Xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng trùn quế

05:05, 13/05/2020

Để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày từ hộ gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đơn Dương đã triển khai mô hình "Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế". 

Để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày từ hộ gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương đã triển khai mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế”. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. 
 
Phân và dịch trùn quế được người dân dùng để bón và tưới cho cây trồng.
Phân và dịch trùn quế được người dân dùng để bón và tưới cho cây trồng.
 
Mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế” được Hội LHPN huyện Đơn Dương phối hợp với Hợp tác xã Trùn quế Đơn Dương triển khai từ tháng 10/2019 bởi chương trình phát 100 compost (phân hữu cơ) trùn quế cho 100 hộ dân tại xã Lạc Lâm và thị trấn Thạnh Mỹ được chọn làm thí điểm thực hiện mô hình.
 
Theo đó, các hộ gia đình được nhận compost trùn quế miễn phí với điều kiện phải cam kết sau 2 tháng sẽ nhân thêm số lượng trùn quế nhằm mục đích để người dân sử dụng hiệu quả compost. Đồng thời, nhân giống thêm trùn quế để chia sẻ cho những hộ gia đình khác có nhu cầu sử dụng. 
 
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết: Mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế” tại hộ gia đình sạch sẽ, thuận tiện hơn nhiều so với việc xử lý rác như thông thường. Mọi người không những có thể xử lý rác tiện lợi tại nhà bằng trùn quế, giảm thiểu lượng rác hữu cơ thải ra môi trường mà còn có thể dùng phân trùn quế để trồng cây xanh, rau sạch tạo môi trường sống xanh. 
 
Thực tế, trùn quế mang lại rất nhiều lợi ích, nuôi trùn quế người dân có thể tận dụng được nguồn rác phế phẩm trong sinh hoạt gia đình như rau, củ, quả hư, thức ăn thừa và chất thải chăn nuôi. Phân trùn quế có hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất tốt cho cây trồng. Sau 2 tháng nuôi, trùn quế sẽ cho dịch, dịch trùn hòa với nước tưới cho cây, thịt trùn còn được làm thức ăn dinh dưỡng cho gà, chim, cá.
 
Qua đợt kiểm tra tại các hộ gia đình tham gia mô hình, có thể thấy mô hình xử lý rác hữu cơ bằng trùn quế thực sự mang lại hiệu quả. Nhiều hộ gia đình chăm sóc trùn tốt, đã biết cách nhân giống, số lượng trùn tăng lên sau thời gian chăm sóc, lượng rác thải từ gia đình thải ra môi trường được giảm đáng kể. 
 
“Trung bình mỗi hộ gia đình thải ra từ 1 - 2 kg rác hữu cơ, một tháng một hộ thải khoảng 45 kg rác. Như vậy, cứ 10 hộ tham gia mô hình có thể giảm thiểu được 450 kg rác thải hữu cơ ra ngoài môi trường” - bà Thanh cho biết.
 
Là hộ thực hiện thí điểm mô hình, chị Trần Thị Thúy Ngà, ở tổ dân phố M’lọn (thị trấn Thạnh Mỹ) chia sẻ: Tham gia mô hình này tôi thấy rất hay, nuôi trùn quế đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bỏ thức ăn, rau củ thừa hay hoa quả hư, trùn quế sẽ ăn hết, đặc biệt là không gây mùi hôi. Phân bón và dịch trùn quế mình dùng để trồng và tưới cây, cây phát triển tốt và lớn nhanh trông thấy. Hiện, gia đình mình đã nhân giống trùn quế sang được rất nhiều thùng.
 
“Tuy nhiên, bên cạnh những gia đình sử dụng hiệu quả compost trùn quế thì vẫn còn một số hộ vẫn chưa biết cách chăm sóc, chưa phân loại được loại rác, khiến trùn không xử lý hết được. Do đó, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại và lượng thức ăn vừa đủ cho trùn, phương pháp lấy dịch trùn và sử dụng phân trùn đúng cách để mô hình thực sự hiệu quả”, bà Thanh cho biết thêm. 
 
Để mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế” được lan rộng, Hội LHPN huyện Đơn Dương cũng đã tổ chức các buổi phát động tại các khu dân cư, tiểu thương ở các chợ, khuyến khích người dân sử dụng compost trùn quế. Mô hình cũng được Hợp tác xã Trùn quế Đơn Dương trợ giá 30% so với giá bán ra trên thị trường. Qua đó, Hội LHPN huyện Đơn Dương mong muốn người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo nên thói quen sử dụng trùn quế để xử lý rác thải hữu cơ, giúp giảm lượng rác từ hộ gia đình thải ra môi trường. 
 
Từ những hiệu quả bước đầu, thời gian tới, Hội LHPN huyện Đơn Dương dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến các xã khác trên địa bàn huyện, với mục tiêu để mỗi gia đình đều có thùng compost trùn quế xử lý rác hữu cơ tại nhà. Từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 
 
NHẬT QUỲNH