Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị

05:01, 06/01/2020

Ngày 3/1, tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo trong BTV Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW...

Ngày 3/1/2020, tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo trong BTV Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc, tại Lâm Đồng ngoài điểm cầu Đà Lạt, còn có 12 huyện, thành phố cũng như Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh được kết nối trực tiếp.
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy tham dự cuộc họp.
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy tham dự cuộc họp.
 
Trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 là để nước ta phát huy, khai thác những lợi thế, đồng thời là cơ hội để nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, hiệu quả hơn; đời sống Nhân dân được nâng cao nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.
 
Mặc dù chỉ trong gần 2 giờ đồng hồ báo cáo, nhưng đồng chí Cao Đức Phát đã làm rõ nội hàm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực trạng, nguyên nhân; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và một số chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cuộc cách mạng này. 
 
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Cuộc cách mạng 4.0 không phải bây giờ mới đặt ra mà trong thực tiễn đã được triển khai và có sự phát triển nhất định.
 
Nổi bật nhất, đó là cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ; điện thoại di động phủ sóng tới 99,7% dân số. Kinh tế số đã hình thành, phát triển nhanh và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế.
 
Đặc biệt công nghệ số không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực truyền hình, di động mà trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục... như trong nông nghiệp đã áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, gắn chíp theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, đặc tính của đất, tạo môi trường sống tốt cho thực vật hoặc trong chăn nuôi được giám sát, theo dõi hoàn toàn tự động.
 
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là chính sách còn nhiều bất cập. Sự chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp còn thấp; theo thống kê của Bộ Công thương, hiện còn 81% doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận công nghệ số. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức và ngày càng lớn hơn. 
 
Nghị quyết số 52-NQ/TW đã đề ra 4 quan điểm lớn và 8 nhóm giải pháp. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đáng quan tâm, đó là phải chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội, cũng là thách thức yêu cầu các doanh nghiệp phải năm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
 
Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
 
Về nhiệm vụ và giải pháp: Điều đặc biệt quan tâm hàng đầu đó là nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực, có hiệu quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
 
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa cũng vô cùng quan trọng, đó là phải nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế lẫn xã hội; bảo đảm an toàn tất cả lĩnh vực trên không gian mạng.
 
Ngoài ra, cần có chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên, như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế, giáo dục đào tạo thông minh.
 
Nhấn mạnh đến yếu tố nguồn nhân lực, đồng chí Cao Đức Phát cũng đã đề cập sâu đến nhiệm vụ và giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết 52-NQ/TW thông qua việc đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, đáng quan tâm nữa, đó là yêu cầu các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương tiên phong thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ, bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
 
Tại Lâm Đồng, việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Hệ thống chính quyền điện tử cũng được kết nối thông suốt từ tỉnh đến các địa phương, tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ chế liên thông một cửa. TP Đà Lạt, trung tâm văn hóa, kinh tế - chính trị của tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thiện các chương trình để có thể trở thành thành phố thông minh vào năm 2025. Sự tiếp cận và thích nghi nhanh chóng cũng như áp dụng kịp thời các nền tảng số thông minh đã giúp cho Đà Lạt và một số địa phương có được sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt là ở những thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp và du lịch.
 
LAM ANH