Chất vấn nhiều vấn đề ''nóng'' mà cử tri quan tâm

12:12, 07/12/2019

(LĐ online) - Sáng 7/12, tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX, các đại biểu đã tiến hành chất vấn lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến nhiều vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm. 

(LĐ online) - Sáng 7/12, tiếp tục chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX, các đại biểu đã tiến hành chất vấn lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm. 
 
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX

Trước khi phiên chất vấn diễn ra, thư ký kỳ họp đã thông qua các ý kiến thảo luận tổ vào chiều 6/12 về những nội dung quan trọng trình kỳ họp. Đã có 41 lượt ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận. Đa số các ý kiến thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và kết quả đạt được trong năm 2019 và nhiệm vụ giải pháp năm 2020. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã nêu lên những hạn chế, tồn tại và kiến nghị HĐND tỉnh về các vấn đề ở các địa phương như tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra nên người dân không yên tâm sản xuất, đề nghị tỉnh cần có chỉ đạo điều hành trong quy hoạch các loại giống hoa, phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Hiện nay, việc nuôi chim yến nhằm tăng thu nhập là cần thiết của người dân, tuy nhiên, đề nghị tỉnh nên có chỉ đạo các ngành liên quan có quy hoạch và hướng dẫn cụ thể. Về lĩnh vực đầu tư, đại biểu nêu ý kiến hiện nay tình trạng một số doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhưng không hiệu quả hoặc không sử dụng đúng mục đích gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự.
 
Chất vấn và trả lời chất vấn
 
Đại biểu Đoàn Đà Lạt chất vấn về vấn đề ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn khu vực Đan Kia – Suối Vàng, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian cụ thể để khắc phục tồn tại trên, nhằm đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ người dân TP Đà Lạt?
 
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường giải trình: “Công tác quản lý nguồn nước Đan Kia - Suối Vàng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tài nguyên, xây dựng, nông nghiêp, UBND các huyện… Trong đó, trước tiên là công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ sớm phối hợp triển khai khắc phục tình trạng trên. Về cơ bản, chất lượng nguồn nước vẫn đảm bảo cung cấp cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện kiểm tra việc thu gom, xử lý rác thải và xác định các vị trí có thể gây ô nhiễm. Ở khu vực huyện Lạc Dương đang cho xây dựng khu vực hồ lắng, cho phép làm hồ thượng nguồn khu vực Suối Vàng để đảm bảo nguồn nước phục vụ nhân dân tốt nhất. Tỉnh cũng đã tham khảo mô hình xử lý rác hiệu quả trong cả nước với những công nghệ hiện đại nhất và dự kiến sẽ áp dụng trong thời gian sớm nhất để bước đầu giải quyết tồn đọng rác thải, hạn chế mức thấp nhất ô nhiễm môi trường và nguồn nước”.
 
Đại biểu Cấn Kim Khôi – Đạ Huoai
Đại biểu Cấn Kim Khôi – Đạ Huoai

Đại biểu Cấn Kim Khôi - Đoàn Đạ Huoai chất vấn lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung liên quan đến sầu riêng - cây ăn quả chủ lực của huyện Đạ Huoai. Theo ông Khôi, để phát triển cây sầu riêng cần nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố quan trọng là thị trường tiêu thụ và công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành nông nghiệp, lãnh đạo Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ đưa sầu riêng vào danh sách nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc hay chưa? Lộ trình kêu gọi doanh nghiệp tham gia chế biến, bảo quản sầu riêng sau thu hoạch đã được ngành quan tâm đến đâu? 
 
Đại biểu Ngô Xuân Hiển – Cát Tiên nêu ý kiến chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu Ngô Xuân Hiển – Cát Tiên nêu ý kiến chất vấn tại kỳ họp

Một số đại biểu khác chất vấn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công nghệ phun xịt thuốc trừ sâu bệnh trên cây trồng, công tác phân định đất nông – lâm hiện nay?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời nội dung chất vấn: “Hiện nay, Sở đang báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nhập khẩu giống tằm và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhưng đang chờ quyết định. Sở đang hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất và thu mua theo công nghệ mới hiện đại, phù hợp với địa phương; hướng dẫn người dân đăng ký các sản phẩm thương hiệu an toàn, có chỉ dẫn địa lý, có truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng. Về quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Lâm Đồng có 11/12 huyện, thành phố có quyết định phân định ranh giới cho chủ rừng, chỉ còn huyện Di Linh chưa hoàn thiện.
 
