Bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

06:09, 21/09/2020

Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 trên địa bàn huyện Đức Trọng luôn được các ngành, các cấp trong huyện quan tâm, tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan.

Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 trên địa bàn huyện Đức Trọng luôn được các ngành, các cấp trong huyện quan tâm, tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan.
 
Bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, trao quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã Tà Hine, huyện Đức Trọng
Bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, trao quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã Tà Hine, huyện Đức Trọng
 
Theo UBND huyện Đức Trọng, huyện hiện có 63.948 trẻ em; trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.340 trẻ. Trong những năm qua, thông qua các hoạt động sinh hoạt hè, Tháng hành động vì trẻ em, UBND huyện đã triển khai thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em; giáo dục giới tính; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, các trường học cũng thường xuyên đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh thông qua các buổi ngoại khóa tại trường hay thông qua các hoạt động Đoàn - Hội. Mặt khác, chính quyền địa phương các xã, thị trấn cũng đã chủ động phối hợp với MTTQ huyện và các đoàn thể chính trị, xã hội động viên Nhân dân thi đua thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và Cuộc vận động Xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện còn lồng ghép tuyên truyền, vận động công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với sinh hoạt chi hội phụ nữ, sinh hoạt Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ nuôi, dạy con tốt”... 
 
Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua, UBND huyện đã chú trọng công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016. Toàn huyện có 20.424 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được duy trì ở 15/15 xã, thị trấn. 
 
Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,3%; có 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn huyện luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Qua tuyên truyền, vận động, các bậc cha mẹ đã quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho con em mình; đến cuối năm 2019, có 80% trẻ em được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đồng thời, các trạm y tế đã phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh như: Khám sức khỏe định kỳ, khám và nhổ răng, tiêm phòng... Từ năm 2017 đến nay, các ngành chức năng của huyện đã tổ chức được hơn 15 đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 15 ngàn lượt người, trong đó có hơn 8 ngàn lượt trẻ em. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
 
Song song với hoạt động trên, những năm qua, UBND huyện Đức Trọng còn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Từ năm 2017 đến tháng 8/2020, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ xâm hại trẻ em và đã được xử lý theo quy định của pháp luật. So với giai đoạn 2011-2016 giảm 12 vụ xâm hại tình dục trẻ em. 
 
Mặt khác, công tác phòng, chống bóc lột sức lao động trẻ em; phòng, chống bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật trên địa bàn cũng được các ngành chức năng của huyện quan tâm triển khai bằng  nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Theo đó, các đơn vị, ngành chức năng của huyện đã triển khai xây dựng “Ngôi nhà an toàn”; phát động và triển khai phong trào thi đua “Cộng đồng an toàn”, “Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu” gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cũng đã có nhiều mô hình, đề án do các đoàn thể phát động đang triển khai thực hiện như: Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN huyện, Cuộc vận động “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi” của Đoàn Thanh niên... đã góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã triển khai một số hoạt động thiết thực, nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại học đường. Theo đó, 100% các trường học trên địa bàn đã phát động và triển khai như phong trào thi đua “Trường học an toàn”, Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học sinh nói không với hành vi bạo lực”, xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, sữa học đường, phòng chống tai nạn thương tích, Câu lạc bộ “Đôi bạn cùng tiến”... Đối với giáo dục mầm non, ngành giáo dục đã có một số giải pháp bước đầu chấn chỉnh việc quản lý và tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục mầm non có nguy cơ gây bạo lực, xâm hại trẻ em.
 
Mới đây, trong buổi giám sát tại huyện Đức Trọng về tình hình thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em của Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện Đức Trọng trong công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016. Đồng chí cũng đề nghị huyện Đức Trọng trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đổi mới công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình, cá nhân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Luật Trẻ em 2016; tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Song song với đó, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, góp phần hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần...   
 
NHẬT MINH