Nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

06:09, 11/09/2019

Miệt mài ngày đêm để dệt nên những tấm thổ cẩm với đường nét sinh động và hoa văn đầy bắt mắt, chị Ka Nghiên (47 tuổi, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) luôn mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và phát huy nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc Châu Mạ.
 

Miệt mài ngày đêm để dệt nên những tấm thổ cẩm với đường nét sinh động và hoa văn đầy bắt mắt, chị Ka Nghiên (47 tuổi, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) luôn mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và phát huy nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc Châu Mạ.
 
Dù bận rộn đến bao nhiêu thì mỗi ngày chị Ka Nghiên vẫn dành thời gian ngồi bên khung dệt. Ảnh: T.T.H
Dù bận rộn đến bao nhiêu thì mỗi ngày chị Ka Nghiên vẫn dành thời gian ngồi bên khung dệt. Ảnh: T.T.H
 
Dành trọn tình yêu với nghề dệt
 
Những ngày đầu tháng 9, khi những người dân trong thôn Bảo Tuân (xã Bảo Thuận) đang bận rộn đeo gùi lên rẫy làm cà phê thì trong ngôi nhà nhỏ của chị Ka Nghiên - người phụ nữ Châu Mạ duy nhất trong xã Bảo Thuận hiện nay biết dệt thổ cẩm, không vì thế mà vắng đi tiếng lạch cạch thoi đưa từ những thanh tre đã cũ kĩ.
 
Chị Ka Nghiên cởi mở kể: “Sinh ra là con gái Châu Mạ thì phải biết dệt thổ cẩm nên khi lên 15 tuổi, tôi bắt đầu học dệt từ bà và mẹ. Lúc mới bắt đầu làm, ngoài học từ bà và mẹ thì tôi lại tận dụng những lần sang chơi nhà mấy đứa bạn, rồi “lén” nhìn và làm theo vì hoa văn trên tấm thổ cẩm của người Châu Mạ rất đa dạng”. 
 
Tận tình hướng dẫn, giới thiệu tỉ mỉ từng bộ phận của khung dệt và các bước để tạo ra một tấm thổ cẩm cơ bản, chị Ka Nghiên vui vẻ nói: “Nhìn thì có vẻ khó nhưng làm quen rồi thì thấy cũng bình thường. Nhiều người sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể hoàn thiện được tấm thổ cẩm nhưng với riêng bản tôi, tôi cảm thấy mình như có duyên với nó. Ngay từ ngày tôi đặt tay lên khung dệt, tôi nhìn theo mẹ rồi làm và cứ thế cho hết ngày tôi đã tự tạo ra cho mình một chiếc túi nhỏ”. 
 
Nâng niu tấm thổ cẩm trên tay, chị Ka Nghiên bộc bạch: “Quan niệm từ xưa của bà, mẹ để lại là những cô gái Châu Mạ đều phải tự tay mình dệt ra được những tấm vải thổ cẩm. Trước hết là để bản thân sử dụng, sau nữa là cả gia đình. Ngoài việc làm những tấm áo váy đẹp, các cô gái Châu Mạ còn phải tự mình dệt áo nữ (Ồi mbản) và áo nam (Ào Kroh) để làm đồ sính lễ mang đến nhà trai trong ngày cưới. Tất cả các loại hoa văn trên vải thổ cẩm của người Châu Mạ trước đây tôi đều làm được. Mình vừa bán, vừa làm cho con cháu mặc trong đám cưới”.
 
Những sản phẩm độc đáo và đẹp mắt như: tấm đắp, khố, váy, túi xách, những đồ dùng trang trí... thể hiện nét đẹp riêng của người con gái Châu Mạ.
 
Sợ mai này chẳng còn ai biết dệt
 
Là câu nói đầy trăn trở và lo âu hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ 47 tuổi này khi nghĩ tới việc tiếp nối nghề truyền thống của bà, mẹ để lại. “Ngày còn nhỏ, hầu hết nhà nào có phụ nữ thì đều biết dệt. Cứ mỗi lần đi chơi hay lên nương làm rẫy về cũng đều thấy các bà, các mẹ trong thôn ngồi làm. Chứ giờ, khó bắt gặp được những hình ảnh đó lắm” - chị Ka Nghiên buồn bã nói.
 
Vừa xếp những chồng thổ cẩm đã dệt xong đợi giao cho khách hàng, chị Ka Nghiên giãi bày: Hầu hết thanh niên trong thôn bây giờ không còn hứng thú với việc tự tay mình dệt trang phục thổ cẩm truyền thống. Trừ những lúc bắt buộc phải mặc như: dịp lễ, tết, cưới hỏi... thì lại đi mua hoặc có của bà, mẹ để lại. 
 
“Không đâu xa, giờ đến cả trong gia đình tôi có 2 đứa con gái và cô con dâu mà chẳng đứa nào biết dệt thổ cẩm”, chị Ka Nghiên nói.
 
Và có lẽ sau khi mẹ mất, tài sản quý giá của 4 chị em chị Ka Nghiên là món đồ nghề dệt thổ cẩm của mẹ để lại. “Là nghề truyền thống của gia đình nên khi mẹ mất mấy chị em vẫn tiếp tục dệt thổ cẩm. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà bản thân còn muốn gìn giữ những điều gì tốt đẹp nhất của người đồng bào mình. Tôi không ngại chỉ dạy cho tụi nhỏ làm, nên vừa rồi Huyện đoàn Di Linh có dẫn một tốp học sinh chừng 30 người đến tìm gặp và muốn biết thêm về nghề dệt, tôi đồng ý ngay” - chị chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Broh - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Bảo Thuận chỉ có chị Ka Nghiên là người còn lại biết dệt thổ cẩm. Và để lưu giữ nét đẹp văn hóa của người đồng bào dân tộc Châu Mạ, địa phương vẫn luôn quan tâm, khuyến khích đến thế hệ trẻ, nhất là con em người đồng bào dân tộc Châu Mạ theo học nghề dệt thổ cẩm”.
 
THÂN THU HIỀN