Đời sống công nhân ổn định ở nhà máy bauxite

09:06, 15/06/2017

Hơn 1 tháng trước, thông tin tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng chỉ sau 3 năm hoạt động cũng không khiến nhiều người ngỡ ngàng, hoang mang. Có chăng, chỉ là thêm sự khẳng định những dự đoán, mối lo, sự quan ngại bấy lâu… là đúng.

Hơn 1 tháng trước, thông tin tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng chỉ sau 3 năm hoạt động cũng không khiến nhiều người ngỡ ngàng, hoang mang. Có chăng, chỉ là thêm sự khẳng định những dự đoán, mối lo, sự quan ngại bấy lâu… là đúng. Lại là dịp để “thức dậy” những âu lo về bùn đỏ, môi trường... Thế nhưng đến Bảo Lâm, nghe lãnh đạo huyện, gặp người lao động ở “tâm” bauxite, lại không thấy sự lo lắng, rối bời mà trái lại khá an yên...
 
Một góc khai trường tuyển quặng nguyên khai. Ảnh: N.T.T
Một góc khai trường tuyển quặng nguyên khai. Ảnh: N.T.T
Lỗ lớn, lãi nhỏ
 
Nửa đầu tháng 3/2017, báo cáo kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy những điều đáng quan ngại về nhiều nội dung hoạt động kinh doanh của TKV. Riêng Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động (tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016) đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng - vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá). Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng…
 
Thông tin ấy, thoạt nghe thật rúng động. Không rúng động sao được, khi nhẩm tính mỗi năm thua lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, mà hoạt động chỉ là khai thác lộ thiên, chế biến bán thành phẩm alumin để xuất khẩu. Không rúng động sao được, khi trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hễ nhắc đến bauxite là đã thấy rất nhiều luồng thông tin trái chiều, vượt trội vẫn là những u ám, mịt mờ…
 
Nguyên nhân thua lỗ được chỉ ra rõ ràng, đó là do đội vốn đầu tư (từ tổng mức đầu tư là 7.787,5 tỷ đồng - năm 2006, vọt lên 15.414,4 tỷ đồng - tháng 10/2013), điều chỉnh tăng thêm công suất (từ 500.000 tấn thành 650.000 tấn/năm), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu, do thay đổi công nghệ sản xuất alumin, Nhà nước thay đổi chính sách thuế xuất khẩu alumin, thuế tài nguyên, phí môi trường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng... Bên cạnh đó, là các nguyên nhân khác như do trượt giá, do kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu hạn chế, giá alumin, nhôm thế giới sụt giảm... Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng cho biết tính đến cuối năm 2016, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin, nhôm hồi phục nên “dự kiến năm 2017, dự án sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm)”.
 
Ông Phạm Dũng Sỹ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV (LDA) - đơn vị tổ chức quản lý vận hành toàn bộ Dự án tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng theo hình thức vận hành thuê cho TKV theo giá khoán nội bộ, giao hàng trên phương tiện vận tải tại nhà máy từ ngày 1/10/2013 - cho rằng: “Dự án nhạy cảm rồi, trong giai đoạn dài khủng hoảng truyền thông. Nhưng đến bây giờ đã chứng minh là ổn”. Theo ông Sỹ, số lỗ được công bố là thật, nhưng là lỗ trong kế hoạch, đã được tính toán từ trước. Ông Sỹ còn thông báo, “từ cuối năm 2016 đã có lãi rồi, giảm lỗ kế hoạch xuống còn 3 năm. Riêng quý 1/2017, sơ bộ lãi khoảng 20 tỷ đồng. Nếu chỉ tính nhà máy vận hành thuê, mấy năm rồi năm nào cũng lãi một chút”. 
 
Nói về nguyên nhân thua lỗ, theo ông Sỹ, có thời điểm giá alumin thế giới xuống rất thấp, chỉ 200 USD/tấn trong khi theo tính toán của TKV, giá hòa vốn là 326 USD/tấn. Lại thêm chi phí lãi vay, khấu hao thời gian đầu khá cao, cùng với đó là công suất thấp, chi phí vận hành cao, chưa làm chủ được công nghệ… nên thua lỗ là khó tránh khỏi. Nhưng hiện nay, nhà máy không chỉ làm chủ về công nghệ, mà còn cải tiến một số khâu cho phù hợp với tính chất khí hậu; giảm vật tiêu hao một số nguyên vật liệu chính... khiến giá thành sản xuất giảm từ khoảng 5,7 triệu đồng/tấn xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tấn… “Hiện giá thành sản xuất cạnh tranh ngang bằng với các nhà máy alumin trên thế giới, giá hòa vốn vào khoảng 300 USD/tấn, trong khi giá alumin xuất tại Cảng Gò Dầu (Đồng Nai) dao động ở mức 320-350 USD/tấn”, ông Sỹ cho hay. 
 
