Tự tháo dỡ nhà kính, trả lại mảng xanh cho Ðà Lạt

06:09, 23/09/2019

Với mong muốn dành trả lại một phần không gian xanh cho Đà Lạt như vốn có, anh Nguyễn Thanh Tân (Phường 8, TP Đà Lạt) đã tự tay tháo dỡ từng mảng nhà kính, quay trở về làm vườn ngoài trời theo hướng hữu cơ.

Với mong muốn dành trả lại một phần không gian xanh cho Đà Lạt như vốn có, anh Nguyễn Thanh Tân (Phường 8, TP Đà Lạt) đã tự tay tháo dỡ từng mảng nhà kính, quay trở về làm vườn ngoài trời theo hướng hữu cơ.
 
Anh Nguyễn Thanh Tân tự tay tháo dỡ nhà kính
Anh Nguyễn Thanh Tân tự tay tháo dỡ nhà kính
 
Quyết định tháo dỡ nhà kính, quay trở lại lối canh tác truyền thống như thời “ông bà anh” của anh Tân khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ai hiểu thì đồng cảm, ủng hộ. Người không biết thì cứ ngỡ có một người làm nông nghiệp kiểu “mộng mơ”.
 
Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, hơn 40 năm sinh sống và làm việc ở Đà Lạt, anh Tân chẳng thể tin nổi những thay đổi mà hằng ngày mình đang chứng kiến. Nhà kính san sát mọc lên, trắng xóa cả một vùng. Dân cư đông đúc, khí hậu ngày càng nóng lên khiến con người trở nên ngột ngạt…
 
Khu vườn được anh Tân chăm sóc từ 2 năm nay, lấy tên Smile Garden (Nhà Cười). Khi tiếp nhận lại, khu vườn với diện tích hơn 3.000 m 2 nhà kính đang trồng dâu tây, anh Tân đã phải bỏ ra một chi phí khá lớn, khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng, không chấp nhận việc canh tác trong nhà kính phá vỡ những sự cân bằng của tự nhiên nên anh đã quyết định từng bước tháo dỡ. 
 
Theo cách ví von của anh Tân, nhà kính giống như một chiếc lồng lớn, úp xuống đất và không cho nắng, mưa, gió… len lỏi vào. Và thế, đất sẽ trở thành một môi trường nhân tạo, dần dần mất đi hệ sinh thái vốn có. Cùng đó là những hệ quả xảy ra ô nhiễm nguồn nước, như khí hậu nóng lên. Chẳng thể phủ nhận những giá trị kinh tế mà sản xuất nông nghiệp trong nhà kính mang lại cho người nông dân Đà Lạt những năm qua. Thế nhưng việc quy hoạch và sử dụng nhà kính thế nào cho hợp lý đang là vấn đề được đặt ra. ,Trước mắt, anh Tân tiếp tục trồng các loại rau, hoa theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn cho khu vườn và chính mình. Chúng có thể sẽ khiến anh trở nên vất vả hơn bởi lối canh tác truyền thống, nhưng anh hài lòng khi đã tạo ra được một giá trị về mặt tinh thần, đầu tiên là cho chính mình, sau đó là việc cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau, củ sạch, từ vườn cho đến bàn ăn. Anh Tân chia sẻ rằng chỉ cần thay đổi cách nhìn và hành động thì sẽ thấy rằng đôi khi, nhiều vấn đề không còn trở nên quá đỗi nặng nề.
 
Bên cạnh đó, anh Tân cùng những người bạn của mình đang thực hiện dự án trả lại mảng xanh cho Đà lạt với nhiều hoạt động, điển hình như tổ chức các phiên chợ nông sản, nơi những người nông dân đưa các sản phẩm hữu cơ của mình đến trưng bày và bán cho khách đến tham quan. Một gian hàng như thế vẫn được anh chuẩn bị trong nhiều ngày qua, nơi khách hàng có thể tự đến, mua rau, và trả tiền ngay cả khi chủ nhà đi vắng. 
 
H.THẮM