Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về phát triển TP Bảo Lộc

10:11, 15/11/2021

(LĐ online) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển TP Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

(LĐ online) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển TP Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
 
Đến nay, Bảo Lộc đã đạt 42/51 tiêu chuẩn thuộc các nhóm tiêu chí đô thị loại II
Đến nay, Bảo Lộc đã đạt 42/51 tiêu chuẩn thuộc các nhóm tiêu chí đô thị loại II
 
Theo Nghị quyết này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá qua 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển TP Bảo Lộc toàn diện, bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020; cấp ủy đảng, chính quyền TP Bảo Lộc đã phát huy vai trò, trách nhiệm, kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết, tạo động lực phát triển, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,5%/năm, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm 85,7%. 
 
Hạ tầng đô thị phát triển toàn diện, đạt 42/51 tiêu chuẩn thuộc các nhóm tiêu chí đô thị loại II; thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 
 
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 69,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 86,5%; 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo, giữ vững và ổn định. 
 
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nghiêm túc và tạo nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; bộ máy chính quyền được củng cố, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện hiệu quả công tác vận động Nhân dân và thể hiện tốt vai trò tích cực trong giám sát, phản biện xã hội. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương và chức năng trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các dự án lớn có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Sự liên kết mang tính bền vững giữa ngành nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và công nghiệp chế biến nhằm nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ nên năng lực, khả năng sản xuất, kinh doanh hạn chế, sức cạnh tranh thấp. 
 
Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, quy hoạch mở rộng và phát triển không gian đô thị mới còn chậm, bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa kịp thời, đồng bộ. Tiến độ triển khai một số chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm chậm. 
 
Hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kinh tế kỹ thuật; hệ thống điện, nước, thu gom, xử lý nước, rác thải chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các ngành y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa - thể thao tuy được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một số lĩnh vực, nhất là quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường thực hiện chưa tốt, chưa xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. 
 
Vai trò, trách nhiệm của một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa được phát huy; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu một số tổ chức cơ sở đảng còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. 
 
Trên cơ sở chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển TP Bảo Lộc trong thời gian tới. 
 
Theo đó, quan điểm phát triển là quy hoạch mở rộng không gian đô thị với quy mô hợp lý, tập trung các nguồn lực xây dựng TP Bảo Lộc phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; đến năm 2025, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, tiếp cận tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, đáp ứng vai trò là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh; là trung tâm Tiểu vùng III, đáp ứng các yêu cầu theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành của tỉnh theo chuẩn quốc gia, quốc tế. Xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên kết vùng, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của quá trình đô thị hóa. 
 
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của địa phương để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút nhà đầu tư chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, với trọng tâm là: Phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững, ổn định quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. 
 
Về mục tiêu và chỉ tiêu, Giai đoạn 2021 – 2025: Phấn đấu đạt và vượt các nhóm chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh; hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, đạt tiêu chí đô thị loại II,... theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.  Triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040; phủ kín quy hoạch phân khu, lập và phê duyệt các quy hoạch chi tiết. Xây dựng TP Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II, gắn với xây dựng đề án nâng cấp các xã Lộc Châu, Lộc Nga, một phần xã ĐamB’ri đủ tiêu chuẩn trở thành phường. 
 
Giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045: Tổ chức thực hiện đề án mở rộng không gian đô thị; tiếp tục nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn trở thành phường. Tập trung các nguồn lực xây dựng thành phố Bảo Lộc phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, tiếp cận tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040.
 
Nghị quyết 05 cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển văn hóa - xã hội; cơ chế chính sách; củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này và xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá trong phát triển của thành phố Bảo Lộc; chủ trì, phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các ban của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP Bảo Lộc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Thành ủy Bảo Lộc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng, triển khai thực hiện Nghị quyết với quyết tâm chính trị cao, bằng các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
 
ĐÔNG ANH