''Xanh'' - Nam Tây Nguyên (bài 4)

05:10, 13/10/2021

Những thành quả chống dịch thời gian qua của Lâm Đồng là kết quả có được từ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân...

[links()]
 
Bài 4: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh
 
Những thành quả chống dịch thời gian qua của Lâm Đồng là kết quả có được từ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân. Tuy nhiên, chỉ cần một sự chủ quan, lơ là của bất cứ nhân tố nào thì hậu quả sẽ khôn lường. Mọi công sức, cố gắng hết mình của hàng ngàn con người bao tháng ngày qua cũng vì vậy mà có thể đổ sông, đổ bể.
 
Các lực lượng làm việc trong thời tiết khắc nghiệt tại Chốt kiểm dịch số 1, huyện Đạ Huoai. Ảnh: K.Phúc
Các lực lượng làm việc trong thời tiết khắc nghiệt tại Chốt kiểm dịch số 1, huyện Đạ Huoai. Ảnh: K.Phúc
 
•  KHÔNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ TRƯỚC DỊCH BỆNH
 
Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các lực lượng đã căng mình trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Gần 2 năm qua, kể từ lúc bắt đầu dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng luôn sáng đèn bất kể ngày đêm. Và cũng ròng rã gần 2 năm, toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế ở Lâm Đồng không có tết, không có ngày kỷ niệm, không có ngày nghỉ và không được về nhà. Thường trực trong bộ đồ bảo hộ, họ không ngại khó khăn, suốt nhiều ngày đêm tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. “Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tập trung cao độ cho các hoạt động: giám sát, truy vết, tổ chức cách ly các nhóm người về từ vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế; kiểm soát các phương tiện giao thông và hành khách đi vào tỉnh trên các trục đường quốc lộ, liên tỉnh; lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp có chỉ định; thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại địa phương, các cơ sở cách ly, các cơ sở điều trị…”, BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẳng định. 
 
Và một trong những “lá chắn thép” trong công tác phòng dịch của tỉnh Lâm Đồng là việc thiết lập các chốt cửa ngõ để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào tỉnh. Công an là lực lượng chịu trách nhiệm chung tại các chốt kiểm soát này. Và nhiều người vẫn chưa thể quên đêm 3/8, một đêm mà nhiều trái tim người Lâm Đồng đã thổn thức trên mạng xã hội facebook khi nhìn hình ảnh lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên tình nguyện... trong trang phục bảo hộ chân ngập ngụa trong bùn, nước để làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm dịch số 1 tỉnh Lâm Đồng trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa phận huyện Đạ Huoai. Và hầu hết ở các chốt kiểm soát, những người chiến sĩ đa phần đều không còn nhớ nổi đã bao lâu họ chưa được về nhà. Bởi trước mắt họ tất cả chỉ là thực hiện tốt nhiệm vụ để giữ bình yên cho cả cộng đồng. Chính nhờ những “lá chắn thép” như vậy mà hàng ngàn lượt xe, lượt người vẫn được lưu thông qua các cửa ngõ để vào, ra tỉnh Lâm Đồng góp phần giữ nhịp phát triển kinh tế và không làm lây lan dịch bệnh. 
 
Và nếu như lực lượng công an đảm nhận nhiệm vụ chính tại các chốt kiểm soát thì Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đảm nhận nhiệm vụ chính tại các khu cách ly tập trung. “Ba ơi bao giờ ba về”, “ba về mua áo mới cho con, áo con chật hết cả rồi”… rất, rất nhiều tin nhắn nhớ nhung của con thơ đã gửi đến những người cha là chiến sĩ. Đường về nhà chưa bao giờ dài thế bởi trong các khu cách ly, ngoài các chốt phòng, chống dịch, trên đoàn xe biển đỏ hành quân về vùng dịch hay nơi bệnh viện dã chiến được hình thành với quy mô 300 - 500 giường sẵn sàng cho diễn biến xấu nhất của dịch bệnh… đâu đâu cũng thấy “Bộ đội Cụ Hồ” đang làm nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Bình Sơn - Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Bất cứ ở đâu có điểm nóng về dịch COVID-19 là bộ đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu với tinh thần “vì Nhân dân quên mình”, “vì Nhân dân phục vụ””.
 
Tất cả đó chỉ là một phần trong các lực lượng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Những cống hiến, hi sinh lặng thầm của hàng ngàn con người ấy tuyệt đối không được bị hủy hoại bởi sự chủ quan, lơ là hay thiếu ý thức của bất kỳ ai.
 
