Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI

04:05, 27/05/2021

Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gọi tắt là Chương trình hành động).

Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gọi tắt là Chương trình hành động).
 
Chương trình hành động của Tỉnh ủy Lâm Đồng thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Cụ thể: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp bền vững, toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc. Phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chủ động phòng, chống dịch bệnh. Quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Phấn đấu đến năm 2025: Là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2030: Là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách Trung ương. Đến năm 2045: Tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045 được xác định trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Chương trình hành động cũng là cơ sở để các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh xây dựng chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước, của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới theo Nghị quyết đã đề ra. 
 
Chương trình hành động đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025, gồm: 
 
- Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Quán triệt, thực hiện các chủ trương, nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế. Quy hoạch phát triển vùng, các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc. Quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
- Triển khai các đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện chính quyền số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, tạo bước đột phá phát triển KT-XH, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, thủy lợi, năng lượng, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, hạ tầng mạng viễn thông tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
 
- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người; đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội. 
 
- Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
 
- Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh, xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành khu vực phòng thủ chắc chắn. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tranh thủ tối đa nguồn lực, nguồn vốn nước ngoài phát triển các lĩnh vực lợi thế của tỉnh.
 
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân.
 
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Đổi mới, sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ và tinh giản biên chế. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt, triển khai Chương trình hành động. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Chương trình hành động này. 
 
Đảng đoàn Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
 
HÀ XUÂN