Liên quan đến các nội dung thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Công thương và Sở Lao Động Thương binh và Xã hội, các đại biểu chất vấn về vấn đề công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; tình trạng người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng (toàn tỉnh có khoảng 2.445 người nghiện ma túy, tăng 296 người so với năm 2018) nhưng biện pháp cai nghiện tại nhà và cộng đồng vẫn còn hạn chế, vậy giải pháp trong thời gian tới về lĩnh vực này là gì? 
 
Ông Phạm Thanh Quan - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Ông Phạm Thanh Quan - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Giám đốc Sở Công thương và Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp thu ý kiến và có nêu ra những giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ kịp thời để người dân và cộng đồng cùng tham gia phối hợp, nhằm hạn chế người nghiện ma túy và cùng phối hợp hiệu quả cai nghiện tại nhà. Công tác chế biến nông sản và bảo quản sau thu hoạch đang được Sở Công thương tham mưu, đề xuất tỉnh cho triển khai dự án phù hợp.
 
Có đại biểu chất vấn về nạn tín dụng đen quảng cáo rầm rộ, nhất là vào dịp gần tết Nguyên đán với nội dung không cần thế chấp tài sản khiến nhiều người dân mắc bẫy. Sau đó, nhóm xã hội đen đi đòi nợ kiểu xã hội đen, đe dọa, uy hiếp người dân gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội. 
 
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng trả lời: “Đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố 17 vụ với 143 đối tượng liên quan đến cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích liên quan đến cho vay với lãi suất nặng. Phía cơ quan chuyên môn sẽ có những giải pháp đồng bộ, tập trung củng cố các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm răn đe, hạn chế mức thấp nhất những tác động xấu của tín dụng đen và cho vay nặng lãi, gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và không xa vào nạn tín dụng đen. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội có cơ chế ưu đãi cho người dân vay vốn, hạn chế việc người dân lao vào tín dụng đen và để lại hậu quả khôn lường”. 
 
Đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt tiếp thu ý kiến đại biểu
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt tiếp thu ý kiến đại biểu

Sau khi lắng nghe chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu, báo cáo những kết quả nổi bật trong năm 2019 và đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp trong công tác điều hành trong năm 2020. 
 
Năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt 8,5% (KH 8,5 - 9%), đây là mức tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước (cả nước tăng trưởng ước đạt 6,8%).
 
Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tuy chịu ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng xảy ra trên đàn lợn và đàn trâu bò, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 5,3% (KH 5 - 5,5%). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích bình quân ước đạt 173 triệu đồng/ha. 
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đến ngày 31/12/2019 đạt 8.298 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán địa phương, tăng 15% so với năm 2018. Trong đó, thu từ thuế, phí 5.250 tỷ, đạt 100% dự toán địa phương, tăng 18,3% so với năm 2018.
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đến cuối năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã có 99/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 85% tổng số xã và tăng 12 xã so với năm 2018. Lâm Đồng sau 10 năm thực hiện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất, là một trong 9 địa phương cả nước được vinh dự này. Đây cũng là phần thưởng đáng vui mừng trước sự đồng lòng quyết tâm của cả Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại hạn chế. Đó là: Trên lĩnh vực nông nghiệp, giá một số nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; việc hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Tình hình dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp ảnh hưởng chung đến giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
 
Mặc dù số vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng giảm so cùng kỳ 2018, tuy nhiên, vi phạm lại diễn biến rất phức tạp với tình trạng ken cây, phá rừng, san ủi, hủy hoại rừng tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Bảo Lâm. Công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, có cả tình trạng tiếp tay, bao che để vi phạm xảy ra.
 
Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch tuy có chuyển biến song chưa cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo để thu hút du khách. Hệ thống khách sạn cao cấp chiếm tỷ lệ thấp, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao của tỉnh. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh lưu trú với quy mô nhỏ, hộ gia đình “homestay” phát triển nhanh nhưng chưa đảm bảo về chất lượng lưu trú theo hướng chất lượng cao,… Các hành vi chèo kéo khách du lịch gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến việc khai thác, thu hút khách đến địa phương.
 
Năm 2020 là năm cuối và có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định năm 2020 là "Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X"; đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. 
 
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh cũng đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực đề nghị từng ngành, địa phương, từng cơ quan, đơn vị và nhất là người đứng đầu khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đề ra biện pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. 
 
NGUYỆT THU – VĂN BÁU