Sức mạnh Đại đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Nam Tây Nguyên (Kỳ 2)

07:10, 12/10/2021

Trong hoàn cảnh thử thách, mỗi  con dân đất Việt giờ đây đều đồng hành cùng Chúng phủ, địa phương quyết tâm đồng lòng chiến thắng đại dịch...

[links()]
Kỳ 2: Lan tỏa an sinh xã hội cùng chiến thắng đại dịch
 
Trong hoàn cảnh thử thách, mỗi  con dân đất Việt giờ đây đều đồng hành cùng Chúng phủ, địa phương quyết tâm đồng lòng chiến thắng đại dịch. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi đơn vị hưởng ứng theo cách riêng của mình tạo nên phong trào an sinh xã hội vô cùng phong phú trong thời điểm khó khăn phòng chống dịch Covid 19.
 
 
Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội  khóa XV tại Hà Nội nêu: Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 
 
Tại Lâm Đồng, phát huy thế mạnh của vùng chuyên canh rau, củ, quả  nên Tỉnh đã chủ trương “san sẻ yêu thương” trợ giúp nhân dân vùng dịch bằng cách tặng chính sản phẩm nông sản Lâm Đồng do bàn tay và trái tim người nông dân Lâm Đồng làm ra.
 
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Càng trong khó khăn thì người Việt Nam lại càng kiên cường và sáng tạo, mặc dù hàng nông sản không xuất đi được nhiều như trước đây  do ảnh hưởng bởi dịch, nhưng từ định hướng chung của Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã vận động nhân dân vẫn tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, nhưng lúc này sẽ chuyển đổi sang cây trồng hợp lý hơn, tập trung trồng những cây ngắn ngày như rau xà lách, cải bó xôi, súp lơ, cải thảo, su su, cà rốt, củ dền, bắp cải, các loại rau thơm…. để lấy chính nguồn thực phẩm này ủng hộ cho đồng bào vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ đang rất thiếu rau xanh do thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid - 19. 
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đoàn công tác trao hỗ trợ 144 triệu đồng cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19 tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đoàn công tác trao hỗ trợ 144 triệu đồng cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19 tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh
 
Cứ như thế, bằng tình cảm xuất phát từ trái tim nhân ái, phát huy văn hóa của người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, giữa bề bộn khó khăn của dịch bệnh, rất hào phóng, không ít người Đà Lạt  tặng  cả vườn rau thấm bao mồ hôi, công sức gửi tới  đồng bào ở các vùng tâm dịch.
 
Cách làm của người Đà Lạt đơn giản nhưng hiệu quả, ai có công góp công cắt rau, chủ vườn nào có lòng tặng rau thì báo để các nhóm thiện nguyện tổ chức đến cắt, ai có xe vận chuyển đi TP.HCM hay các tỉnh thì góp chuyến xe. 
 
Các nhóm thiện nguyện phối hợp nhau theo kiểu cùng chia sẻ. Nhóm nào chuyển rau tặng đi các địa điểm của mình đủ rồi thì tìm chở đến góp với các nhóm khác để tránh trùng lắp địa điểm và không lãng phí rau củ nông dân tặng.
 
Chị Nguyễn Thị Vân - một nông dân ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương chia sẻ: bình thường rau của bà con chúng tôi trồng và chăm sóc, đến khi thu hoạch hầu hết cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và tạo nên  uy tín cho rau sạch Lâm Đồng. Nhưng lúc này, người dân TP HCM đang gặp nhiều khó khăn, thiếu rau xanh trong bữa ăn,  đây chính là lúc để chúng tôi “trả ơn” họ bằng cách dành tặng bà con cả ruộng rau góp phần nâng cao chất lượng các suất ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân, người đang bị cách ly và đồng bào gặp khó khăn. 
 
Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, UBMTTQ các cấp kêu gọi toàn dân chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch đã ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ bằng tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tập đoàn. (trong ảnh: Tập đoàn Novoland ủng hộ 10 tỷ cho Lâm Đồng)
Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, UBMTTQ các cấp kêu gọi toàn dân chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch đã ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ bằng tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tập đoàn. (trong ảnh: Tập đoàn Novoland ủng hộ 10 tỷ cho Lâm Đồng)

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng kêu gọi, vận động toàn dân tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần với Nhân dân các địa phương có dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài tỉnh, không để ai bị đói, thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác. Mặt khác, cũng kêu gọi, vận động toàn dân tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, rau quả, các mặt hàng thiết yếu, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu trong địa bàn trong tỉnh, là địa phương đồng hành vững chắc cùng các tỉnh khác - đặc biệt là TP HCM và Nam bộ - trong phòng, chống dịch.

