Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều biện pháp mạnh để tăng cường phòng chống Covid-19

07:08, 03/08/2021

(LĐ online) - Ngày 3/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hoả tốc về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

(LĐ online) - Ngày 3/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hoả tốc về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Người dân Đà Lạt thu hoạch rau xanh vận chuyển ủng hộ cho người dân vùng dịch TP Hồ Chí Minh
Người dân Đà Lạt thu hoạch rau xanh vận chuyển ủng hộ cho người dân vùng dịch TP Hồ Chí Minh
 
UBND tỉnh nhận định biến chủng Delta đang diễn biến rất phức tạp, đã lan ra 62/63 tỉnh, thành trong cả nước; đặc biệt, số ca mắc tăng cao tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây tổn hại lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội.
 
Đến ngày 2/8, toàn tỉnh ghi nhận 53 ca mắc Covid-19 (đang điều trị 43 bệnh nhân, xuất viện 10 bệnh nhân) tại các huyện, thành phố: Đạ Tẻh (7 ca), Đạ Huoai (2 ca, chuyển điều trị tại Đạ Tẻh), Di Linh (5 ca), Đức Trọng (17 ca), Đam Rông (2 ca), Đơn Dương (13 ca), Bảo Lộc (6 ca) và Đà Lạt (1 ca). Các trường hợp mắc Covid-19 phần lớn có nguyên nhân liên quan đến những người từ vùng dịch trở về; trong đó, có 15 trường hợp là lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa.
 
Trong khi đó, các tỉnh giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng có số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao và đặc biệt tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân từ các tỉnh vùng dịch trở về Lâm Đồng không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
 
Dự báo tỉnh Lâm Đồng thời gian tới dịch bệnh Covid-19 đang ở mức “nguy cơ cao” (có 8/12 huyện, thành phố xếp loại mức nguy cơ). Nếu chủ quan, mất cảnh giác, không quản lý chặt chẽ các đối tượng nguy cơ và không chấp hành nghiêm các quy định của tỉnh về phòng chống dịch, nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.
 
Khó khăn hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực y tế của tỉnh còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế nói chung, điều trị và dự phòng dịch bệnh Covid-19 nói riêng nếu dịch bùng phát trên diện rộng. Một bộ phận người dân còn chủ quan không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch (còn tập trung đông người, tổ chức tiệc ăn uống tại gia đình…) làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
 
Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung ngăn chặn, chủ động phòng chống dịch bệnh theo diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương; đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh; đặt sức khỏe, tính mạng Nhân dân lên trên hết, trước hết, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng chống dịch để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình thế thay đổi.
 
Phải có những biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với phương châm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc” nhằm kiềm chế, không để lây lan rộng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc một cách chủ động, thực chất, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19; huy động các lực lượng, các nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, sự tin tưởng, đồng lòng, chấp hành và tham gia của toàn thể Nhân dân trong công tác phòng chống dịch.
 
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải lên Lâm Đồng qua các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 20, địa bàn huyện Đạ Huoai
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải lên Lâm Đồng qua các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 20, địa bàn huyện Đạ Huoai
 
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; hiểu rõ tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh Covid-19 để bình tĩnh phòng tránh, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ quan, nơi cư trú và công cộng.
 
Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về hiệu quả công tác phòng chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý. 
 
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không làm tròn nhiệm vụ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình không chấp hành các quy định, làm lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch. Chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh.
 
Về nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho các sở ngành, địa phương, đơn vị phải thường xuyên đánh giá mức nguy cơ (theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia) tại từng thời điểm, địa bàn để quyết định áp dụng các biện pháp thực hiện ở mức cao hơn, nhanh hơn, chặt chẽ hơn mức nguy cơ; siết chặt công tác phòng chống dịch đảm bảo “chặt ngoài, chặt trong”, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đảm bảo nhất quán trong công tác tham mưu chỉ đạo thực hiện.
 