Tôi nhớ, khi nhắc đến những nghi ngại xung quanh dự án bauxite, ông Hoàng Trọng Hiền - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm - thẳng thắn: “Nhắc đến bùn đỏ cứ nghĩ là ghê gớm lắm, đặc biệt sau vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary thì sợ lắm, khủng khiếp lắm. Nhưng có gì đâu. Tận mắt mới thấy mọi cái nó như thế, như thế… Rồi chuyện hoạt động không hiệu quả. Tôi hỏi có doanh nghiệp nào, dự án nào khổng lồ như thế mà thu hồi vốn ngay được không?”. 
 
Đổi thay…
 
Phó Tổng Giám đốc LDA Phạm Dũng Sỹ là người địa phương, tham gia làm bauxite từ khi còn là dự án, nên chứng kiến rõ những đổi thay trên vùng đất này. “Ngày trước, cũng đường nhựa nhưng hẹp và xấu lắm, toàn ổ gà. Tập đoàn TKV đóng góp 174 tỷ đồng để làm khoảng 20km đường từ ngã ba Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc vào tận nhà máy”, ông Sỹ cho biết. Không chỉ đường được mở rộng, trải nhựa dễ đi, mà các lãnh đạo thị trấn Lộc Thắng - nơi Công ty LDA đứng chân, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đều khẳng định rằng, dự án đã tác động rất lớn, tạo cú huých phát triển đối với một địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng được đầu tư rất nhiều, bên cạnh đó là giáo dục, y tế, văn hóa… So với trước, khi dự án vào giá đất tăng rất cao, gấp vài chục lần. Rồi các ngành “ăn theo” phát triển, như: dịch vụ, thực phẩm, cung cấp cát, đá… Nhiều lao động nông nhàn, trình độ không cao được tham gia, tiếp nhận làm việc tại công ty, nhiều người được đưa đi Trung Quốc đào tạo, được học nghề... Dự án còn tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, như vận tải, xây dựng. 
 
Chỉ một chi tiết nhỏ thôi, nhưng cũng thấy sự đổi thay thấy rõ của địa phương, theo ông Sỹ, đó là “trước đây cả thị trấn chỉ có 1-2 quán ăn sáng, giờ thì không đếm nổi”. Rõ là như thế rồi, bởi khi có cung ắt có cầu. Riêng số lao động làm việc trực tiếp tại LDA cũng là rất đáng kể, với 1.669 người, trong đó có 1.260 lao động địa phương, 67 lao động là người dân tộc thiểu số... Với mức lương bình quân 8,1 triệu đồng/tháng (năm 2016), chi phí cho sinh hoạt, dịch vụ cũng không đến nỗi tùng tiệm, chắt bóp… Nên, thêm nhiều công ăn, việc làm, thu nhập, bộ mặt đô thị, đời sống của người dân đổi thay tích cực là dễ hiểu. 
 
Vào khu vực đóng bao alumin, tôi gặp Hứa Phùng Thanh Hải, 24 tuổi, “đang dọn vệ sinh máy, dây chuyền”. Hải quê ở thành phố Bảo Lộc, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải ở thành phố Hồ Chí Minh đã xin việc ở Công ty LDA và “mới làm được 2 tháng, việc chính là đóng bao, thu nhập theo sản phẩm, tháng đầu tiên lương thử việc chưa biết được bao nhiêu, vì chưa biết cách tính”. Phân xưởng ồn ĩ tiếng máy cẩu hàng, xe nâng như con thoi vận chuyển những bao alumin để bốc lên xe tải đến cảng xuất hàng mãi tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi gặp Nguyễn Khắc Tuân (quê Hà Tĩnh), sinh năm 1985, có thâm niên làm việc 7 năm. Khi vào Lâm Đồng làm việc, Tuân được cử đi học 3 năm ở Thái Nguyên rồi về làm thợ sửa chữa tổng hợp, nay đã được tín nhiệm làm đốc công phân xưởng sửa chữa tổng hợp, phụ trách bộ phận đóng bao-cẩu trục-xe nâng. Tuân cho biết, “trừ bảo hiểm, lương còn khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, sức khỏe bảo đảm, chỉ hơi bụi một chút”. Tuân còn có anh ruột làm ở phòng KCS của mỏ tuyển, hai anh em là thế hệ thứ ba làm việc cho Tập đoàn TKV. Tuân khoe, vừa “cắm” sổ lương vay 100 triệu đồng trừ nợ dần hằng tháng, công đoàn cho vay không lãi suất 30 triệu đồng để làm nhà. Có nhà mới, đã thực sự “an cư”, Tuân phấn khởi và tự tin sẽ “lạc nghiệp”, có một cuộc sống đủ đầy, an yên.
 
