Nước về trên những dòng kênh xanh

05:05, 28/05/2020

Với vị trí một tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm, phần đông cư dân sống ở nông thôn luôn coi thủy lợi là một hoạt động trọng điểm, vì vậy Lâm Đồng không chỉ đưa nước về tưới cho cây trồng mà còn chăm lo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn. 

Với vị trí một tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm, phần đông cư dân sống ở nông thôn luôn coi thủy lợi là một hoạt động trọng điểm, vì vậy Lâm Đồng không chỉ đưa nước về tưới cho cây trồng mà còn chăm lo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn. 
 
 Hồ Đạ Sị (Cát Tiên) đang được thi công.
Hồ Đạ Sị (Cát Tiên) đang được thi công.
 
Và nước xanh trên những dòng kênh xanh
 
Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi chia sẻ, nước tưới là nhu cầu cấp thiết với tất cả các loại cây trồng. Lâm Đồng là một tỉnh có cây trồng khá đa dạng, từ cây công nghiệp, cây ăn trái, lúa, hoa màu và có cả hàng vạn ha đất canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Và, với đặc thù vùng cao nguyên, thủy lợi Lâm Đồng có thể coi là một thách thức không nhỏ.
 
Năm 2019, tổng số các công trình thủy lợi của Lâm Đồng đạt 430 công trình, đã chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.606 ha đất canh tác, tương đương 60 ngàn ha đất gieo trồng. Trong số 1.200 km kênh mương đã có 885 km được kiên cố hóa. Tổng diện tích gieo trồng được tưới bằng tất cả các giải pháp là 126.816 ha trên tổng số 256.400 ha, đạt tỷ lệ 63,50%. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 57.714 ha và đã có 37.900 ha được tưới tiết kiệm nước, tương đương 14,78% diện tích gieo trồng.
 
Đạ Lây, hồ chứa nước nằm trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có dung tích chứa trên 8 tỷ m3 nước là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hồ đang cung cấp nước tưới cho trên 1.400 ha đất nông nghiệp của 2 xã Đạ Lây và Hương Lâm, đồng thời cấp nước sinh hoạt cho hơn 7 ngàn hộ dân xung quanh. Giai đoạn 2, ngành thủy lợi đang xúc tiến bố trí vốn để xây dựng hạng mục kênh dẫn nước, đưa nước hồ tới tận những cánh đồng đang chờ dòng nước. Hồ chứa nước Đạ Sị cũng đang được thi công với mục tiêu tưới cho 2.500 ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho 15 ngàn hộ dân vùng nóng Cát Tiên. Ông Nguyễn Hà Lộc vui mừng chia sẻ thêm: Hai hồ chứa nước Đông Thanh (Lâm Hà) và Ta Hoét (Đức Trọng) cũng đã được bố trí vốn chuẩn bị khởi công. Những hồ chứa nước sẽ giúp hàng ngàn ha cà phê, lúa, rau màu được tưới tắm xanh tốt cũng như hàng vạn nông hộ được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt. 
 
Riêng năm 2020, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ hỗ trợ đào khoảng 719 ao, hồ nhỏ, tăng diện tích tưới thêm khoảng 3 ngàn ha. Với phương thức “nông dân thực hiện công trình, Nhà nước đầu tư ca máy”, hiện hỗ trợ đang ở mức 70% giá trị ca máy đào với nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và hỗ trợ 50% với vùng còn lại. Mỗi năm, Lâm Đồng cấp 10 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ nông dân các địa phương đào ao, hồ từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

 

Nước sạch nông thôn và ao, hồ nhỏ

Một trong những thành công nhất của nông nghiệp Lâm Đồng là đề án ao, hồ nhỏ phục vụ tưới cho nhóm nông hộ. Một ao, hồ nhỏ sẽ giúp một nhóm hộ chủ động nước tưới, không phụ thuộc vào kênh mương hay nước trời. Đặc biệt, với vùng cà phê, ao, hồ nhỏ là giải pháp hiệu quả do không cần tưới quanh năm, đất lại thường có độ dốc cao, không thuận lợi cho hệ thống kênh mương. Từ những ao, hồ nhỏ tự phát của người dân, Lâm Đồng đã tích cực hỗ trợ bà con đào ao, hồ trữ nước. Với phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, từ năm 2016 - 2019, đã có 2.404 ao, hồ nhỏ với khối lượng đào 6,3 triệu m3, tưới cho trên 9 ngàn ha diện tích đất canh tác. Đề án ao, hồ nhỏ được nông dân toàn tỉnh, từ vùng cà phê cho tới vùng cây ăn trái hưởng ứng nhiệt tình. 
 
Từ thực tế địa phương, Lâm Đồng đã có nhiều kinh nghiệm quý góp phần giúp nhiều tỉnh lân cận có điều kiện tương tự triển khai xây dựng ao, hồ nhỏ. Đây có thể coi là sáng kiến hiệu quả, hữu ích của nông nghiệp Lâm Đồng, góp phần giúp quá trình xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững. 
 
Hồ chứa nước nhiều, nước sạch cũng được đưa tới từng buôn, từng thôn. Hiện Lâm Đồng có 245 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và hàng vạn nguồn cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Xấp xỉ 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, giúp chất lượng đời sống cư dân được cải thiện rõ rệt. 
 
Thủy lợi thời 4.0
 
Ông Nguyễn Hà Lộc chia sẻ rất hào hứng về chương trình hiện đại hóa ngành thủy lợi. Hiện hàng trăm hồ, đập, trạm, hệ thống kênh mương... đang được số hóa, quản lý bằng công nghệ thời 4.0. Tất cả các thông tin về hệ thống thủy lợi được thu thập, bằng văn bản, bằng hình ảnh, bằng clip... quản lý trên mạng. Đây là công việc lâu dài và cần sự kiên nhẫn nhưng tới khi hoàn thành sẽ giúp số hóa thông tin quản lý, giúp việc xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi hiệu quả, nhanh gọn hơn rất nhiều. Ông cũng chia sẻ, ngành thủy lợi Lâm Đồng còn rất nhiều điều cần tiếp tục cải thiện, từ xây dựng mới, sửa chữa các công trình xuống cấp do quá lâu ngày cho tới ứng dụng các kỹ thuật tưới hiện đại.
 
Ông Lộc cũng cho biết thêm, Lâm Đồng định hướng phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ như ao, hồ, thủy lợi nội đồng. Và sẽ chú trọng tới mở rộng tưới tiên tiến tiết kiệm nước, giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá, giữ gìn và xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
 
DIỆP QUỲNH