Xét xử phiên tòa trực tuyến là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử trong tương lai

12:10, 24/10/2021

(LĐ online) - Sáng 24/10, tiếp tục chương trình thảo luận các nội dung về công tác tư pháp, Quốc hội dành trọn ngày chủ nhật 24/10 để thảo luận thêm về các báo cáo về công tác tư pháp; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021; tổ chức phiên tòa trực tuyến...

(LĐ online) - Sáng 24/10, tiếp tục chương trình thảo luận các nội dung về công tác tư pháp, Quốc hội dành trọn ngày chủ nhật 24/10 để thảo luận thêm về các báo cáo về công tác tư pháp; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021; tổ chức phiên tòa trực tuyến...
 
ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến
ĐBQH Trần Đình Văn - Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự trực tuyến có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH; đồng chí Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn ĐBQH; cùng các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh.
 
Các ĐBQH tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. 
 
Đa số các ĐBQH đánh giá cao các báo cáo của cơ quan tư pháp, thể hiện sự nỗ lực lớn của các ngành, chia sẻ khó khăn trong dịch Covid-19 với nhiều áp lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một số đại biểu đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, để hạn chế vi phạm phòng chống tham nhũng,  tăng  cường giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế, nhất là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đề nghị Chính phủ bố trí cơ sở vật chất về thực hiện phiên tòa trực tuyến, thi hành án tử hình còn khó khăn. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn kịp thời. Cơ sở vật chất trại tạm giam ở một số địa phương còn rất sơ sài, thiếu thốn đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư. Nhiều hồ sơ thi hành án tồn đọng, kéo dài nên việc tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến nhằm kịp thời, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 
 
Đại biểu kiến nghị cần có tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn, giao Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an để thực hiện có hiệu quả. Cần có giải pháp xử lý minh bạch, rõ ràng liên quan đến việc đưa thông tin xúc phạm cá nhân, nói xấu nhau, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của Việt Nam. 
 
Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thống nhất với tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Việc thực hiện phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủtrương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh.
 
Các đại ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Các đại ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
 
Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị công nghệ, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.
 
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, nhiều vụ án đã thụ lý nhưng chưa mở được phiên tòa theo kế hoạch... Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm thuận lợi cho những người tham gia tố tụng, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật, chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa nhưng vẫn được đảm bảo theo đúng Hiếp pháp và pháp luật; đồng thời, đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ. 
 
Đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là sát hợp với tình hình trạng thái mới hiện nay để các cơ quan tư pháp có cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện phương thức xét xử trực truyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính, Nghị quyết của Quốc hội để các cơ quan tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, đề nghị việc thực hiện Nghị quyết cần quy định thời hạn cụ thể để Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện để rút kinh nghiệm, nghiên cứu làm cơ sở cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hiệu quả hơn, đảm bảo từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử trong tương lai. 
 
Liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn, tội phạm, Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý: Hiện nay, nước ta có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, thực tế con số này có thể còn cao hơn. Việc quản lý người nghiện vốn hết sức khó khăn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người nghiện gây nhiều lo ngại về an ninh trật tự cũng như nguy cơ làm lây lan dịch bệnh tại cộng đồng. Trong tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, việc giãn cách, cách ly, hạn chế đi lại tại nhiều địa phương thì hành lang pháp lý khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy trình, thủ tục lập hồ sơ các bước sẽ không đảm bảo được tính cấp thiết. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 15, 16, 19 và Nghị quyết 128/NQ của Chính phủ, trên cả nước vẫn phát hiện nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển ma túy trái phép, các cở sở kinh doanh như khách sạn, karaoke… tổ chức cho các đối tượng sử dụng ma túy tập trung bất chấp các quy định về phòng chống dịch bệnh, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh trật tự và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo quyền con người và quyền công dân đối với các đối tượng nghiện ma túy, sử dụng ma túy trái phép, đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp sớm khảo sát, thống kê, nắm bắt tình hình của nhóm đối tượng sử dụng ma túy trái phép trong thời gian qua, để kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ để xử lý hành chính, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm đảm bảo tính răn đe, giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy để công tác này đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả tốt.
 
Phát biểu tranh luận tại kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh: Cần quy định rõ trong thông tư về việc tổ chức xét xử trực tuyến, có những bất lợi nhất định khi xét xử trực tuyến nên để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của đương sự khi tham gia phiên tòa trực tuyến, tôi kiến nghị cần đưa vào nghị quyết “chỉ xét xử trực tuyến khi không tổ chức trực tiếp được” và quy  định rõ về điều kiện đồng ý của các bên tham phiên tòa. Cần quy định rõ thêm trong thông tư khi các yếu tố kỹ thuật không đảm bảo xét xử trực tuyến thì phải thực hiện ngay việc xét xử trực  tiếp…
 
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp và giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
 
NGUYỆT THU