Vua Thành Thái cho thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng

02:12, 07/12/2011

Việc thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng được ghi chép trong mục thứ 0934, đây là một tư liệu quý cần được nghiên cứu để bổ sung vào địa chỉ tỉnh Lâm Đồng.  

Lâu nay các nhà nghiên cứu về Lâm Đồng - Đà Lạt đều thống nhất rằng việc thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng chỉ được ghi chép qua nghị định của người Pháp ngày 1.11.1899, tuy nhiên chính sử của nhà Nguyễn cũng đã ghi chép rất rõ việc này qua sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên. Việc thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng được ghi chép trong mục thứ 0934, đây là một tư liệu quý cần được nghiên cứu để bổ sung vào địa chỉ tỉnh Lâm Đồng. 

Bình yên Đà Lạt.  Ảnh BN
Bình yên Đà Lạt. Ảnh BN

Vào năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái thứ 11, tức năm 1900 vua Thành Thái chuẩn cho đặt tỉnh Đồng Nai Thượng. Nguyên văn chữ Hán không có chữ Nai mà chữ Nai được viết bằng chữ Nôm bao gồm chữ Khuyển và chữ Ni. Vì thế có một số sắc phong được triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho một số ngôi đình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày nay thường ghi rằng: Sắc Đồng Nai Thượng tỉnh Phú Hội xã… cũng xuất phát từ việc vua Thành Thái cho thiết lập tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng.
    
Sách Đại Nam chính biên đệ lục kỷ phụ biên cho biết: “Bắt đầu đặt tỉnh Đồng Nai Thượng. Khâm sứ đại thần Boulloche bàn nói Thượng Nghị viện Đông Dương (tức hội đồng tối cao Đông Dương (Conseil Supérieur de I’Índochine) được thành lập theo sắc lệnh ngày 17.10.1887 của Tổng thống Pháp) nghĩ đặt tỉnh mới ở thượng du hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa thuộc địa giới Đại Nam một khu đất rộng lớn ở cao nguyên xứ Mạ (tức xứ của người Mạ sinh sống) và xứ Lang Bian, phía nam giáp vùng thượng du Biên Hòa, phía bắc gần xứ Lang Bian, phía đông giáp giới sống núi hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, đặt tỉnh lỵ ở xứ Di Linh, lấy quan Pháp Outrey (nguyên bản chữ Hán viết là U Tư Lai, tức Antoine Georges Amédée Emest Outrey) giữ chức Công sứ Đồng Nai Thượng đến năm1904 thì chuyển về làm tỉnh trưởng tỉnh Thủ Dầu Một) làm Công sứ tỉnh mới khám đặt bốn năm châu và chọn bổ Chánh Phó tổng để tiện sai phái. Lại lấy xứ Sông Sâu ở thượng du tỉnh Khánh Hòa quy về quan đồn Củng Sơn quản hạt. Cơ mật viện tâu lên, chuẩn tư cho hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa chuẩn bị bản đồ địa giới  và sổ sách dinh điền của tỉnh mới giao cho Công sứ mới nhận chiểu. Lại giao sổ Man đinh tỉnh Khánh Hòa cho đồn Củng Sơn đệ cho tỉnh Phú Yên nhận lãnh”.
    
Qua đoạn chép này của Đại Nam thực lục cho chúng ta biết được sự thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng cũng được ghi chép qua tư liệu Hán Nôm của vương triều Nguyễn chứ không phải chỉ được ghi chép qua những văn bản hành chính của người Pháp như sách Địa chí Lâm Đồng cho biết: “Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Paul Doumer ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính (poste administratif) ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Bian’’. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng tuy trong lúc chính quyền nhà Nguyễn bị Pháp xâm chiếm, nhưng việc biên soạn quốc sử vẫn không bị ngắt quãng.
    
Tháng 12 năm Thành Thái thứ 13 (1902), bắt đầu đặt huyện Tân Quan đạo Ninh Thuận sở Lâm Viên đạo ấy có nhiều Man đinh, địa thế dài rộng, Quản đạo Nguyễn Văn Thụy xin đặt riêng làm một huyện để tiện quản trị, vua cho như lời xin. Lại lấy Man trưởng tên Nhú làm Tri huyện, Man trưởng thứ hai tên Ỷ làm bang biện, chế cấp kiềm ký để làm việc.
    
Cũng từ sự việc thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng trong nghị định ngày 1-11-1899, toàn quyền Paul Doumer ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Bian. Nội dung có đoạn viết, căn cứ sắc lệnh ngày 21.4.1891 và sắc lệnh ngày 16.9.1899 về việc tổ chức nhân sự ở các ban dân sự của Đông Dương. Căn cứ Nghị định ngày 25.12.1898 cho phép xây dựng một hệ thống đường sắt ở Đông Dương, đặt ở Annam một khu hành chính được chỉ định dưới tên Đồng Nai Thượng, bao gồm lưu vực từ phía trên Đồng Nai tới biên giới với Nam Kỳ và Lào.

Trụ sở của quan chức Hành chính, người đứng đầu tỉnh Đồng Nai Thượng sẽ ở Di Linh, hai chức vụ hành chính sẽ thiết lập ở Tánh Linh trên cao nguyên Lang Bian. Quan chức hành chính, Công sứ Pháp ở Di Linh được đặt dưới quyền của Khâm sứ Trung Kỳ.

Những tư liệu lịch sử trên rất có giá trị về việc khẳng định thời gian thành lập tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng cũng như là việc lý giải các sắc phong dưới triều Nguyễn ban tặng cho một số ngôi đình địa phương như Đình Phú Hội ở Đức Trọng được thờ tự các vị thần có lấy địa danh là Đồng Nai Thượng tỉnh. Ngoài ra, những tư liệu lịch sử chính thống này của triều Nguyễn cũng đã góp phần bổ sung thêm những cứ liệu lịch sử ghi chép về tỉnh lỵ Lâm Viên và Đồng Nai Thượng, từ đó xác định rõ địa phận quản hạt của các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai...

NGUYỄN HUY KHUYẾN