hội Phụ nữ Công an Đà Lạt cũng đang triển khai sâu rộng cuộc vận động này. Hội hiện có 58 cán bộ, hội viên phụ nữ đang công tác tại 25 đơn vị đầu mối, các chị có mặt ở hầu hết các lĩnh vực công tác như: tiếp dân, hậu cần, tham mưu, giao thông, nhiều chị em trực tiếp tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự… Hội đã triển khai nhiều mô hình, phần việc tốt như: “Chuyển trả CMND, hộ khẩu đến nơi cư trú của công dân”, “Cấp phát CMND, hộ khẩu tại các địa bàn vùng xa”, “Tiếp dân ngày thứ bảy”… Đặc biệt, trong những năm qua, Hội Phụ nữ Công an Đà Lạt đảm nhận việc tổ chức cấp CMND lưu động tại các trường học, các xã, phường vùng ven xa trung tâm thành phố vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, mỗi quý tổ chức 2 đợt và làm CMND tại nhà cho người già, yếu, neo đơn, bệnh tật không có khả năng đi lại. Qua 5 năm thực hiện, Hội đã tiếp nhận trên 7.641 hồ sơ làm CMND lưu động, làm CMND tại nhà cho 1.271 người già yếu, bệnh tật, neo đơn. Với 80% hội viên phụ nữ đảm nhận công tác tiếp dân, Hội Phụ nữ Công an Đà Lạt xác định để đi đầu trong thực hiện cuộc vận động thì chị em phải làm tốt công tác tiếp dân, vì dân phục vụ, trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, kiến nghị và loại bỏ nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân trên các lĩnh vực: cấp, đổi giấy CMND, sổ hộ khẩu, đăng ký quản lý cư trú; đăng ký quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả việc đăng ký, quản lý lưu trú qua mạng internet.
 
Với tinh thần nhân văn, hàng năm Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện, phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, trong dịp 20/10/2017, Hội đã tổ chức khui heo đất với số tiền thu được gần 40.500.000 đồng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
 
AN NHIÊN