Thực tế, so với mặt bằng chung của địa phương, mức thu nhập của cả gần 1.700 người lao động ở LDA là trội hơn. Cũng vì thế, dù công ty có xây nhà tập thể với đầy đủ cơ sở vật chất như sân bóng đá mini, tennis, nhà thi đấu đa năng... nhưng cũng không nhiều công nhân đến ở dù miễn phí hoàn toàn, vì thiếu dịch vụ, vì xa trung tâm, không thuận tiện sinh hoạt, vui chơi giải trí… Thế nên, chưa có nhà riêng thì công nhân thuê nhà ở khu trung tâm, vì công ty có xe buýt đưa-đón đi làm hằng ngày. Bà Phạm Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Công đoàn LDA - làm công tác công đoàn từ năm 2007, mãi đến năm 2014 mới chuyển sang làm chuyên trách. Bà Hòa cho biết, chế độ tiền lương cho người lao động rất tốt, công ty quan tâm hết mức, từ ốm đau, hỗ trợ xây nhà từ “Mái ấm công đoàn”, quỹ hỗ trợ đoàn viên. Với nguồn quỹ do đoàn viên đóng góp 20.000 đồng/tháng, đến nay công đoàn đã cho 4 đối tượng vay tổng cộng 120 triệu đồng, tối đa 15 tháng không lãi suất. Thực tế, quỹ mới thành lập, “mới được 220 triệu đồng, vì công nhân chưa quen lắm, vẫn đang vận động”, nhưng ngoài số cho vay cũng đã hỗ trợ 2 gia đình, mỗi gia đình 5 triệu đồng để sửa nhà... Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ thêm từ quỹ phúc lợi đối với những đối tượng khó khăn mỗi hộ 10 triệu đồng, sau khi công đoàn có ý kiến. Riêng ăn ca, công nhân được miễn phí hoàn toàn suất ăn 25.000 đồng/người/ngày, kèm theo là các suất ăn bồi dưỡng độc hại, tùy theo vị trí làm việc sẽ có giá 10-15-20.000 đồng/người/ngày… “Chế độ chính sách, dịch vụ đầy đủ, công nhân yên tâm, tích cực công tác”, bà Hòa cho biết. 
 
Để động viên, khuyến khích, tăng tính sáng tạo, chủ động trong công việc, công ty còn đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá người lao động khác nhau. Ông Sỹ cho biết, hàng năm, công ty đều bình xét nhân viên giỏi, thợ giỏi vào các nhóm A-B, với mức thu nhập chênh nhau gần 3 triệu đồng/tháng. “Những đối tượng nhóm A ngoài lương cao còn được ưu tiên một số tiêu chuẩn khác, ví như đi họp kết hợp du lịch ở ngoài tỉnh… Như vậy, cũng đủ mức khuyến khích người lao động cống hiến và sáng tạo”, ông Sỹ nói.
 
***
 
Suốt hơn một thập niên trở lại đây, tôi đã nghe nhiều về bauxite, với đủ các kênh, luồng thông tin khác nhau, đa số là nhạy cảm, ảm đạm, mịt mờ... Một lần tận thấy, trực tiếp nghe, nhìn những góc cạnh, lát cắt bề nổi, thoảng qua, chợt thấy một bauxite với đời sống người lao động khấm khá, cuộc sống an yên... Nên cứ tin, cứ mong là như thế, không chỉ với gần 1.700 lao động ở LDA, không chỉ với người dân thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm được đổi thay trông thấy, tích cực hơn... Mà, được thấy mỗi khi nhắc về bauxite, là vợi dần những âu lo, bất an…
 
NGUYỄN TRI THỨC