Bí thư Chi bộ người Nùng và niềm tin trên miền đất mới

06:09, 21/09/2020

10 năm, 4 kỳ đại hội, giữa vùng đất của đa phần người DTTS gốc Tây Nguyên, có một Bí thư Chi bộ người Nùng vẫn được bà con đặt niềm tin trọn vẹn.

10 năm, 4 kỳ đại hội, giữa vùng đất của đa phần người DTTS gốc Tây Nguyên, có một Bí thư Chi bộ người Nùng vẫn được bà con đặt niềm tin trọn vẹn.
 
Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền (Bìa trái) trong vườn chuối Laba rộng gần 1,5 ha
Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền (Bìa trái) trong vườn chuối Laba rộng gần 1,5 ha
 
Thôn Pretieng II, mảnh đất tận cùng phía Tây Bắc của huyện Lâm Hà có gần 300 nóc nhà đa phần của bà con người DTTS gốc Tây Nguyên. Trong đó, chỉ có lác đác vài ngôi nhà của người Nùng từ Tây Bắc xa xôi vào sinh sống trên mảnh đất này gần 30 năm về trước. Trong số đó có Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền.
 
Ông Lâm Xuân Quyền năm nay đã 58 tuổi, nhưng hơn 28 năm ông và các anh em của mình theo cha vào sinh sống ở Pretieng II, xã Phú Sơn. Cũng như những người xa quê khác, cuộc sống của đại gia đình ông Quyền thời điểm ấy là những chuỗi ngày khó khăn. Ông Quyền cùng vợ cần mẫn trồng khoai, trỉa bắp để có đủ cái ăn nuôi 3 con nhỏ khôn lớn. Và sau này họ học người bản địa trồng cà phê tạo sinh kế. Vốn là người có trình độ, hiểu biết, lại cộng thêm sức trẻ và sự năng động, năm 2001 ông bắt đầu tham gia công tác trong thôn. Sau nhiều năm hoạt động tích cực, năng nổ, được bà con trong thôn tin tưởng và lãnh đạo xã nhìn nhận, năm 2007 ông Lâm Xuân Quyền được kết nạp đảng. 3 năm sau, với những nỗ lực không mệt mỏi của mình ông Quyền được các đảng viên trong thôn bầu làm Bí thư Chi bộ.
 
Chi bộ thôn Pretieng II hiện nay có 9 đảng viên. Trong đó, có 3 đảng viên người DTTS.
 
“Để vận động bà con làm kinh tế, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngoài việc mình gương mẫu đi đầu còn phải vận động, giúp đỡ để đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng bào DTTS thực hiện tốt. Có như vậy mới đủ sức thuyết phục bà con”, Bí thư Lâm Xuân Quyền nói. Và mỗi lần có việc trong thôn, Bí thư Lâm Xuân Quyền luôn kết hợp chặt chẽ với cán bộ thôn là đồng bào DTTS, để thông qua họ, những nội dung mà ông, chi bộ hay thôn muốn truyền đạt được chuyển tải dễ dàng hơn. 
 
Đã 4 kỳ đại hội chi bộ diễn ra, ở kỳ thứ 3, thứ 4, nhận thấy lớp trẻ cũng đã được bồi dưỡng đủ năng lực đảm đương vị trí bí thư chi bộ, Bí thư Lâm Xuân Quyền đã nhiều lần đề xuất người thay thế, nhưng lòng tin của bà con, của đảng viên và cả chính quyền địa phương đặt ở vị Bí thư Chi bộ người Nùng còn quá nhiều. Bởi suốt 10 năm qua, ông không chỉ luôn hoàn thành trọng trách của người đảng viên, người bí thư chi bộ, mà ở Phú Sơn người ta còn biết tới ông như một lão nông giỏi. Ông luôn đi đầu trong các phong trào sản xuất, đặc biệt, những mô hình cây trồng, vật nuôi của gia đình ông Quyền luôn là điển hình để bà con học tập. Từ những ngày khó khăn trồng để ăn đủ no ban đầu, nay gia đình ông Quyền đã có hơn 2 ha cà phê ghép cho năng suất cao, hơn 3 ha sầu riêng đã cho thu bói và gần 1,5 ha chuối xuất khẩu. Ông Lâm Xuân Quyền bảo rằng: “Với tình hình thị trường như hiện nay, sản xuất đa canh là lựa chọn an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế. Lấy loại cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày như vậy sẽ không tạo áp lực cho nông dân trong sản xuất”. Hiện tại, ngoài nguồn cà phê cho thu ổn định, diện tích chuối của gia đình ông Quyền dự kiến sẽ cho thu vào cuối năm nay. Toàn bộ lượng chuối trên ông đã ký kết hợp tác sản xuất với Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông) để xuất đi Nhật Bản. Bởi vậy, mọi quy trình sản xuất đều được ông tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo chất lượng chuối cao nhất. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, gia đình Bí thư Lâm Xuân Quyền cũng không ngại ngần hỗ trợ bà con nhất là về kỹ thuật trong sản xuất, nhằm giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Có lẽ chính vì vậy mà bà con thôn Pretieng II đặt trọn niềm tin ở người Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền. 
 
Không chỉ cần mẫn chăm lo việc nhà, hết lòng với việc Chi bộ, Bí thư Lâm Xuân Quyền còn rất tâm huyết với việc vận động học sinh DTTS gốc Tây Nguyên tới trường. Ông có thể nói tiếng của họ không giỏi, nhưng ông nghe được. Với ngôn ngữ và cả trái tim của mình Bí thư Lâm Xuân Quyền bảo với bà con rằng: “Mình đã khổ rồi, gắng cho con cái học hành biết chữ để đọc được sách dạy chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có học thì chúng nó mới biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vậy mới mong chúng đỡ khổ hơn mình. Nếu chúng bỏ học thì đời con, đời cháu mình còn khổ dài dài”. Và suốt nhiều năm nay, cùng với già làng K’Bông, các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS R’Tieng, Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền luôn có mặt trong đoàn vận động học sinh ra lớp. 
 
Mặc dù rời xa quê hương Tây Bắc đã gần 30 năm, nhưng ông Lâm Xuân Quyền vẫn dựng ngôi nhà sàn trên đất nhà để sinh sống. Ông bảo rằng, nhà sàn và rừng là hai điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Nùng. Cũng bởi lý do đó mà suốt từ năm 1992 đến nay, gia đình ông Quyền đã giữ gìn gần 5 ha rừng sát cạnh nhà xanh tốt. 
 
“Ngót nghét 30 năm sinh sống ở mảnh đất này và tròn 20 năm công tác ở thôn, nơi đây là nhà, là quê hương của mình rồi. Tâm huyết mình dành cho thôn, xóm, bà con đều biết hết. Mình nói được, làm được thì bà con sẽ tin mình thôi”, Bí thư Chi bộ Lâm Xuân Quyền tâm sự.
 
HOÀNG MY