Thi đua là động lực để phát triển

05:09, 09/09/2020

Nhân Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI, Báo Lâm Đồng đã có dịp phỏng vấn đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Nhân Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI, Báo Lâm Đồng đã có dịp phỏng vấn đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong 5 năm vừa qua (2015 - 2020) và phương hướng trong thời gian đến.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt.  Ảnh: Văn Báu
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt. Ảnh: Văn Báu
PV: Kính thưa đồng chí Chủ tịch! Theo đồng chí, đâu là những thành công chính trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong giai đoạn 5 năm (2015-2020) vừa qua? 
 
ĐỒNG CHÍ ĐOÀN VĂN VIỆT: Trong 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng xác định thi đua là biện pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã có tác dụng động viên, khơi dậy, giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, giàu lòng nhân ái, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tính cần cù, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tạo động lực mới, nhân tố mới trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh việc thực hiện tốt các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động như phong trào “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cùng cả nước, doanh nghiệp Lâm Đồng hội nhập và phát triển”; phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…; phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quan trọng vào việc nỗ lực thực hiện hoàn thành và vượt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
 
Điển hình như phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng đã có những thành công vượt bậc. Đến nay diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 60.200 ha, chiếm 20% diện tích canh tác, giá trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất toàn ngành. Lâm Đồng là tỉnh tiếp tục dẫn đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng/ha so với năm 2015. Tỉnh Lâm Đồng có 2 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng) được công nhận huyện nông thôn mới; 2 thành phố: Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Ban Chỉ đạo nông thôn mới Trung ương thẩm định; có 95 xã (chiếm 85,6% số xã trong toàn tỉnh) được công nhận nông thôn mới; có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn được công nhận nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng cao hơn 1,63 lần mức bình quân chung của cả nước.
 
Hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của tỉnh như: công nghiệp - xây dựng; thương mại du lịch; dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông; tài chính - ngân hàng, đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư; giáo dục, y tế, giảm nghèo... đều có những điểm sáng rất đáng biểu dương. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, ngành Y tế đã tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” theo phương châm “Chống dịch như chống giặc” với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”. Lâm Đồng là 1 trong 22 địa phương đến nay chưa có ca dương tính với COVID-19... Phong trào thi đua trong Khối các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, lực lượng vũ trang được phát động rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.
 
- Công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức cũng như đổi mới nội dung, hình thức. Phong trào thi đua đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tập thể và cá nhân, đã phát huy có hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua lao động, sản xuất và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
- Công tác khen thưởng được quan tâm đúng mức, các tập thể, cá nhân được biểu dương đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Hoạt động các cụm, khối thi đua được duy trì đi vào nề nếp. Việc ban hành các văn bản về thi đua - khen thưởng tại địa phương đã thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua - khen thưởng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Chính sách và những quy định về thi đua - khen thưởng được sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện công tác thi đua - khen thưởng.
 
- Công tác kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua được thực hiện thường xuyên; kịp thời lựa chọn các tập thể, cá nhân thật sự có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng. Công tác khen thưởng đúng quy trình, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch và kịp thời; chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh,... Chất lượng thi đua khen thưởng ngày càng được nâng lên. 
 
THÀNH TÍCH PHONG TRÀO THI ĐUA GÓP PHẦN THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KT - XH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
 
1. Lĩnh vực kinh tế
 
Toàn tỉnh thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 145/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trong đó:
 
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 8%.
 
- GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên khoảng 71 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước.
 
- Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 5 năm 2016 - 2020: ước tính đạt 35.689 tỷ đồng.
 
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm bình quân bằng 36% GDP của giai đoạn 2016 - 2020.
 
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
 
- Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn khoảng 1,35%; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 1%/năm.
 
- Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% (Nghị quyết phấn đấu đạt 78 - 80%).
 
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 76% (Nghị quyết 75 - 80%).
 
- Tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 98,6% (Nghị quyết 80%).
 
- Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 87,5% (Nghị quyết 80%).
 
3. Lĩnh vực môi trường
 
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 90% (Nghị quyết 90%).
 
- Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch 71% (Nghị quyết trên 70%).
 
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% (Nghị quyết 55%).
 
4. Về xây dựng nông thôn mới
 
- Đến giữa năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới là Đơn Dương và Đức Trọng; có 95 xã (chiếm 85,6% số xã trong toàn tỉnh) được công nhận xã nông thôn mới.

 

Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
 
PV: Xin đồng chí cho biết những tồn tại cần khắc phục trong công tác thi đua - khen thưởng hiện nay? 
 
ĐỒNG CHÍ ĐOÀN VĂN VIỆT: Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như trên, theo tôi vẫn còn một số điểm tồn tại cần được khắc phục trong thời gian đến đó là: 
 
1. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Việc cụ thể hóa chủ trương và triển khai thi hành pháp luật về thi đua - khen thưởng của một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa phù hợp và chưa sát với thực tiễn.
 
2. Phong trào thi đua phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương; một số phong trào thi đua còn mang tính hình thức, chưa toàn diện và thiếu chiều sâu; chưa thu hút được nhiều lực lượng tham gia hưởng ứng, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước; công tác khen thưởng đã có sự chú trọng đến các đối tượng là người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo… nhưng số lượng chưa nhiều...
 
3. Việc đăng ký thi đua hiện nay mới chỉ tập trung vào các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, nhiều đơn vị chưa đăng ký nội dung, tiêu chí các phong trào thi đua trọng tâm. Việc phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến đã được thực hiện nhưng công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Công tác tổ chức giao lưu, học tập các mô hình hay, trao đổi kinh nghiệm giữa các điển hình tiên tiến bước đầu đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên. Cơ quan làm công tác thi đua - khen thưởng chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, tuyên truyền điển hình tiên tiến.
 
4. Nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy trình đề nghị khen thưởng; chưa tổ chức chặt chẽ giữa việc công nhận sáng kiến với đánh giá phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Việc phổ biến sáng kiến được công nhận vào thực tiễn còn có những hạn chế nhất định.
 
5. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác thi đua - khen thưởng của các cơ quan, địa phương, đơn vị chủ yếu kiêm nhiệm, thường hay thay đổi nhân sự, chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ, nên chất lượng, năng lực tham mưu còn hạn chế.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo TP Đà Lạt thăm trang trại mô hình sản xuất rau, hoa tại xã Xuân Trường. Ảnh: Văn Báu
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo TP Đà Lạt thăm trang trại mô hình sản xuất rau, hoa tại xã Xuân Trường. Ảnh: Văn Báu
 
PV: Những nhiệm vụ chính của công tác thi đua - khen thưởng trong thời gian đến như thế nào thưa đồng chí? 
 
ĐỒNG CHÍ ĐOÀN VĂN VIỆT: Với khẩu hiệu hành động “Thi đua - Năng động - Sáng tạo - Phát triển - Bền vững”, mục tiêu chính trong 5 năm đến là thi đua xây dựng Lâm Đồng tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Nhiệm vụ chính của công tác thi đua - khen thưởng trong thời gian đến đó là:
 
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật thi đua - khen thưởng; trong đó, đặc biệt chú ý đến tính thống nhất của pháp luật về thi đua - khen thưởng với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật trên cơ sở thực tiễn địa phương. Tiếp tục học tập, nghiên cứu và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, tổ chức đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; xác định rõ vị trí, vai trò của phong trào thi đua yêu nước là động lực quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển; tổ chức thi đua “Lao động sáng tạo xã hội”; “Lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua” và “Càng khó khăn chúng ta càng phải thi đua”, tạo ra sức mạnh đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
 
2. Xây dựng kế hoạch, phát động và tổ chức phong trào thi đua trong toàn tỉnh theo định hướng phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. Phát động nhiều phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; phát triển du lịch chất lượng cao; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông... gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức các phong trào thi đua, nội dung thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch của cơ quan, tổ chức, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp, đơn vị cơ sở.
 
3. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, chú trọng đến triển khai thực hiện Đề án thí điểm với mục tiêu đến năm 2025 Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Tổ chức thực hiện các nội dung của phong trào thi đua gắn kết xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”; quan tâm, hỗ trợ các sáng tạo khởi nghiệp, các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục hội nhập và phát triển. Tổ chức các phong trào thi đua thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố kiện toàn bộ máy theo hướng nâng cao chất lượng, chấp hành kỷ cương pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ cở, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông và tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ.
 
4. Nâng cao chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua; tổ chức thảo luận, sinh hoạt cụm, khối thi đua theo từng chuyên đề; tổ chức đăng ký, ký kết thực hiện giao ước thi đua trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch với những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tạo điều kiện trao đổi, phổ biến, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đổi mới về phương thức tổ chức phong trào thi đua, coi trọng hiệu quả về phát triển bền vững do thi đua đem lại thay vì chú trọng hình thức phát động và đăng ký việc khen thưởng. Không tổ chức các phong trào thi đua dàn trải, trùng nhau và hình thức mà mỗi đơn vị phải xác định có phong trào thi đua trọng tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị.
 
5. Tiếp tục quán triệt tư tưởng của Hồ Chủ tịch về thi đua yêu nước, tổ chức các phong trào thi đua gắn kết với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tập trung tôn vinh các nhân tố điển hình tiên tiến thực sự đạt thành tích, đủ tiêu chuẩn khen thưởng và được xã hội đồng thuận; việc khen thưởng phải có tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển phong trào thi đua.
 
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2020, tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020, theo tinh thần kết luận, chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 5 năm (2015 - 2020), lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
 
TRONG 5 NĂM LÂM ĐỒNG ĐÃ KHEN THƯỞNG 
 
1. Khen thưởng cấp Nhà nước (bậc cao):
 
- Khen thưởng chính sách: Danh hiệu Vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”: 99 cá nhân. Huân chương Độc lập: 18 (17 gia đình và 1 cá nhân). Huân chương Kháng chiến chống Mỹ: 23 cán bộ, Nhân dân. Huy chương Kháng chiến (chống Pháp, chống Mỹ): 101 cán bộ, Nhân dân. Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày: 50 cá nhân.
 
- Khen thưởng thành tích KT-XH: Thầy thuốc Nhân dân: 2 cá nhân; Thầy thuốc Ưu tú: 13 cá nhân; Nhà giáo Ưu tú: 6 cá nhân; Nghệ sĩ Ưu tú: 1 cá nhân; Nghệ nhân Ưu tú: 10 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng Ba: 1 tập thể; Huân chương Lao động các hạng: 115 tập thể, cá nhân; Huân chương Đại đoàn kết: 2 cá nhân; Huân chương Dũng cảm: 1 cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ: 51; tặng tỉnh Lâm Đồng là đơn vị dẫn đầu Cụm Thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung: 1 cờ; tặng các đơn vị tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh: 50 cờ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 300 tập thể, cá nhân.
 
2. Khen thưởng của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh:
 
Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho 356 tập thể; tặng danh hiệu thi đua Tập thể Lao động xuất sắc cho 2.384 tập thể; tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 530 cá nhân. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9.807 tập thể, cá nhân; tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho 24 cán bộ, Nhân dân.
 
Cùng đó, Lâm Đồng cũng có nhiều hình thức động viên, tôn vinh khác như khen thưởng cho giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng và đoạt giải tại các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực quốc tế hoặc quốc tế trên địa bàn tỉnh. 
 
- Cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các hình thức khen thưởng khác cho các tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, hội viên…
 
-  Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã tặng giấy khen và công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến, tập thể lao động tiên tiến cho hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua yêu nước cơ sở.
 
VIẾT TRỌNG (thực hiện)