Góp ý Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

02:09, 06/09/2019

(LĐ online) - Sáng ngày 6/9/2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, góp ý Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

(LĐ online) - Sáng ngày 6/9/2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, góp ý Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng. Đại diện HĐND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các sở: Nội vụ, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục, Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Viện Kiểm sát, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, UBND thành phố Đà Lạt… cùng tham dự góp ý luật.
 
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Luật
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Luật
 
Đa số ý kiến đại biểu quốc hội tán thành với quy định trong Dự thảo Luật về đối tượng là công chức, bên cạnh đó có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ như quy định hiện hành về nội dung này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chỉnh lý khái niệm “công chức” bao hàm cả đối tượng là công chức cấp xã để không có sự phân biệt giữa công chức từ cấp huyện trở lên với công chức cấp xã và phục vụ cho việc liên thông. 
 
Cũng có ý kiến cho rằng để đảm bảo quy định được đầy đủ, đề nghị có quy định về thẩm quyền tổ chức thi, xét nâng ngạch trong các cơ quan nhà nước bằng cách kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật hiện hành, và có chỉnh lý như sau: “Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức trong các cơ quan nhà nước”. 
 
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung về thời điểm đánh giá công chức theo đánh giá hằng năm; đánh giá trước khi thực hiện xét nâng ngạch, nâng lương, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá trước khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái... 
 
Về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được triển khai thực hiện trong hơn 03 năm, nhưng để cụ thể hóa kịp thời Nghị quyết của Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật, nhiều ý kiến này tỏ sự tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cần thiết, làm cơ sở pháp lý hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của từng tổ chức hành chính theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian…
 
Tuy nhiên, trong lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước là quá hẹp. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật để quy định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc sáp nhập một số cơ quan nhà nước với một số cơ quan của Đảng (đang thực hiện thí điểm); bổ sung quy định về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung các quy định về  thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, đổi mới phương thức làm việc… cũng rất cấp thiết mà không chờ sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
 
Các ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tới.
 
NGUYỆT THU