K'Lót không còn tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật

08:12, 05/12/2016

Hình ảnh đàn ông và thanh niên say xỉn gây mất an ninh - trật tự xóm làng đã không còn ở thôn K'Lót, xã Tu Tra, Ðơn Dương. 

Hình ảnh đàn ông và thanh niên say xỉn gây mất an ninh - trật tự xóm làng đã không còn ở thôn K’Lót, xã Tu Tra, Ðơn Dương. 
 
Bà Ma Hơi nói chuyện cùng các thanh niên trong thôn về tác hại của ma túy. Ảnh: Đ. Tú
Bà Ma Hơi nói chuyện cùng các thanh niên trong thôn về tác hại của ma túy. Ảnh: Đ. Tú
Năm 2006, K’Lót được thành lập từ việc tách  230 hộ dân ở cuối thôn R’Lơm thành một thôn mới. Ban đầu cuộc sống vật chất của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, năm 2011 Câu lạc bộ (CLB) “Chi Hội phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật” ra đời bao gồm 40 thành viên tham gia. Qua 6 năm thực hiện, CLB đã phát huy được sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng.
 
Bà Ma Hơi, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn K’Lót cho biết: “Vận động các hội viên và chồng con của họ không vi phạm pháp luật là một điều hết sức khó khăn. Đa phần bà con mình trình độ và nhận thức vẫn còn hạn chế, ngay như việc uống rượu, bia phải vận động riết họ mới giảm dần. Dẫu biết việc này là vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi kiên quyết thực hiện để giữ cho làng xóm được yên bình. Trước đây trong thôn thường xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, thanh niên uống rượu say rồi đánh nhau nhưng giờ mười phần thì chỉ còn một”.
 
Ông Ka Tiêng (1960) nói: “Trước đây, khách đến nhà phải làm dăm ba ly nhưng giờ thì uống nước trà cũng nói chuyện được mà. Bia rượu say sưa là không tốt, vừa mất tiền bạc, thời gian làm việc, rồi xảy ra sự này việc nọ không lường trước được đâu”. 
 
Đều đặn mỗi tuần, chị em trong Hội Phụ nữ thôn K’Lót tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đến từng nhà vận động chồng con không vi phạm pháp luật và tuyệt đối không dính vào ma túy. Bà Ma Hơi lo ngại: “Qua các đợt tập huấn, chị em phụ nữ chúng tôi biết rằng nếu rơi vào ma túy thì chỉ còn nước tan cửa nát nhà, nhiều người nghĩ rằng chỉ thử một lần thì không nghiện nhưng nhiều trường hợp không thể thoát ra được. Người già, trẻ nhỏ thì không lo ngại lắm, lớp thanh niên thì rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Làng xóm không có nhưng khi họ đi nơi khác lao động thì nguy cơ xảy ra rất cao, nhiều đối tượng xấu lợi dụng”.
 
Chị Ma Con, một thành viên của CLB chia sẻ: Có nhiều ông chồng đánh vợ bầm tím mặt mày, mình đến khuyên can thì bảo rằng đó là việc nhà, người lạ không được xen vào. Khi đó mình phải nói năng một cách nhẹ nhàng rồi phân tích việc đánh đập vợ con là vi phạm pháp luật, nếu tái diễn chúng tôi sẽ trình báo với công an để họ giải quyết. Rất nhiều vụ việc liên quan đã được chúng tôi giải quyết khiến mọi người đều tâm phục, khẩu phục. 
 
Ja Nghiêm (1989) là một thanh niên trai tráng của K’Lót, tranh thủ thời gian nông nhàn anh thường đi sang các địa bàn khác để làm thuê, làm mướn. Anh bảo: “Nhiều lúc đi làm ở nơi khác mình cũng bị một số đối tượng xấu rủ rê dùng ma túy, họ bảo rằng chỉ thử một lần cho biết thôi, có chết đâu mà sợ. Nhưng mình kiên quyết không dùng và xin nghỉ để tìm việc ở nơi khác luôn. Vì bản thân mình đã được bà Ma Hơi cùng những người khác nói về tác hại của việc dùng ma túy”.
 
Bà Hoàng Thị Xoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tu Tra cho biết: “Nhóm đối tượng mà câu lạc bộ nhắm đến chính là thanh niên và vị thành niên, vì họ rất dễ bị lôi kéo và dụ dỗ. Phụ nữ thôn K’Lót có nhiều cách làm rất hay như tuyên truyền bằng miệng đến từng người, thông qua các hình ảnh về ma túy, sử dụng ma túy mà cơ quan công an cung cấp. Trong nhiều năm liền, K’Lót là thôn không có người sử dụng hay buôn bán ma túy, chồng con của họ thì chí thú làm ăn, không còn cảnh bạo lực gia đình như trước đây nữa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn cho chị em ở thôn về kiến thức pháp luật để họ có thể giải thích với chồng con của mình một cách có lý có tình nhất”.                              
 
ÐỨC TÚ