Bệnh dịch tả lợn Châu Phi làm thiệt hại hơn 156 tỷ đồng

10:10, 11/10/2019

(LĐ online) - Ngày 10/10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

(LĐ online) - Ngày 10/10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
 
Toàn cảnh Hội nghị diễn ra sáng nay
Toàn cảnh Hội nghị 
 
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đến nay (tính tới ngày 8/10), dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 1.823 hộ thuộc 389 thôn của 83 xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thành phố làm 53.706 con lợn mắc bệnh; số lợn đã tiêu hủy là 53.348 con (chiếm 15 % tổng đàn của tỉnh thời điểm tháng 7/2019 và chiếm 15,6% so với tổng đàn của 10 địa phương có dịch). Trọng lượng tiêu hủy là 3.784.307 kg và ước thiệt hại hơn 156 tỷ đồng. 
 
Hiện, còn hai huyện Đơn Dương và Lạc Dương chưa phát hiện có lợn mắc bệnh. Có 21 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, tại một số địa phương do công tác phòng ngừa chưa tốt nên dịch bệnh đang có chiều hướng phát sinh trở lại. 
 
Theo nhận định của Sở NN&PTNT, từ khi xuất hiện dịch số hộ có lợn bị nhiễm bệnh, số lợn bị tiêu hủy tại các địa phương tăng hàng tuần. Trong đó, các địa phương có diễn biến dịch tăng nhanh và có số lợn bị tiêu hủy trên tổng đàn chiếm tỷ lệ cao như: Cát Tiên (45,06%), Đức Trọng (27,55%), Bảo Lâm (24,51%), Di Linh (21,62%). Các địa phương còn lại có tỷ lệ thấp hơn nhưng vẫn xảy ra và kéo dài như: Đam Rông (15,9%) Bảo Lộc (10,71 %), Đà Lạt (9,54%), Đạ Huoai (8.08%) Lâm Hà (5,12%) và Đạ Tẻh (3.08%).
 
Đáng lưu tâm là bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có xu hướng xâm nhiễm từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ vào các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và có dấu hiệu lây lan ra các địa phương khác. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các sở, ngành, địa phương đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp để ngăn chặn, khống chế dịch, không để lây lan. Tăng cường vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; phân bổ đủ số lượng vắc xin, hóa chất phục vụ tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc; khuyến cáo người dân tái đàn cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần khuyến cáo người chăn nuôi chỉ tái đàn sau khi hết dịch 30 ngày và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn và tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, các sở, ngành liên quan khẩn trương phối hợp với các địa phương, Sở NN& PTNT trong công phòng chống dịch; Sở Tài chính tiếp nhận kinh phí từ Trung ương sớm phân bổ kinh phí, hướng dẫn cho các địa phương hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định. 
 
C.PHONG