UBND tỉnh giao Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số biện pháp hành chính trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, như: Phát huy vai trò Tổ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định bố trí 50% cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà; giao Sở Nội vụ kiểm tra việc thực hiện nội dung này đối với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị (tại Trung tâm hành chính tỉnh).
 
Yêu cầu các cơ quan: Ngân hàng, kho bạc, thuế, cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức bộ phận thường trực với chế độ làm việc riêng (làm việc, ăn, nghỉ tại trụ sở, hạn chế tiếp xúc với các bộ phận khác) để sẵn sàng kích hoạt phương án trực tiếp làm việc và ăn nghỉ 24/24 tại trụ sở cơ quan trong trường hợp phải cách ly để phòng chống dịch Covid-19.
 
Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 lần 2; chú ý đảm bảo phòng dịch (ăn, nghỉ và thi tại khu vực riêng) đối với các thí sinh từ tỉnh khác đăng ký thi tại địa phương.
 
Thực hiện tốt các yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không tập trung đông người, không đi ra khỏi huyện, thành phố khi không thực sự cần thiết. Đối với người cư trú trên địa bàn huyện, xã này nhưng làm việc ở huyện, xã khác thì thu xếp để bố trí nơi ở tạm gần nơi làm việc, tránh thường xuyên đi, về giữa 2 địa phương hoặc đủ điều kiện thì làm việc tại nhà.
 
Từ 21 giờ 00, ngày 4/8/2021, vận động người dân không ra khỏi nhà và hạn chế phương tiện đi lại sau 21 giờ 00 ngày hôm trước đến 05 giờ 00 sáng hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, cấp cứu và trường hợp đặc biệt…
 
Từ 0 giờ 00 ngày 4/8/2021, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày (sau khi hoàn thành cách ly tập trung) đối với trường hợp F1 và tất cả các trường hợp đi về từ vùng đang phong tỏa và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian này, tuyệt đối không để người bị cách ly rời khỏi địa điểm cách ly và không để giao tiếp với những người xung quanh; mở rộng khu cách ly dự phòng, kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung hiện có (kể cả các khu cách ly tập trung có thu phí) trên địa bàn tỉnh.
 
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Triển khai 10 đơn nguyên điều trị (20 giường bệnh) tại 10 Trung tâm Y tế huyện, với 200 giường bệnh; đưa vào hoạt động 2 Khu điều trị Covid-19 với 500 giường bệnh.
 
Về đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện cao nhất để lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố và địa bàn nội tỉnh; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, vận chuyển.
 
Huy động sự tham gia của lực lượng công an, quân đội trong vận chuyển, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khi cần thiết. Trước mắt, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn sàng 1 đội xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (khoảng 50 xe, tải trọng tối thiểu 15 tấn/xe) để vận chuyển hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân trong tỉnh trong trường hợp dịch lan rộng...
 
UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương kiểm tra kỹ phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đi qua các chốt/trạm, yêu cầu đăng ký lái xe, phụ xe (nếu có) để theo dõi, quản lý chặt chẽ lịch trình di chuyển của các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đảm bảo nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”… nhất là những người từ vùng dịch đến Lâm Đồng, không để bỏ sót đối tượng nguy cơ, hạn chế tối đa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào tỉnh qua các đối tượng này.
 
Kiểm soát chặt chẽ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, chỉ cho phép có 1 lái xe và tối đa 1 phụ xe (không cho người khác đi cùng). Trường hợp, có người khác đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đến Lâm Đồng mà không phải là phụ xe đã đăng ký trước với cơ quan chức năng thì đưa đi cách ly tập trung.
 
Về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, các địa phương cần tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, an toàn, nhanh chóng theo số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ; ưu tiên các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng như: Tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại, quầy tạp hóa; nhân viên giao nhận hàng hóa (shipper, bưu tá); nhân viên vệ sinh thu gom rác; nhân viên bán hàng tại tất cả các cửa hàng xăng dầu; đảm bảo tiến độ tiêm chủng theo Kế hoạch số 5333/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh.
 
C.THÀNH