 

Trước đó, đã có gần 500 tình nguyện viên làm nhiệm vụ y tế từ Lâm Đồng đã lên đường hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương chống dịch. Đội tình nguyện này làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng. Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã biểu dương tinh thần tự nguyện, xung kích của 500 tình nguyện viên. Ông lưu ý các tình nguyện viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần tự chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho bản thân để có thể đóng góp lâu dài cho công việc chung. UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng chi phí sinh hoạt cùng 200 bộ đồ bảo hộ, 500 kính chắn giọt bắn, 10.000 khẩu trang y tế cho tình nguyện viên. Hãng xe Phương Trang đã dành nhiều nguồn lực tham gia chống dịch, từ xe vận chuyển nông sản. 
 
Tại huyện có đông đồng bào Dân tộc thiểu số như Lạc Dương cũng đã rất tích cực hưởng ứng tinh thần này. Ông Trần Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar huyện Lạc Dương cho biết: với tinh thần “tương thân, tương ái”, nhiều hộ gia đình sẵn sàng ủng hộ cả vườn rau cho thành phố mang tên Bác. Một số hộ không có rau thì tự nguyện góp tiền để mua rau, củ, quả ủng hộ… Trung bình mỗi hộ ủng hộ 20 kg rau, có hộ ủng hộ 200 kg. Riêng Chi hội Tin lành Đạ Sar ủng hộ 3 chuyến xe với khoảng 14 tấn nông sản. Trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, bà con xã Đạ Sar đã ủng hộ gần 20 tấn nông sản với trị giá hơn 100 triệu đồng, nhu yếu phẩm trị giá 64 triệu và tiền mặt 31 triệu đồng. 
 
Đồng chí K’Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng đoàn đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt 200 triệu cho huyện Đơn Dương
Đồng chí K’Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng đoàn đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt 200 triệu cho huyện Đơn Dương
 
Trưởng thôn Lán Tranh Kơ Đưng Ha Biêng cho hay, khi có Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt là Lời kêu gọi của Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng, bà con trong thôn chúng tôi đã vô rừng lấy măng để gửi cho người dân thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh tiện và vật chất khác, toàn xã Đưng K’Nớ đã ủng hộ hơn hơn 7 tấn rau, củ, quả do chính người nông dân Lạc Dương trồng, chăm sóc. 
 
Giữa đại dịch, tinh thần góp sức phong, chống dịch lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Ni trưởng Thích Nữ Như Phú - Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng phân ban ni giới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Phước Huệ ủng hộ 200 kg gạo cho “quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid 19 tỉnh” chia sẻ: Phần quà nhỏ bé này chúng tôi mong sẽ chung sức cùng Nhà nước, địa phương và bà con phật tử Lâm Đồng sớm vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định cuộc sống, mong chiến thắng đại dịch sớm để trở lại cuộc sống tươi đẹp và bình yên vốn có trên vùng đất Đà Lạt. 
 
Từ xã Mỹ Đức - huyện Đạ Tẻh - điểm đầu tiên xuất hiện ca dương tính với Sars Cov 2 cho đến vùng rau Đơn Dương - Thị trấn Thạnh Mỹ khi có ca nhiễm Covid - 19; cho đến ngày 6/8/2021, vùng chè thơ mộng Xuân Trường, Trạm Hành (TP Đà Lạt) bất ngờ đối diện với sự hành hoành của dịch Covid-19… đâu đâu cũng thấy các mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều tấm gương vì cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tinh thần kiên cường, quyết tâm và đoàn kết của các tầng lớp nhân dân vùng đất Anh hùng lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
 
Mọi người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đồng lòng cùng Nhà nước, chung sức cùng lực lượng tuyến đầu, quyết tâm khống chế và chiến thắng đại dịch. Ghi nhận trong những ngày thực hiện giãn cách, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo TP Đà Lạt với phương châm “4 tại chỗ”, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, 41 tổ Covid cộng đồng cùng hơn 60 tình nguyện viên đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình, chung sức, đồng lòng trong công tác phòng chống dịch. Với chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19, các “tổ Covid”, các tình nguyện viên không quản khó khăn, cùng chung sức trong công việc, đón nhận những chuyến hàng hỗ trợ với đủ mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng trăm tấn rau để phát đến từng hộ dân trong xã. Bác Tăng Bá Hánh - Trưởng thôn Trường Xuân 2 (xã Xuân Trường) cho biết: Tôi, dù ở tuổi 64, vẫn muốn lao vào chống dịch, đồng thời “truyền lửa” để các lực lượng cùng tham gia chống dịch; hướng dẫn lực lượng truy vết đến từng nhà dân, từng con hẻm, ngõ xóm trong thôn. Đây là thôn đông dân nhất trong xã.
 
