Có một loại vaccine mang tên ''đồng bào''

06:07, 29/07/2021

Trong những ngày đất nước "ốm đau", mỗi phút giây dõi theo dòng thông tin, nước mắt bao người cùng nhòe theo từng con chữ, khuôn hình trên trang báo...

Trong những ngày đất nước “ốm đau”, mỗi phút giây dõi theo dòng thông tin, nước mắt bao người cùng nhòe theo từng con chữ, khuôn hình trên trang báo. Đó là tâm trạng đầy bất an, lo lắng với những con số cứ nhảy múa từng ngày. Những con số in lên khô khốc nhưng không khác gì những tiếng chuông kêu cứu khẩn thiết từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành trong dải đất hình chữ S thân thương. Những con số ẩn nén trong đó vô vàn những biểu cảm về từng số phận, từng mái nhà, góc phố, xóm làng quê hương với muôn nỗi đau đớn, phập phồng âu lo. Nhưng có lẽ, phía sau mỗi ca bệnh được đánh số ký hiệu cứ tăng thêm từng ngày, điều lắng sâu hơn trong mỗi dòng cảm xúc, găm vào mạch trái tim, run rẩy trong tế bào mỗi người Việt Nam những ngày tháng này là thức nhận sâu sắc tự tình dân tộc, là tha thiết, nặng sâu hai tiếng “đồng bào”. 
 
Thành phố mang tên Bác trong những ngày bình yên đã mở rộng tấm lòng bao dung, nghĩa tình, đã chia sẻ và tạo một không gian mưu sinh, lập nghiệp cho biết bao con người, bao gia đình đến từ mọi miền đất nước. Từ hôm thành phố gặp chuyện khó khăn vì đại dịch, đồng bào cả nước lại hướng về nơi thân thương ấy bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng. Người mẹ miền Trung không biết nói lời văn vẻ, mẹ chỉ thức thâu đêm cùng xóm làng rang lạc làm muối, bớt gói tép khô trong bếp, quả bí đỏ vườn nhà gửi vô trong đó. Người chị miền Bắc không biết em út của mình trong đó cần gì, chị gửi tất cả những gì chị có, chị dùng hằng ngày. Những cô giáo Đà Lạt đội mưa cắt từng bó rau xanh đóng những thùng rau nghĩa tình gửi về với đồng nghiệp, đồng bào trong kỳ nghỉ hè gian khó. Những “siêu thị 0 đồng”. Những suất cơm miễn phí. Những quầy tạp hóa “ai cần thì lấy”. Những tấm chăn cho người già, gói kẹo cho trẻ nhỏ. Tôi đã không cầm nổi nước mắt, khi ngắm hình ảnh bà mẹ câm đơn thân người dân tộc thiểu số ở miền núi rừng Quảng Trị, không ngần ngại trút nửa bao gạo còn lại của mẹ con chị như san bớt khó khăn cho những mảnh đời gian khó trong kia. Nghĩa đồng bào đánh thức triệu trái tim. Những “chuyến xe yêu thương” xuôi ngược đêm ngày. Trên xe là nhu yếu phẩm, là những đoàn người tình nguyện chở theo lòng quả cảm, sẵn sàng tâm thế đến với nơi hiểm nguy. Những chuyến xe cứ một hướng bánh lăn, xuất phát từ nơi khó khăn đến với nơi đang khó khăn hơn. Những câu tục ngữ từ thuở ông bà, giờ đọc lại ngấm hơn lúc nào hết: “Chị ngã em nâng”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Người gửi đi như gửi cả tấm lòng, người đón nhận chỉ biết rơi nước mắt. Người cho không biết mặt người nhận, người nhận cũng không hề biết ân nhân của mình. Chỉ một ký hiệu, một chỉ dấu thiêng liêng để nhận ra nhau, đó là thẳm sâu hai tiếng “đồng bào”… 
 
Từ ký hiệu thiêng liêng “đồng bào” mà bà mẹ nghèo Lê Thị Nghệ, ở miền rừng núi Đạ Huoai, đã bán rổ chôm chôm vườn nhà đủ 500 nghìn đồng gửi kèm bức thư động viên các chiến sĩ ở chốt phòng dịch với những lời chan chứa yêu thương. Từ ký hiệu “đồng bào” mà Thùy Dương, em gái Đà Lạt lứa tuổi hai mươi đã xin được tình nguyện sát cánh bên các chú, các anh bám chốt đèo Chuối chống dịch. Những quán cơm trên QL20 tặng miễn phí suất ăn cho anh em lái xe tải đường dài và những địa chỉ phát quà cho những người khó khăn cứ mỗi ngày lại nhiều thêm trên các nẻo đường, làng quê, khu phố Lâm Đồng. Cũng từ ký hiệu thiêng liêng “đồng bào” mà bao thầy thuốc, chiến sỹ quân đội, công an và các lực lượng đã không quản hiểm nguy, dãi gió dầm mưa bám chốt, tiếp đón, hướng dẫn chu đáo những người con Lâm Đồng trở về quê nhà từ vùng dịch. Và chúng ta cũng tiễn đưa đoàn xe ngược đường chở những sinh viên tình nguyện Đà Lạt về “chia lửa” với vùng dịch TP Hồ Chí Minh… 
 
Cùng sẻ chia gánh nặng với khó khăn hiện tại của TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành trong nước đã thực hiện hoặc lên kế hoạch đón đồng hương về quê nhà chăm sóc. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tổ chức chu đáo một cuộc hồi hương thấm đẫm tình người, rồi Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình… Qua truyền thông, tôi thực sự xúc động với hình ảnh những người dân từ vùng gian khó trở về an yên trong vòng tay rộng mở đầy nghĩa tình của cấp ủy, chính quyền và những người thân thương nơi quê nhà của họ. Mặc dù còn rất nhiều âu lo với những gian khó của chặng đường phía trước, nhưng đạo lý và trách nhiệm của chính quyền và đồng bào quê nhà đã làm cho họ phần nào ấm áp, an tâm. Tôi cảm nhận điều đó từ những ánh mắt biểu lộ sự biết ơn, từ những giọt nước mắt lăn trên gò má cần lao, từ những câu chuyện kể ngập tràn nỗi niềm cảm xúc. “Mẹ ơi thế giới mênh mông…mênh mông không bằng nhà mình…”. Sẽ vẫn có những người thổn thức theo giai điệu của nhạc sĩ Trần Tiến trong những ngày tâm trạng bất an ở nơi chốn bất an. Đó là cảm xúc có thật, lúc buồn lo nhất thì điều mà ai cũng thường nghĩ tới là quê, là nhà, là những người ruột thịt. Biết là vậy, nhưng dịch dã khó lường, cũng sẽ có những người vì hoàn cảnh không thể trở về. Nhưng tôi nghĩ, trên mảnh đất quê hương Việt Nam mình, với hai tiếng “đồng bào” thân thương, ở nơi đâu cũng cùng chung ngôi nhà Tổ quốc… 
 
Để ngăn chặn dịch, Chính phủ đang tập trung toàn lực với các giải pháp cấp bách và hữu hiệu nhất. Người dân vùng dịch sẽ được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và vaccine kháng thể. Nhưng có một thứ kháng thể quan trọng và thiêng liêng nhất mà chúng ta đã và đang có, đó là vaccine mang tên “đồng bào”. Dòng máu Lạc Hồng từ bốn ngàn năm trước giúp chúng ta lan tỏa cùng nhau những cảm hứng tích cực, đó cũng là dòng mạch đắp bồi thêm cho mỗi người niềm tin và lòng yêu thương…
 
UÔNG THÁI BIỂU