Tạo việc làm cho thanh niên từ mô hình nuôi bò thịt

08:03, 29/03/2016

Với mục tiêu tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn tại địa phương, Huyện Đoàn Đức Trọng đã đứng ra vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ đoàn viên thực hiện mô hình nuôi bò thịt phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Với mục tiêu tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn tại địa phương, Huyện Đoàn Đức Trọng đã đứng ra vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ đoàn viên thực hiện mô hình nuôi bò thịt phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả.
 
Nuôi bò thịt - mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho ĐVTN nông thôn
Nuôi bò thịt - mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho ĐVTN nông thôn
Sau quá trình nghiên cứu nhu cầu thị trường, bắt đầu từ tháng 5/2015, Huyện Đoàn Đức Trọng đã quyết định chọn nuôi bò thịt làm mô hình phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên các xã. Hai xã Tân Hội và Ninh Gia được lựa chọn để thực hiện mô hình thí điểm. Mỗi xã gồm 1 tổ hợp tác với 10 thành viên. Các thành viên được lựa chọn vào tổ hợp tác là những đoàn viên, thanh niên thuộc diện khó khăn,  tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, Huyện Đoàn cũng chú trọng ưu tiên các đoàn viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, tại tổ hợp tác xã Tân Hội có 3 thành viên là người dân tộc thiểu số. Mỗi tổ hợp tác được vay với tổng số vốn 200 triệu đồng. Mỗi thành viên của tổ được vay 20 triệu đồng với lãi suất 0,06% và đối ứng 10 triệu đồng để bắt tay vào thực hiện mua bò giống và chăn nuôi.
 
Anh Phạm Minh Long, Bí thư Đoàn xã Tân Hội, cho biết: “Huyện Đoàn hỗ trợ nuôi bò thịt đã tháo gỡ những vướng mắc cho thanh niên trong việc tìm kiếm việc làm phát triển kinh tế. Đồng thời, mô hình này cũng phù hợp với những lợi thế có sẵn của địa phương nên được các bạn thanh niên rất hào hứng tham gia”. Chị Lê Đắc Cẩm Tú (thôn Tân Phú, xã Tân Hội), cho hay: “Trước đây, mặc dù mình rất muốn tự thân làm kinh tế, nhưng gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư phát triển sản xuất cho bản thân là rất khó. May nhờ có chương trình hỗ trợ thanh niên vay vốn của Đoàn xã mà mình có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, mua bò để chăn nuôi. Việc nuôi bò không tốn nhiều thời gian nên mình vẫn có thể làm nhiều việc khác. Thấy hiệu quả từ mô hình mang lại cho gia đình, mình đang dự tính sau khi bán con bò lớn đi sẽ tiếp tục tự đầu tư mua thêm con giống để mở rộng chăn nuôi”.
 
Xã Tân Hội nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Đức Trọng nói chung đa phần đều có đồng cỏ rộng. Ngoài cỏ trồng, người nuôi có thể tận dụng rơm, thân cây bắp, thân cây dâu tằm để làm thức ăn cho bò. Hầu hết các đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ vay vốn đều chọn cách nuôi lồng ghép với chuồng trại của gia đình. Việc đoàn viên, thanh niên đầu tư chăn nuôi bò thịt góp phần mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn và hệ thống chuồng trại có sẵn nên tiết kiệm được nhiều trong khâu đầu tư chăn nuôi. Anh Nguyễn Hiếu (Lương Trung, Tân Hội), cho biết: “Trước khi có chương trình hỗ trợ vay vốn của Đoàn Thanh niên, mình khá lúng túng trong việc lựa chọn vật nuôi cho phù hợp với điều kiện và thời gian của bản thân. Sau khi được Đoàn xã gợi ý nuôi bò thịt, mình đã có thể tận dụng thời gian rảnh vào buổi sáng và buổi tối để cắt cỏ, cho bò ăn, uống nước. Chỉ cần cho ăn đầy đủ thì bò rất mau lớn, cũng không bị nhiều bệnh tật như các vật nuôi khác. Ngoài ra, phân bò còn có thể được tận dụng để ủ xanh, làm phân bón cho cây công nghiệp”. Phần lớn, các thành viên của tổ hợp tác đều lựa chọn bò đực để nuôi. Con bò giống ban đầu có giá từ 15-17 triệu đồng, sau thời gian nuôi 1 năm, một con bò có thể có giá từ 25 - 30 triệu đồng. 
 
Tính đến tháng 3/2016, số bò của 2 tổ hợp tác Tân Hội và Ninh Gia đều phát triển tốt và khỏe mạnh. Thấy được hiệu quả từ hai tổ hợp tác trước, các đoàn viên, thanh niên huyện Đức Trọng ngày càng tin tưởng và hưởng ứng nhiệt tình mô hình vay vốn nuôi bò. Dựa vào thực tế của xã, anh Phạm Minh Long cũng chia sẻ: “Việc thành lập tổ hợp tác để giúp đỡ đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế rất được các bạn đoàn viên, thanh niên quan tâm. Tuy nhiên số lượng 10 người mỗi tổ là quá ít so với số lượng 218 đoàn viên và hơn 1.000 thanh niên của xã”.
 
Anh Nguyễn Vương Tuyền, Bí thư Huyện Đoàn Đức Trọng, cho biết thêm: “Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò xuất phát từ nhu cầu làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên địa phương. Hiện tại, mô hình này cũng đã chứng tỏ được những hiệu quả tích cực. Do đó, trong thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục tiếp cận thêm nguồn vốn, triển khai thêm tại hai xã là Đà Loan và Bình Thạnh”.
 
V. QUỲNH - N. NGÀ