Bác Hánh lấy nhà mình làm nơi tập kết hàng hoá, nhu yếu phẩm để phân phát cho bà con. Chị Lê Thị Hòa - Cán bộ công chức văn hóa - xã hội xã Xuân Trường chia sẻ: Khi cả hệ thống chính trị của thôn, xã vào cuộc và hoạt động rất nhịp nhàng, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho bà con trong thôn, tổ dân phố. Các đợt test toàn dân, vì tính chất công việc gấp rút khẩn trương, các thành viên tổ Covid cộng đồng đã giúp CDC làm việc đến tận 12 giờ khuya cũng như khi đi truy vết F1, F2 đạt yêu cầu đề ra. Nhân dân lắng nghe, đồng thuận và tuân thủ nghiêm quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Cùng với đó là những "chuyến xe 0 đồng" ngày đêm chạy chở các trường hợp F0, F1; vận chuyển vật tư y tế cho những ngày chống dịch luôn đối mặt với khó khăn và nguy hiểm, nhất là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. 
 
Từ sự thành công trong công tác dập dịch, truy vết thần tốc, không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Cả hệ thống chính trị tại Lâm Đồng đã và đang tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của địa phương, kết hợp vận động nhân dân bình tĩnh, không lo sợ đến nay đã cơ bản hoàn thành được yêu cầu đề ra. Mục tiêu bảo vệ và giữ vững “ vùng xanh” cho Lâm Đồng, bảo vệ sức khỏe tính mạng cho nhân dân được đặt lên trước hết và trên hết. 
 
Tiếp tục phát huy năng lực và trách nhiệm của Sở Y tế, vai trò chỉ huy của 12 huyện, thành phố trong tỉnh, những người đứng đầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ Covid cộng đồng, của hệ thống chính trị tại cơ sở vận động nhân dân không được lơ là, chủ quan, thật sự bình tĩnh, tự tin, chủ động triển khai kịp thời, quyết liệt, nhanh chóng tiếp cận thông tin, thực hiện truy vết, khoanh vùng dịch tễ và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Để chủ động tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng ổn định tình hình, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng;  hiện nay cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai tiêm phòng Vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân, hướng đến vào tháng 11/2021 từng bước nới lỏng và khởi động trở lại các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Về du lịch - thế mạnh của Lâm Đồng, những hoạt động để phục hồi ngành kinh tế trọng điểm này đang được xúc tiến. Du khách tới Lâm Đồng bắt buộc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và có giấy chứng nhận tiêm chủng còn hiệu lực, hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 thời gian không quá 12 tháng. Riêng đối với khách du lịch nội tỉnh Lâm Đồng, các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu đón khách từ tháng 9/2021 (trừ các khu vực đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ) hướng đến mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch - vừa phát triển kinh tế xã hội” .
 
Trước mắt và dài lâu, có thể dịch bệnh COVID-19 sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần Đại đoàn kết của toàn dân Việt Nam, của kiều bào ta ở nước ngoài, của các dân tộc anh em;  chúng ta tiếp tục phát huy tình nghĩa tương thân “máu chảy, ruột mềm”, “môi hở, răng lạnh”, “tay đứt, ruột xót”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. 
 
Cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ, chung sức phòng, chống dịch bênh; hơn lúc nào hết, lời hiệu triệu của Bác Hồ lại tiếp tục ngân vang  trong trái tim mỗi người con nước Việt: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Lúc này đây, việc giữ gìn khối đại đoàn kết - chiếc chìa khóa vạn năng đã giúp cho Đảng ta, nhân dân ta  vượt qua thác ghềnh, hiểm trở để đi đến  thắng lợi sẽ tiếp tục được phát huy để  chiến thắng giặc Covid - 19, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển . 
 
NGUYỆT THU