Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

11:10, 22/10/2020

(LĐ online) - Sáng 22/10, tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tham dự đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

(LĐ online) - Sáng 22/10, tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tham dự đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 
 
Các đại biểu tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Tham dự tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện các ban HĐND tỉnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; gửi xin ý kiến Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định; tổ chức một số cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện một số Đoàn ĐBQH, cơ quan, tổ chức trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính để tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo Luật. 
 
UBTVQH trình Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung, khái niệm, giải thích từ ngữ, bổ sung quy định để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thanh tra công tác xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm của chủ thể tham mưu, đề xuất để xảy ra sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính.... trong dự thảo Luật XLVPHC. 
 
Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Đa số đại biểu thống nhất với dự thảo luật đưa ra, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác nhau. 
 
ĐBQH các địa phương đã thảo luận trực tuyến về các vấn đề trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: Nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính... Các nội dung thảo luận liên quan đến biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; các trường hợp được áp dụng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính và thời hạn tạm giữ không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm…
 
Trong phiên làm việc chiều nay, các ĐBQH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật
 
NGUYỆT THU