Vụ việc chùm lây nhiễm 23 ca xảy ra tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, thành phố Đà Lạt) ngày 8/10 vừa qua là hậu quả nghiêm trọng từ chính sự chủ quan, lơ là và ý thức hạn chế của người dân trong công tác phòng dịch. Thực tế này là lời nhắc nhở, sự cảnh báo để mỗi người dân không được phép buông lỏng, chủ quan, coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc nhịp nhàng của các đơn vị liên quan, chính quyền thành phố Đà Lạt đã bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xảy ra ở khu vực Vạn Thành. Căn cứ tình hình, quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đã được ban hành tại đây. Mọi việc được triển khai đồng bộ nhịp nhàng. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố hoa - nơi có ca mắc cao nhất tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát.
 
Những đoàn xe đưa công dân Lâm Đồng ở các vùng dịch trở về địa phương an toàn. Ảnh: Phạm Tiến Đạt
Những đoàn xe đưa công dân Lâm Đồng ở các vùng dịch trở về địa phương an toàn. Ảnh: Phạm Tiến Đạt
 
KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA PHÒNG NGỰ VÀ TẤN CÔNG 
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp ngành, địa phương nói chung đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, song cũng sông sợ sệt, hoang mang trước dịch bệnh. Chuyển dần từ trạng thái phòng ngự sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong đó lấy tấn công là chính. 
 
Hiện chiến lược vắc xin vẫn đang được địa phương tiếp tục triển khai với nỗ lực cao nhất trên cơ sở lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ. Song vắc xin chỉ là “tấm áo giáp” để ngăn chặn dịch lây lan, nếu chủ quan, lơ là, vẫn có nguy cơ để dịch bệnh bùng phát trở lại. 
 
Tấn công và phòng thủ còn được thể hiện trong các quyết sách của Lâm Đồng trong việc tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch. Đồng thời, tiếp tục phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và đẩy mạnh hiệu quả công tác chống dịch. Chủ động thực hiện xét nghiệm, tầm soát, cách ly, phát hiện sớm các ca bệnh nếu có, xử lý dứt điểm để sớm ổn định tình hình.
 
Chính sự chặt chẽ trong quá trình tiến hành chống dịch trên địa bàn tỉnh là cơ sở để Lâm Đồng thực hiện việc đưa công dân của địa phương đang gặp khó khăn ở các vùng dịch như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu có nhu cầu trở về Lâm Đồng đã được địa phương đón về an toàn. Tạm gác sang một bên bài toán về những gì phải bỏ ra để điều động nhân lực, vật lực đối với nền kinh tế của tỉnh giữa thời điểm dịch bệnh, Lâm Đồng xác định mục tiêu lớn nhất “Không để một ai kẹt lại trong khó khăn”. 
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh được phân công làm Trưởng đoàn đón công dân ở vùng dịch về cho biết, sau khi tỉnh ra thông báo, có 3.130 người đăng ký và được xét duyệt để đón về Lâm Đồng lần này. Hình ảnh hàng trăm chiếc xe xuyên màn mưa trắng trời của những ngày ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới để đưa bà con về giữa màu xanh đại ngàn, đã thực sự thổn thức trái tim không chỉ của những người xa quê được trở về, của những người nơi quê nhà ngày đêm lo lắng, trông mong mà còn làm lay động trái tim của người dân Lâm Đồng. Đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn và trên khắp diễn đàn mạng xã hội của người Lâm Đồng đều thể hiện niềm xúc động. 
 
Việc đưa công dân trở về chắc chắn sẽ mang theo nhiều nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, Lâm Đồng đã chủ động chuẩn bị kỹ càng cho việc này. Tất cả các huyện, thành phố của tỉnh đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất trong các khu cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho công dân. Những công dân hồi hương sẽ được xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và cách ly tại các khu cách ly tập trung theo quy định.
 
Những chuyến xe đưa bà con trở về an toàn thêm một lần nữa khẳng định sự nỗ lực của chính quyền để bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Bởi vậy, người dân cũng đã chủ động sát cánh cùng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Và rồi từ đây “ý Đảng” đã gặp được “lòng dân” để tạo nên hệ thống phòng thủ vững chắc cho những thành quả đã đạt được. Đó cũng là hành trang để Lâm Đồng tiếp tục vượt qua những khó khăn sắp tới trong hành trình mở rộng vùng xanh.
(CÒN NỮA)
 
NGỌC NGÀ